Cuộc sống êm đềm như tranh của đôi vợ chồng trẻ người Việt ở Đức: Dù sống giữa vùng dịch vẫn bình thản trồng rau, làm bánh, đưa con đi dạo giữa rừng cây
Dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc hẳn, song gia đình nhỏ của chị Thu Thủy vẫn duy trì cuộc sống cách ly, cùng nhau ở nhà làm vườn, nấu ăn... giản dị bình yên khiến bao người ao ước.
10 năm trước, Đào Thu Thủy là một cô du học sinh trẻ trung chân ướt chân ráo tới Đức. Bây giờ cô đã là bà mẹ 29 tuổi, sống cùng chồng con trong căn nhà xinh xắn trồng đầy hoa ở vùng Köln (Cologne). Cuộc sống của Thu Thủy diễn ra vô cùng êm đềm, kể cả khi dịch viêm phổi do virus corona quét qua nơi gia đình chị ở, mọi thứ cũng không thay đổi quá nhiều ngoại trừ việc cả nhà "bỗng dưng" được ở cùng nhau 24/24, vừa lạ mà cũng vừa quen.
Sau khi kết hôn, Thu Thủy giúp chồng quản lý công ty riêng chuyên chụp ảnh cưới. Đến lúc bé An ra đời thì bà mẹ trẻ chỉ tập trung vào việc gia đình, chăm con. Chỉ thi thoảng khi công việc của chồng quá nhiều thì Thủy vừa ôm con vừa phụ giúp chồng đôi chút. Mọi thứ cứ trôi đi êm đềm cho tới khi dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra.
Thủy tâm sự: "Vì dịch nên các đám cưới trong vòng 2 tháng tới và có thể là tới hết mùa thu năm nay sẽ bị hủy, vợ chồng mình tạm thời không bận bịu nữa. Cũng gọi là khó khăn đôi chút, nhưng chính phủ Đức có tung ra gói trợ cấp lập tức nên tình hình không đến mức quá căng thẳng".
Bé An chưa đi nhà trẻ nên cuộc sống mùa dịch với Thu Thủy thực ra cũng không có gì khác biệt quá nhiều so với trước đây. Chị vẫn luôn ở nhà lo chuyện bếp núc, dọn dẹp, trang trí nhà, trồng rau củ trong mảnh vườn xinh xinh ngoài sân. Điều khác biệt duy nhất là chồng chị không bận rộn đi làm nữa, khiến Thu Thủy bỗng trở thành "bà nội trợ nhàn rỗi" vì đã có chồng giúp đỡ việc nhà, trông con.
Ở thời điểm diễn biến dịch corona căng thẳng nhất, không khí u buồn bao trùm khắp nơi tại Đức, người thân bạn bè ai cũng lo lắng cho sự an toàn của gia đình Thu Thủy, song vợ chồng chị chưa từng có ý định tìm mọi cách để về Việt Nam tránh dịch.
"Mình luôn nghĩ đang ở đâu thì nên ở yên một chỗ là tốt nhất, vì di chuyển đường dài mới khiến khả năng bị nhiễm bệnh cao hơn. Gia đình chúng mình và bạn bè thân thiết ở quê nhà cũng rất lo lắng, nhất là thời gian đầu khi dịch bùng nổ và tiểu bang mình đang sống được coi là tâm dịch. Tuy nhiên, mình không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi vì mình luôn quan niệm cái gì đến sẽ phải đến. Điều cần làm là bình tĩnh, nâng cao sức khỏe, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và tuân thủ theo đúng những quy định của nhà nước, còn lại thì cứ lạc quan thôi!".
Thu Thủy tiết lộ thêm, ở Đức không có lệnh giới nghiêm mà thay vào đó là hạn chế tiếp xúc xã hội. Mọi người vẫn được phép đi chợ, tập thể dục thể thao, đi dạo ở những khu vực tự nhiên như đồi, núi, rừng... gần nơi sinh sống. Những hoạt động bị cấm là đi picnic, vui chơi đông đúc ở công viên, thăm người thân, tụ tập trên 2 người nơi công cộng...
Tuy đã qua cao điểm dịch, song gia đình chị Thủy vẫn tuân thủ cách ly tại nhà. Đôi vợ chồng trẻ vẫn duy trì nếp sinh hoạt cũ, tìm niềm vui từ những việc nho nhỏ mà cả gia đình cùng làm với nhau. Bà mẹ trẻ tự nhận mình là người thích sống chậm, nên ngày ngày chỉ thích quanh quẩn bên luống rau, vườn hoa, lọ mọ trên bàn bếp, hay chiếc ban công gỗ đầy nắng với chú mèo nhỏ, chơi với con rồi đọc sách bên chồng, dắt con gái đi dạo trong khu rừng thông gần nhà, ngắm hoàng hôn bên hồ nước nhỏ... Tất cả đều lãng mạn, êm đềm như một bức tranh, chẳng có chút lo sợ nào dù dịch bệnh vẫn chưa qua hẳn.
Với vợ chồng Thu Thủy, sợ hãi cũng chẳng để làm gì, thay vào đó cứ tận hưởng những điều tích cực nhờ việc nghỉ ở nhà tránh dịch, thế chẳng phải tốt hơn sao?
2 tháng qua, Thủy đã mày mò nấu nướng thật nhiều món ngon trong căn bếp ấm cúng của mình, đặc biệt bà mẹ trẻ có năng khiếu sáng tạo bánh mì vô cùng đẹp mắt, vẽ hình rau củ bằng mứt và kem, được cộng đồng mạng phát hiện ra và gọi chị là "phù thủy bánh mì". Tuy không đến mức nổi đình đám như đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng Thu Thủy cũng được nhiều người follow tài khoản MXH, hỏi han công thức nấu nướng, cách trang trí bánh mì, decor nhà xinh xắn theo phong cách giống chị.
Thủy cũng giữ nguyên nét truyền thống của bà nội trợ Việt khi thường xuyên nấu những món ăn mang phong vị quê nhà như thịt kho, bún chả, chả cuốn lá lốt, canh xương... giúp cả nhà có những bữa cơm quây quần bên nhau thật vui. Con gái chị lớn lên ở Đức nhưng vợ chồng chị luôn dạy con nếp sống văn hóa Việt, giúp bé học hỏi nhiều điều từ cuộc sống gia đình thường ngày. An luôn thích thú khi được cùng mẹ trồng cây, tưới rau, thu hoạch củ quả trong vườn, tập làm bánh... và Thu Thủy cũng tràn ngập hạnh phúc khi ngắm con gái nhỏ khám phá những điều mới suốt 2 tháng ở nhà tránh dịch.
Điều khiến Thủy hạnh phúc nhất chính là những lời hỏi thăm chị nhận được hàng ngày trong list tin nhắn chờ, từ những người xa lạ không quen biết trên Facebook. Họ thích những chiếc bánh xinh, những mẹo chăm sóc nhà cửa, ngưỡng mộ cuộc sống giản dị của Thủy, hoặc đôi khi chỉ là bày tỏ niềm vui với Thủy khi ngắm những bức ảnh nhẹ nhàng tươi mát mà chị đăng trên trang cá nhân.
Đó là động lực giúp Thủy cởi mở và yêu cuộc sống gia đình mình hơn, dù không ở Việt Nam nhưng chị vẫn được nhiều mẹ Việt yêu mến, quan tâm mỗi ngày.
Mặc dù chẳng ai muốn sống giữa tâm dịch, nhưng chị Thủy cũng cảm thấy nhớ và thích những ngày đã qua, bởi nhờ nghỉ dịch mà gia đình chị có một khoảng thời gian khá dài bên nhau, lưu giữ biết bao kỉ niệm ý nghĩa.
"Bình thường chúng mình đi chợ tuần 1 lần thì giờ vẫn vậy nhưng chỉ một người đi thôi, chứ không đi cả nhà nữa. Thay vì đi dạo mỗi ngày như trước đây vào buổi chiều thì cách ngày mình sẽ cho con đi dạo vào buổi sáng một lần, vì buổi sáng sẽ vắng người hơn. Chăm rửa tay, chăm tập thể dục và ăn uống đầy đủ là những biện pháp mình làm trong mùa dịch. Chỉ sức khỏe tốt thì mới giúp bạn vượt qua được bệnh tật, tinh thần cũng lạc quan yêu đời hơn".