Cuộc sống mịt mùng đến lạ trong "xóm nghĩa địa” những ngày "vắng vẻ"
Hai năm sau khi những ngôi mộ được di dời, "xóm nghĩa địa” trở thành “xóm chờ giải tỏa”. Những ngôi mộ không còn, nhưng cuộc sống người dân thì vẫn thế, lay lắt và trống trải...
Từ nhiều năm nay, khu vực bến Bình Đông (phường 15, quận 8, TP.HCM) được "giới giang hồ" gọi bằng những cái tên rợn tóc gáy như “xóm nghĩa địa”, “xóm gò mả” khi những người lao động nghèo không chốn dung thân tìm về đây cất nhà, tìm kế mưu sinh ngay bên cạnh những nấm mồ không quen biết. Trải qua nhiều cuộc chuyển dời, xóm gò mả đã thay thế bằng những ngôi nhà tường cứng cáp từ lâu nhưng xóm nghĩa địa thì mới chỉ được phát quang chưa đầy hai năm nay. Ký ức về những ngày ăn ở cùng “người cõi âm” ít nhiều vẫn còn lưu giữ trong đầu những người dân chân lấm tay bùn.
"Xóm nghĩa địa" giờ đã không còn nghĩa địa.
Chưa quen việc thiếu…gò mả
Đường vào xóm nghĩa địa nhà cửa bủa vây chằng chịt, rất nhiều con hẻm nhỏ chồng chéo lên nhau. Mất hơn một tiếng đồng hồ hỏi han người dân địa phương, chúng tôi mới tìm được con xóm nằm cạnh bờ sông Rạch Lào. Trái với hình dung ban đầu về một khung cảnh hỗn độn, nhà của người sống và người chết chồng lấn lên nhau, không còn bất cứ một ngôi mộ nào còn hiện diện tại xóm nghĩa địa.
Chị Tươi, người có thâm niên hơn hai mươi năm sống cùng các ụ đất, tấm bia dẫn chúng tôi ra một bãi đất lớn, nơi mà mới hai năm trước mộ phần còn chi chít khắp nơi. Chỉ vào tấm tường màu đỏ chói, chị bảo chỗ ấy nhà nước mới vừa giải toả một số hộ lấn chiếm đất, xây dựng trái phép. Tàn tích còn lại của một thời âm u giờ chỉ là những miếng gạch lạnh lùng vương vãi khắp nơi hay cái móng nền vẫn còn bám chặt dưới lòng đáy mộ trống hoác. Chị Tươi cho biết thêm, không lâu sau khi bốc mộ, đêm nào tụi hút chích, nghiện ngập cũng kéo về đó dùng hàng, chính quyền biết chuyện nên cho người đến rào lại, thành ra bây giờ xóm trở nên chật chội hơn.
Dấu vết của một con xóm người sống ở cạnh người chết giờ chỉ là gạch đá.
Ngồi ngoài bờ sông hóng gió sau khi đi phụ hồ về, anh Phan Văn Nghĩa (19 tuổi) nói mình vẫn chưa thích nghi với sự “trống trải” này. Trước đây khi còn các nấm mồ chồng lấn xung quanh nhà, cứ đến tháng 7 âm lịch, thân nhân của người đã khuất thường tìm đến cúng bái, nhang khói nghi ngút. Một số nhà giàu thì bỏ tiền ra làm từ thiện làm phước, nhờ vậy nhà anh cũng được ké với các suất gạo, bánh trái cải thiện cuộc sống. Năm nay khắc hẳn, chẳng còn ai ngó ngàng đến cái xóm nghèo này, nên sự hiu hắt vì thế càng dâng lên ngất trời.
Những người dân trong xóm dường như vẫn chưa quen với cảnh "vắng vẻ" này.
Những đứa trẻ vui chơi cùng nhau trên những khu đất trồng, khi không còn mồ mả.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Dinh (23 tuổi) cũng tiếc sự “náo nhiệt” của ngày xưa, bởi theo anh xóm nghĩa địa đã quá hoang vắng, bần cùng. Có những ngôi mộ, người nghèo như anh cảm thấy khuây khoả hơn, khi mỗi lần gặp chuyện gì buồn cũng có nơi để cầu nguyện, tâm sự.
Dù hơi lạc lõng, những người dân nơi đây cũng thừa nhận việc bốc mộ đi nơi khác ít nhiều giúp cho cuộc sống của họ thoải mái hơn, con nít giảm hẳn bệnh tật khi không còn hít phải mùi của xác chết. Xe cộ có chỗ để chạy vào chứ không chen chúc như trước, và những đám rau lang họ trồng có được khoảng trống để tha hồ bò ra dày đặc hơn.
Những phận người lang bạt
Nhưng đó chỉ là sự bình yên tạm bợ. Bởi theo những người dân nơi đây, mộ đã giải toả hết đồng nghĩa với việc ngày họ bị di dời đi nơi khác không còn xa. Ai cũng biết rằng sẽ chẳng có gì bảo đảm khi nơi họ cư ngụ vốn là đất công, họ ở đó mấy chục năm trời với tâm lý “tới đâu hay tới đó”.
Trong căn nhà tôn lụp xụp chưa đầy 10 mét vuông, chị Cao Thu Hà (43 tuổi) đang dỗ đứa cháu ngoại ba tuổi ăn cơm. Chị nói nhà tôn như vầy đỡ lắm rồi, chứ lúc trước nhà chỉ lợp bằng giấy dầu, còn vách được tết lại bằng những bao xi măng rách rưới, nắng mưa gì cả gia đình cũng phải chịu trận. Vốn là dân gốc quận 4, vì gia cảnh quá khổ cực, chị không được đi học ngày nào, lang bạt mưu sinh rồi trôi nổi vào tận đây. Mới đi làm công nhân chế biến hải sản hơn tháng nay, đứa con trai lớn của chị bỗng mất chứng bệnh lãng tai và có dấu hiệu bị điếc. Tiền lương tháng hơn 2 triệu không đủ lo ăn, làm sao tính chuyện thuốc men chữa bệnh. “Ở như vầy quá cực, sao này giải toả tốn lại phải còng lưng gánh thêm khoản nhà trọ nữa, chẳng biết phải tính sao” – người đàn bà nghèo âu lo.
Chị Hà ôm đứa cháu đứng trước cửa nhà, nơi sắp tới chị có thể sẽ phải di dời...
Cạnh nhà chị Hà, căn nhà của ông Ngô Văn Hùng (62 tuổi) cũng chẳng rộng hơn là bao... Dựng trước cửa một chiếc xe đạp, em Ngô Thị Kim Thủy chuẩn bị đi bán vé số. Học hết lớp hai nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, cô bé 14 tuổi phải dừng con đường học thức, mỗi ngày rảo khắp Sài Gòn kiếm vài chục ngàn phụ giúp gia đình. Đã quen với sự rong ruổi nên với em, việc có giải tỏa hay không cũng chẳng còn quan trọng. Thủy vừa đạp xe đi, chị Ngô Thị Kim Hương (dì của Thủy) đem từ phía sau bếp lên một tô nui chỉ toàn rau và giá. Đó là phần ăn một ngày của gia đình 8 nhân khẩu này.
Ông Hùng đang cạo rổ cơm thiu cho gà ăn.
Tiếng nhạc buồn phát ra từ phía căn nhà của ông Nguyễn Thanh Tân. Người đàn ông chạy xe ôm 45 tuổi đang nằm hưởng thụ phút thảnh thơi của những ngày ngắn ngủi còn ở tại xóm nghĩa địa. Bên cạnh chỗ ông nằm, những chiếc gối nhàu nát, cũ mèm nằm thu lu trong một góc. Đó là chỗ ngả lưng của cả gia đình ông, vì ngôi nhà quá nhỏ hẹp. Ông Tân đang lo khi nhà nước di dời khu này, vợ con ông không biết ở đâu. Chứ bản thân ông thì đầu đường xó chợ, nơi nào cũng là nhà.
Bên cạnh chiếc võng của ông Tân là đống mền gối nát nhàu.
Xế chiều, khói từ các đống rác được người dân đốt bốc lên trắng trời. Kể từ ngày không còn những nấm mồ, rác bừa bãi không còn chỗ vứt, những thứ phế thải cũng vì thế được dọn dẹp dần. Chiều cũng là lúc nơi đây xôm tụ nhất khi mọi người trở về sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Không còn mả mồ nhưng sự lụp xụp, đói nghèo vẫn còn đó.
Phía sau sông Rạch Lào, những toà nhà cao tầng đang dần mọc lên.
Giữa lúc đám đông đương hồ hởi, ông Ngô Văn Hùng lặng lẽ ra bờ sông ngồi nghĩ ngợi xa xăm. Con sông Rạch Lào đến giờ nước ròng, đáy trơ trọi những bùn đất. Phía bên kia bờ, một trường mẫu giáo đang xây dở sắp sửa mọc lên. Một sự thay đổi đang âm thầm hiển hiện.