Cuộc sống khốn cùng của "liệt sĩ" trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo

Nhã Hoàng,
Chia sẻ

3 năm ông Phú bị giam cầm trong nhà tù Côn Đảo cũng là chừng ấy thời gian người thân quê nhà đau đớn nhận được tin báo tử. Sau 3 năm ông may mắn trở về nhưng di chứng của chiến tranh vẫn ngày đêm hành hạ thân xác.

"Liệt sĩ" trở về

Ông Lê Đình Phú (69 tuổi, ngụ xóm 5, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) dáng người gầy gò, da xanh xao, nằm co ro trên chiếc giường. Đôi chân của ông co rút, sau 5 năm tê liệt giờ chỉ còn da bọc xương. Nhìn ông lúc này, chẳng ai nghĩ ông từng có gần chục năm vào sinh ra tử tại chiến trường ác liệt, từng trải qua hàng nghìn trận đòn tra tấn dã man của giặc Mỹ suốt nhiều năm bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 1.

Di chứng từ nhục hình trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo khiến ông Phú không thể đi lại.

Cầm tấm Huân chương kháng chiến của nhà nước trao tặng ông Phú mệt mỏi kể trong tiếng thở dốc.

Năm 1969 khi mới 20 tuổi, ông cầm súng lên đường đánh giặc tại chiến trường Quảng Trị.

Năm 1971, đơn vị ông chuyển vào Phú Quốc với nhiệm vụ ngày chiến đấu, đêm đào hầm.

Trong một trận đánh, ông bị giặc Mỹ bắt, giam cầm tại nhà tù Côn Đảo.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 2.

Ông Phú là "liệt sĩ" trở về sau 3 năm báo tử.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 3.

Huân chương nhà nước trao tặng là thứ ông Phú quý trọng nhất, cất giữ cẩn thận.

"Suốt một năm tôi cùng một số chiến sĩ khác bị giam cầm trong chuồng cọp, ăn đất, nằm sương. Chúng lấy dùi cui, dây điện, dây thừng đánh đập một cách tàn nhẫn rồi bỏ đói. Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị chúng đánh đến gãy chân tay, máu chảy đầm đìa. Chúng còn dìm tôi vào bể nước, khi ngấp ngoải lại kéo lên.

Đòn tra tấn dã man bằng nhục hình khiến tôi nhiều lần "chết hụt". Dù đau đớn nhưng tôi vẫn tự nhủ mình phải cố đợi đến ngày đất nước hòa bình thì có chết cũng yên lòng", ông Phú hồi ức.

Cũng chính trong thời gian bị giam cầm, tại quê nhà, cha mẹ, người thân đau đớn khi nhận giấy báo tử của ông. Người mẹ già gạt nước mắt, lập bàn thờ con trai trong niềm an ủi duy nhất "Con tôi hi sinh vì tổ quốc".

Năm 1973, trong một đợt trao trả tù bình, ông Phú may mắn được trả tự do.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 4.

5 năm qua, ông Phú nằm liệt giường trong căn nhà xuống cấp trầm trọng, không một vật dụng đáng giá.

"Sau khi ra tù, tôi đã trở về quê hương trước sự ngỡ ngàng, hạnh phúc của gia đình, bà con lối xóm. Mẹ tôi khóc ngất vì vui mừng.

Về phép được một tuần, tôi nhận lệnh trở lại chiến trường để tiếp tục chiến đấu. Đến năm 1976, sau khi đất nước hòa bình, tôi xuất ngũ trở về", ông Phú chia sẻ thêm.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 5.

Ở những ngày tháng cuối cuộc đời, ông Phú lo sợ căn nhà sụp xuống không có chỗ nương thân.

Nỗi đau chiến tranh

Trở về quê hương, ông Phú cùng bà Mai Thị Cảnh (71 tuổi) nên duyên vợ chồng. Họ có với nhau 4 người con (3 gái, 1 trai). Tuy nhiên, người con trai út chịu thiệt thòi vì sinh ra khù khờ, không được thông minh, nhanh nhẹn.

Chỉ sau mấy năm chung sống, cơ thể ông Phú yếu dần, toàn thân đau nhức, đi lại khó khăn, không thể lao động như trước, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 6.

Bà Cảnh thở dài kể về những khó khăn đã trải qua.

Một mình bà Cảnh vừa chăm chồng, nuôi đàn con thơ. Dù bà bươn chải, làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền để trang trải cuộc sống, thuốc thang cho chồng. Căn nhà cũ nát, xuống cấp trầm trọng đã hàng chục năm chưa một lần sửa sang.

"3 người con gái lấy chồng, lập nghiệp xa nhà. Người con trai út cũng may mắn có vợ, ở riêng sát nhà bên cạnh. Căn nhà nhỏ chỉ còn vợ chồng tôi rau cháo nuôi nhau qua ngày.

5 năm nay ông ấy nằm liệt giường, thường xuyên than đau mỏi khắp cơ thể nên tôi không thể làm được gì, chỉ biết ở nhà chăm sóc ", bà Cảnh thở dài chia sẻ.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 7.

Cả gia đình trông chờ vào vài đồng trợ cấp hàng tháng.

Cuộc sống khốn cùng của liệt sĩ trở về sau nhiều năm bị tra tấn bằng nhục hình trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh 8.

Gia đình ông Phú thuộc hộ nghèo trong xã.

Cuộc sống của cặp vợ chồng già phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền 850 nghìn đồng/tháng trợ cấp ông Phú nhận được.

Từng vào sinh ra tử tại chiến trường ác liệt, từng trải qua cuộc sống tù đày với biết bao nhiêu lần "chết hụt" dưới bàn tay tàn độc của bọn giặc nhưng ông Phú không sợ. Thế nhưng, ở những ngày tháng cuối cuộc đời, khi cơ thể đang gánh trọn nỗi đau từ chiến tranh, người đàn ông này vẫn luôn tự trách mình trở thành gánh nặng cho vợ con. Ông lo sợ căn nhà sắp sập xuống sẽ không có nơi nào để ở.

Mọi đóng góp hảo tâm cho vợ chồng ông Phú xin vui lòng gửi về địa chỉ: bà Mai Thị Cảnh, xóm 5, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Hoặc STK của bà Cảnh: 51210000633939, ngân hàng BIDV, chi nhánh Phủ Diễn. ĐT: 0352.326.017


Chia sẻ