Cuộc sống nặng nề của phụ nữ Nhật Bản sau kết hôn và những con số giật mình
Bạn thường ngưỡng mộ những bà nội trợ Nhật đảm đang, khéo tay, biết cách thu vén việc nhà, chăm sóc chồng con giỏi. Sự thật không giống như bạn nghĩ.
Gánh nặng trên vai người phụ nữ
Bạn có biết rằng, đằng sau sự thu vén tài tình ấy là những vất vả, đánh đổi và thậm chí bị xem thường của những người phụ nữ hết lòng vì chồng con?
Quả thật như vậy. Ít ai biết rằng hình ảnh người phụ nữ tất tả từ 6 giờ sáng đến tận 11 giờ 30 tối, loay hoay với việc nấu ăn cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa, vừa địu con vừa nấu cơm lại là một hình ảnh vô cùng phổ biến trong những gia đình Nhật Bản.
Chị Miki, 37 tuổi, một bà nội trợ Nhật đã khiến biết bao cô gái trẻ ngưỡng mộ với lịch làm việc dày đặc. Chị bắt đầu một ngày mới vào lúc 6 giờ sáng với việc chuẩn bị bữa ăn sáng, ăn trưa cho chồng con, cả ngày loay hoay với công việc nhà, chăm sóc con, đón con. Đến tận 12 giờ đêm, sau khi người chồng đi làm về lúc 11 giờ 30 tối, chị mới được nghỉ ngơi. 8 năm kể từ ngày kết hôn, mỗi ngày trôi qua với chị đều như thế.
Vất vả là vậy, thế nhưng với Miki, những người phụ nữ chọn ở nhà chăm sóc chồng con lại bị xã hội xem là lười biếng và vô dụng. Nhưng miệng lưỡi người đời vốn đầy sự vô cảm, ác nghiệt sẽ không buông tha nếu họ đi làm và gửi con đi học sớm. Khi đó, những bà mẹ đáng thương này sẽ bị cho là người mẹ, người vợ thiếu trách nhiệm.
Bạn thắc mắc tại sao họ bị đánh giá là người mẹ vô trách nhiệm? Như thế này: Một đứa trẻ Nhật khi đi học sẽ có rất nhiều hoạt động tại trường và đòi hỏi sự có mặt của người mẹ. Và chẳng một người phụ nữ đi làm nào có thể dành hết thời gian cho các hoạt động tại trường của con. Để rồi khi đó, con của họ sẽ bị đối xử theo cách thương hại, hay thậm chí là bị bắt nạt bởi sự thiếu quan tâm của người mẹ.
Bạn vẫn thắc mắc tại sao họ bị đánh giá là người vợ thiếu trách nhiệm? Rất đơn giản. Người Nhật quan niệm tổ ấm là báu vậy của người mẹ. Vì thế, nếu đi làm, một người phụ nữ không thể hãnh diện với xã hội khi nhà cửa không ngăn nắp, dơ bẩn, khi họ không có thời gian dành cho dạy con những bài học cuộc sống, chồng con họ chẳng thể nào ngẩng mặt với mọi người khi không được chuẩn bị hộp cơm ngon-bổ-bắt mắt.
Không chỉ bị người đời đánh giá, bình phẩm, những phụ nữ này còn bị chính người chồng đầu ấp tay gối xem thường. Chị Miki chua chát cho biết: "Chồng tôi thường nói: "Tôi là người duy nhất kiếm tiền về cho cái nhà này. Là một bà nội trợ chẳng thể nào so sánh được với những căng thẳng, khó khăn khi vừa làm cha vừa đi làm". Tôi thật sự rất đau khổ khi nghe những lời nói chua cay này từ chồng mình".
Không riêng chị Miki, rất nhiều phụ nữ Nhật khác đang phải chịu đựng những nỗi niềm này. Theo kết quả từ một cuộc khảo sát về lối sống ở Nhật vào năm 2001, nam giới đã kết hôn chỉ dành khoảng 30 phút một ngày để chăm sóc con cái, nhà cửa. Nhiều chuyên gia về dân số của Nhật khẳng định rằng, đây là hệ lụy đau buồn cho quan niệm đàn ông không cần phải quan tâm đến nhà cửa, con cái.
Với quan điểm này cộng thêm văn hóa làm việc không ngừng nghỉ của Nhật, rất nhiều người đàn ông của nước này cho biết, họ chỉ có thể gặp vợ con khi đồng hồ điểm 11 giờ đêm - lúc người đã mệt nhoài, không còn chút sức lực. Cũng bởi thế, người phụ nữ vốn được xem là "phái yếu" bỗng trở thành nữ anh hùng, một tay cáng đáng tất cả việc nhà, vừa làm vợ, làm mẹ, làm cả osin...
"Hai tay lo hết cả thế giới" như thế kia thì thử hỏi người phụ nữ nào còn hơi sức, đầu óc để làm việc như một người bình thường? Và thế là họ chấp nhận thực tế một cách vui vẻ, tập trung chăm sóc chồng con, nhà cửa, xem đây như một việc làm đặc biệt. Còn chuyện hưởng thụ, làm điều mình yêu thích, hãy "để mai tính".
Chọn sống độc thân, ngại sinh con
Cũng bởi thế mà phái nữ Nhật Bản thời nay vẫn thường truyền tai nhau rằng: một là kết hôn rồi nghỉ việc hiện tại, hai là làm việc và sống độc thân, chứ đừng mơ đến việc kết hôn, sinh con mà vẫn được tiếp tục công việc yêu thích. Và thế là những người phụ nữ hiện đại chọn cuộc sống độc thân, tập trung hơn cho công việc, trì hoãn kết hôn, nếu không muốn nói là không có ý định lập gia đình, quyết tâm sống cuộc sống "độc thân vui tính".
Thêm một lí do khác, đó là suy nghĩ thoáng của những doanh nghiệp Nhật trong thời đại nay. Khác với quan niệm xưa (nhân viên nữ đến 30 tuổi sẽ bị quản lí ép kết hôn và nghỉ việc), các công ty Nhật ngày nay đã nhận nhiều nhân viên nữ hơn do quan điểm này giờ đây đã bị đánh giá mang tính "quấy rối", và họ giờ chẳng còn bị ép nghỉ việc nữa, nhà văn Megumi Ushikubo - tác giả sách Những người trẻ tuổi không chịu yêu - cho biết.
Ví dụ điển hình là Rika - nữ sinh viên 21 tuổi - phát biểu rằng cô chẳng hứng thú với việc hẹn hò. Gặp gỡ bạn bè và tìm việc là hai thứ tối quan trọng với cô trong thời điểm này.
Bị ảnh hưởng bởi các gương mặt nữ giới có tiếng trên truyền hình, tham vọng của Rika sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt. Rika nhấn mạnh: "Ai nói rằng tôi sẽ làm vợ rồi trở thành mẹ trong tương lai vì tôi là phụ nữ?" và khẳng định rằng, cô sẽ không kết hôn nếu không tìm được "nửa kia hoàn hảo" để không ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình, đồng thời không muốn có con.
Và thế là dân số Nhật Bản từ đó cứ thế giảm dần, tỉ lệ sinh ngày càng thấp đi, đến mức vào tháng 11/2015, chính phủ đất nước này đã ra quyết định sẽ thưởng 10 triệu yên Nhật (gần 1,8 tỉ đồng) cho mỗi cặp vợ chồng trong lần sinh con đầu tiên.
Tỷ lệ kết hôn, sinh con liên tục giảm - Vào cuối năm 2015, Bộ Y tế Nhật công bố, đã có 1.008.000 em bé được sinh ra ở đất nước này vào năm 2015, tăng 4.000 so với cùng kì năm trước, và đó là lần đầu tiên con số này tăng kể từ năm 2010. Tuy tỉ lệ sinh trong năm 2015 tăng nhẹ so với năm 2014 nhưng điều này vẫn chẳng làm chính quyền Nhật Bản hài lòng hơn bởi trong những năm 1979, con số này đã đạt được hơn 2.000.000. Thế nhưng, vào năm 1984, tỉ lệ sinh của đất nước này đã giảm còn 1.500.000 và tiếp tục giảm và năm 2005 với 1.100.000. - Trong năm 2015, khắp nước Nhật có 635.000 cặp kết hôn, giảm 9.000 so với năm 2014, đánh dấu mức thấp kể từ sau chiến tranh. Trong khi đó, có 225.000 cặp li hôn, tăng 3.000 so với năm trước. Không chỉ vậy, một cuộc thống kê nhanh của chính phủ nước này đã cho thấy cứ 50 giây có một cặp kết hôn và 140 giây lại có một cặp li hôn. - Theo thống kê vào tháng 1/2015 của O-net - một công ty môi giới kết hôn - 74,3% những người ở độ tuổi 20 của đất nước này không hẹn hò, con số này vào năm 1996 là 50%. Một cuộc thống kê khác do Cabinet Office thực hiện trên 7.000 người trong độ tuổi từ 20 đến 30 cho thấy, 40% người độc thân ở lứa tuổi 20 "không hề tìm kiếm người yêu" và cho rằng "sự lãng mạn là điều phiền phức" hay "ưu tiên tận hưởng sở thích của bản thân". - Theo số liệu từ một cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, số thanh niên trong độ tuổi lập gia đình không muốn có con tăng từ 8,6% ở nam và 7,2% ở nữ (năm 2002) lên tới 15,8% và 11,6% (năm 2012). Số liệu tổng hợp từ Japan Times |