Cuộc sống thực tế ở Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới như thế nào?
Bhutan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, vậy cuộc sống trên thực tế ở đất nước này diễn ra như thế nào?
Được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, đất nước Bhutan là nơi có lối sống bình dị, ôn hòa khi hầu hết người dân đều theo đạo Phật và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố tâm linh và tôn giáo.
Bưu điện Tổng hợp ở Thimpu, Bhutan (Ảnh: Getty Images)
Khi đến thăm quan Thimpu - thủ đô của Bhutan, bạn sẽ bắt gặp một thành phố duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông. Đặc biệt hơn, những cửa hàng và nhà hàng tại đây đều thuộc sở hữu của người dân địa phương (không chịu sự điều hành của bất kỳ tập đoàn nào).
Một cảnh sát được giao nhiệm vụ ngồi trong buồng và điều khiển giao thông ở Bhutan (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ra, Bhutan cũng là điểm đến hiếm hoi trên thế giới không có đầy rẫy những thương hiệu quốc tế. Theo doanh nhân Chokey Wangmo, không có khả năng các tập đoàn McDonald's và Starbucks sẽ đến Bhutan vì nơi đây lượng dân số quá nhỏ nên đây không phải là thị trường sinh lời cho họ.
Ở Bhutan, chân dung của nhà vua và gia đình hoàng gia được trưng bày ở hầu hết mọi ngôi nhà và doanh nghiệp. Ảnh của nhà vua được đặt ở khắp các ngôi chủa Phật giáo trên đất nước và được đặt cạnh ảnh của các Lạt-ma - hiện thân của giáo pháp.
Hầu hết mọi ngôi nhà và văn phòng ở Bhutan đều có ảnh của nhà vua (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, những ngôi nhà của gia đình hoàng gia rất nhỏ và vô cùng giản dị vì gia đình hoàng gia không nghĩ cho bản thân mình mà họ chỉ nghĩ cho đất nước và cư dân sinh sống tại nơi đây.
Về văn hóa làm việc, Wangmo - một du học sinh từ Ấn Độ trở về Bhutan chia sẻ rằng cô không thể tìm thấy một ngân hàng nào ở đất nước này cho phép mở tài khoản trực tuyến thay vì phải đến quầy giao dịch trực tiếp. Ngoài ra, những tác vụ cơ bản hàng ngày như lên lịch họp, nhắn tin, phục vụ khách hàng,... trực tuyến thường không thể tìm thấy ở Bhutan.
Người dân Bhutan mặc trang phục truyền thống khi học khoa học máy tính (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ra, hầu hết các công việc ở Bhutan đều yêu cầu phải mặc trang phục truyền thống của đất nước - một bộ trang phục liền thân kết hợp với tất cao đến đầu gối đối với nam giới hoặc một bộ áo khoác và váy hai mảnh đối với phụ nữ.
Theo Temphel - người sáng lập nhóm chuyên bảo tồn văn hóa ở Bhutan cho biết người Bhutan luôn lấy cộng đồng làm trung tâm. Mọi người tại đây đều biết và quan tâm đến nhau khi hàng xóm thường ghé thăm nhà người khác dù họ không được mời hay cả làng đến thăm một em bé mới sinh hoặc chào đón ai đó từ bệnh viện trở về.
Một đặc trưng khác ở Bhutan chính là Coffee Cat Café - nơi mọi người được khuyến khích chia sẻ với nhau về cảm xúc và sức khỏe tâm thần của họ. Để mọi người cởi mở hơn trong việc nói chuyện về sức khỏe tâm thần, Coffee Cat Café thường tổ chức các sự kiện đọc thơ với những câu trích dẫn truyền cảm hứng.
Nhiều người trẻ ở Bhutan rời đi và làm việc ở nước ngoài (Ảnh: Getty Images)
Vì mức độ phát triển của Bhutan không thể sánh bằng với những quốc gia khác nên ngày càng có nhiều người trẻ rời khỏi Bhutan để đi du học và làm việc ở nước ngoài. Do đó, nhà sáng lập Temphel lo ngại rằng Bhutan có khả năng sẽ mất cân bằng dân số khi người già nhiều hơn người trẻ, tương tự các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc.