Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể!

Pink,
Chia sẻ

Một ngày nọ trong hành trình 15 năm đằng đẵng, bất ngờ nhìn thấy con tự mặc chiếc áo phẫu thuật cho mình, Quốc Tuấn ngỡ ngàng nhận ra con đã trưởng thành tự bao giờ.

Lần đầu tiên gặp Quốc Tuấn là năm 2005, khi anh vừa quay xong bộ phim "Đường thư" của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Quốc Tuấn hẹn khách tại nhà riêng ở đường Điện Biên Phủ. Đang trò chuyện thì Bôm từ trong phòng đi ra, hai bàn tay lũn chũn băng bó kín, đầu đầy sẹo. Quốc Tuấn âu yếm vẫy con lại gần, nhắc con chào khách. Khách thì phải ý nhị giấu đi nỗi xót xa, còn Quốc Tuấn cứ hồ hởi không chút lúng túng. Lúc đó, anh vẫn gọi Bôm là Tôm. Dù mang gương mặt khác thường, Bôm có ánh mắt và cử chỉ hoạt bát lạ lùng.

11 năm sau gặp lại, vẫn tại nhà riêng, nhưng là một căn hộ chung cư xa trung tâm. Ngôi nhà Điện Biên Phủ đã bán từ lâu để có tiền chạy chữa cho Bôm. Bôm lúc này đã 14 tuổi, vừa hồi phục sau cuộc đại phẫu thuật đau đớn, cao tầm trên 1m6, nặng trên 60kg, đầu và gương mặt dầy sẹo hơn xưa. Bôm vui vẻ chào khách. Giọng nói ồm ồm của chàng trai đang dạy thì. Tiếng méo nhẹ. Nhưng ánh mắt và cử chỉ thì vẫn hoạt bát y như cách đây 11 năm khi còn là em bé 3 tuổi.

Mấy hôm rồi, Bôm trở nên nổi tiếng. Trong chương trình Điều ước thứ bảy, Bôm nói: "Bôm là đàn ông, Bôm can đảm lắm." Nhiều người gọi Bôm là anh hùng. Nhưng thực ra, Bôm đơn giản chỉ là hình ảnh phản chiếu nguyên mẫu của chính bố mình – nghệ sĩ Quốc Tuấn.

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 1.

Nụ cười hạnh phúc của hai cha con Quốc Tuấn đã được đánh đổi từ 15 năm đau đớn cùng cực nhưng chưa bao giờ u ám.

Từ ngôi sao truyền hình, chấp nhận làm MC, diễn hài để có tiền chữa bệnh cho con

Thập niên 90, Quốc Tuấn là nam diễn viên hàng đầu của màn ảnh nhỏ. Những "12A và 4H", "Luật đời", "Những người sống bên tôi", "Người vác tù và hàng tổng"... đưa tên tuổi của Quốc Tuấn thành ngôi sao. Cả tài năng lẫn ngoại hình của Quốc Tuấn khi ấy đều thuộc vào hàng sáng giá nhất miền Bắc. Thời đó, Quốc Tuấn ngồi ăn ở đâu là có đánh ghen ở đấy. Bởi các cô các chị đi với chồng mà cứ liếc sang ngắm nhìn anh.

Nhưng tài hoa lại đi kèm với cương trực thì thường khó sống. Năm 2000, anh quyết định rẽ ngang. Từ bỏ con đường của một diễn viên hạng A, Quốc Tuấn đi học đạo diễn. Song, chính anh không ngờ, cú rẽ ngang đó lại bị số phận bồi thêm một cú hích choáng váng để chệch thật xa khỏi đường ray mà trước đó anh đã lập trình cho cuộc đời mình.

Năm 2002, ở tuổi 41, Quốc Tuấn đón đứa con đầu lòng chào đời. Biết bao niềm mong mỏi, hồi hộp, háo hức đón đợi trong phút chốc bị chới với ngã xuống vực sâu khi nhận con từ tay nữ hộ sinh. Quốc Tuấn suy sụp, còn vợ anh thì ngất lịm. Nhưng chỉ 2 ngày sau, khi lần đầu tiên đứa trẻ bị số phận trêu ngươi cất tiếng thổn thức ọ ẹ và giơ bàn tay có các ngón dính chặt nhau nắm lấy ngón tay trỏ của bố, Quốc Tuấn như được hồi tỉnh. Anh nghẹn ngào nhận ra sinh linh bé bỏng này vẫn là con mình, dù con có thế nào thì vẫn là con mình, đứa trẻ đang thổn thức với anh đấy, sao anh có thể buông tay. "Rồi sẽ ổn, sẽ ổn thôi", Quốc Tuấn tự nhủ với mình. Nên khi một bác sĩ vô tâm buông lời "thế này thì nuôi báo cô cả đời thôi", Quốc Tuấn đã giận dữ đáp trả: "Không, con tôi không sao cả. Cháu sẽ là một người bình thường."

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 2.

15 năm sau, Quốc Tuấn đã thực hiện được cam kết của mình với đứa trẻ 2 ngày tuổi năm xưa, đó là giúp con trở thành MỘT - NGƯỜI - BÌNH - THƯỜNG.

15 năm sau, anh đã thực hiện được cam kết của mình với đứa trẻ 2 ngày tuổi năm xưa, đó là giúp con trở thành MỘT - NGƯỜI - BÌNH - THƯỜNG. 15 năm, vừa vặn bằng trọn quãng thời gian đoạn trường của nàng Kiều. Để có trái ngọt hôm nay, người cha ấy đã phải đánh đổi bằng biết bao khát vọng, tham vọng và danh vọng. Giấc mơ nghệ thuật bị vây hãm bởi những bức bối cấp bách đời thường, dồn nén những sục sôi sáng tạo trong cái đầu luôn cuồn cuộn bộn bề ý tưởng vào một góc chật hẹp sâu kín. Chỉ thi thoảng có những khoảng trống hiếm hoi trong cuộc trường chinh 15 năm, anh mới dám lôi ra nghịch ngợm cho thỏa cơn khát thèm, rồi lại lật đật cất nó đi. Trong một lần như thế, anh có "Trái tim kiêu hãnh". Bộ phim đầu tay này được thực hiện ở điểm dừng 8 năm, sau khi Bôm đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật và thành công với việc nới hộp sọ, tháo được chiếc đinh vít khổng lồ khoan thẳng vào mặt mà mỗi lần nới vít là một lần đau đớn tận xương tủy.

Trong 15 năm ấy, Quốc Tuấn không lúc nào thôi đau đáu với phim ảnh và... tiền. Nhưng điều khiến cho những ai từng thần tượng anh có thể giữ trọn niềm tự hào là anh không kiếm tiền từ phim ảnh và không làm phim ảnh chỉ để kiếm tiền.

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 3.

Nhưng anh thà làm đủ thứ nghề để có thể trang trải chi phí cho hàng chục cuộc đại phẫu của con trai ở nước ngoài mà mỗi chuyến đi đều kéo dài nhiều tháng trời, chứ nhất định không chịu làm một bộ phim dở.

Quốc Tuấn bảo, cũng may là anh còn đủ say nghề để không làm phim bằng mọi giá. Giữa bao bất cập của nền điện ảnh nước nhà và bao bê bối của Hãng phim nơi anh công tác, Quốc Tuấn dư thừa bất mãn và chán nản. Nhưng anh thà làm đủ thứ nghề để có thể trang trải chi phí cho hàng chục cuộc đại phẫu của con trai ở nước ngoài mà mỗi chuyến đi đều kéo dài nhiều tháng trời, chứ nhất định không chịu làm một bộ phim dở. Anh làm MC, làm TVC, và cả... diễn hài. Duyên ăn nói của một người thông minh bẩm sinh, tài hoa và trải đời giúp anh rất đắt show dẫn chương trình cho các doanh nghiệp lớn. Nhưng rồi sự cầu toàn khiến anh bỏ cả cái nghề mang lại thu nhập rất cao này. Lý do chỉ vì "nói nhiều quá lắm lúc không hiểu mình nói gì, mà mình thì không thể cứ luyên thuyên mãi được".

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 4.

Quốc Tuấn là thế, làm gì cũng được để có tiền trường chinh cùng con. Nhưng phải lương thiện và không hổ thẹn với lương tâm.

Quốc Tuấn là thế, làm gì cũng được để có tiền trường chinh cùng con. Nhưng phải lương thiện và không hổ thẹn với lương tâm. Người cha tự trọng ấy sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của mọi người để chữa trị cho con, như tìm kiếm bác sĩ, hỗ trợ phiên dịch... nhưng cũng sẵn sàng từ chối nếu ai đó quyên góp ủng hộ.

Thậm chí, chính câu chuyện về 15 năm cùng con vượt qua những cửa ải nghiệt ngã của số phận này anh cũng không muốn bị khai thác như một chân dung vượt khó vĩ đại. Đơn giản là anh chỉ muốn chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao của người làm cha và thực hiện ước mơ hồn nhiên được đứng trên sân khấu lớn của con trai. Và thật may, trong cơn "cuồng" Quốc Tuấn đang diễn ra, anh không dùng mạng xã hội.

Cha và con và "Luật đời"

Bất kì ai chứng kiến màn trình diễn piano jazz vô cùng "feeling" của Bôm – Nguyễn Anh Tuấn đều phải trầm trồ, nhún nhảy, lắc lư và... khóc. Nhiều người kinh ngạc và tôn Bôm lên "anh hùng" bởi một cậu bé bị mắc bệnh Apert bẩm sinh, từng phải cưa hộp sọ, mới phẫu thuật tách ngón tay dính liền được 2 năm, mới học đàn piano được 1 năm rưỡi lại có thể biểu diễn bằng phong cách của một nghệ sĩ thực thụ. Nhưng Bôm không vĩ đại, không xuất chúng, chí ít là theo cách nghĩ trên.

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 5.

Bôm không vĩ đại, không xuất chúng. Cậu bé chỉ đơn giản là sự phản chiếu hình ảnh kiên cường và đam mê đến tận cùng từ cha mình.

Đúng là Bôm mới chỉ học đàn 1 năm rưỡi, nhưng trong 1 năm rưỡi ấy, mỗi ngày Bôm đều tập đàn 7-8 tiếng đồng hồ, mà nếu như bố không nhắc nhở thì cậu còn chưa chịu rời tay khỏi phím đàn. Trong khi những đứa trẻ cùng tuổi chỉ có thể ngồi quãng 1/3 số thời gian của Bôm là nhiều. Cũng như trong suốt 15 năm qua, Bôm được bố vuốt ve xoa dịu những vết thương cả thể xác lẫn tâm lý bằng âm nhạc. Quốc Tuấn là một tay chơi âm thanh chính hiệu. Anh đầu tư một bộ âm thanh mà dân sành nhất cũng phải nể phục để thư giãn cho chính mình và cho con.

Cứ nhìn cách Bôm tự tin bước ra sân khấu, phát biểu đầy phấn khích và dí dỏm, rồi thận trọng đặt lại ghế trước khi ngồi xuống và lướt những ngón tay chằng chịt sẹo lên phím đàn, sẽ nhận ra hình dáng của Quốc Tuấn trong ấy. Một ông bố cũng tự tin như thế, cũng dí dỏm như thế, cũng cẩn trọng một cách thành kính trước nghệ thuật như thế.

Một ông bố dù nhiều lần tưởng chết đi sống lại bên bàn phẫu thuật của con, đau thấu tâm can khi nhìn nỗi đau đớn của con, dù vật lộn với khát vọng nghệ thuật chưa mãn nguyện của bản thân, nhưng chưa bao giờ thôi lạc quan và vui sống.

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 6.

Hành trình 15 năm của cha con Quốc Tuấn đầy nước mắt nhưng chưa bao giờ thôi lạc quan và vui sống.

Ông bố ấy tự tin dắt con đi khắp nơi, mang con theo trong mọi cuộc vui bạn bè hội nhóm, hồ hởi giới thiệu con với mọi người, mặc mọi ánh mắt tò mò dò xét.

Ông bố ấy, dù đôi mắt quầng lên vì thiếu ngủ hằng đêm, dù gương mặt in đậm dấu vết của tuổi tác và khắc khổ, thì vẫn luôn chỉn chu, thậm chí là đỏm dáng trong từng bộ trang phục, vẫn lịch thiệp đào hoa trong từng cái bắt tay với phụ nữ, vẫn ý thức rất rõ mình là một nghệ sĩ và phải giữ gìn hình ảnh đẹp đẽ của nghệ sĩ trước công chúng. Thái độ kính cẩn với nghệ thuật mà lâu rồi người ta không còn gặp ở lớp nghệ sĩ mới đã được Quốc Tuấn thừa kế lại nguyên vẹn với Bôm – con trai mình.

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 7.

Thái độ kính cẩn với nghệ thuật mà lâu rồi người ta không còn gặp ở lớp nghệ sĩ mới đã được Quốc Tuấn thừa kế lại nguyên vẹn với Bôm – con trai mình.

Quốc Tuấn bảo, anh và con trai là hai người bạn nên không có dạy dỗ, giáo điều, ra lệnh. Thì cứ nghe cách Bôm gọi bố bằng "Anh" là đủ hiểu. Tất cả những gì Bôm có đều là sao chép theo mẫu, ảnh hưởng một cách tự nhiên từ bố. Bố chơi thể thao thì Bôm cũng chơi thể thao. Bố tập yoga để giữ dáng và giữ sức khỏe thì Bôm cũng tập yoga. Bố si mê âm nhạc thì Bôm cũng si mê âm nhạc. Bố cứng cỏi, vững vàng, kiên cường chịu đựng đau đớn thì Bôm cũng vậy. Cứ mỗi lần lên bàn mổ, Bôm lại đánh dấu một cột mốc của nghị lực, nới rộng thêm những giới hạn của bản thân và lặng lẽ trưởng thành. Quốc Tuấn bảo nơi anh chứng kiến sự lớn lên từng ngày của con chính là cái bàn mổ, nơi anh từng nắm chặt bàn tay bé bỏng chấp chới có những ngón dính liền, cũng là nơi anh nhìn thấy bàn tay ấy tự mặc áo phẫu thuật cho mình.

Chỉ có một chút khác biệt giữa hai cha con, ấy là Bôm càng ít khóc bao nhiêu thì Quốc Tuấn càng dễ rơi nước mắt bấy nhiêu.

Cuộc trường chinh của hai bố con Quốc Tuấn: Chuyện chưa bao giờ bố kể! - Ảnh 8.

Bôm càng ít khóc bao nhiêu thì Quốc Tuấn càng dễ rơi nước mắt bấy nhiêu.

Cuộc trường chinh của gia đình Quốc Tuấn sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, cho đến khi Bôm đủ tuổi để can thiệp thẩm mỹ chỉnh hình gương mặt. Nhưng cam kết giúp con trở thành một người bình thường của Quốc Tuấn thì đã hoàn thành. Trong tương lai không xa, chàng trai Nguyễn Anh Tuấn chắc chắn sẽ trở thành một NGHỆ - SĨ - TỬ - TẾ. Đấy chẳng phải là bói toán gì. Bởi lẽ đơn giản thôi, mọi đứa con đều là sự phản chiếu của cha mẹ. Nói như tên bộ phim mà Quốc Tuấn đóng vai chính, thì đó là "Luật đời".

Chia sẻ