Cuộc họp lớp sau 20 năm khiến tôi hiểu ra 4 sự thật về cuộc sống: Yếu tố thứ 3 quyết định lớn đến thành bại của đời người
Hai mươi năm trôi qua và bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người đã hiện rõ.
Cuối tuần trước, tôi đã tham dự buổi họp lớp đông đúc nhất trong 20 năm kể từ khi ra trường. Lớp có 51 người, 32 người đến. Còn lại, một số người bị mất thông tin liên lạc hoặc không có hứng thú họp lớp. Hai mươi năm trôi qua và bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người đã hiện rõ. Sự thay đổi như vậy chắc chắn sẽ mang đến cho mọi người những cảm xúc lẫn lộn.
Tôi nhớ, nhà văn chuyên viết về giáo dục trẻ em Mikawa Rei cho biết cô rất mong muốn được tham gia các buổi họp lớp. Tại mỗi cuộc tụ họp, cô đều quan sát một cách thích thú xem những người cùng xuất phát điểm với cô, những người được xếp cùng nhau hơn mười hay hai mươi năm trước, đã trải qua sự thay đổi của thời đại như thế nào? Điều này còn ý nghĩa hơn việc chỉ đơn giản là hồi tưởng về tuổi trẻ và than thở rằng tình yêu đã qua hay lòng người đã đổi thay.
1. Cuộc sống có nhiều hướng
Khi tôi mới ra trường, mọi người đều thi tuyển sau đại học hoặc tranh nhau xin việc ở các công ty lớn. Dường như hai con đường này"hướng đi vàng" duy nhất trên thế giới.
Bạn cùng lớp của tôi, Khắc Huy đã chọn đến Thâm Quyến và làm việc trong một cửa hàng thiết bị điện. Chúng tôi lắc đầu xem thường, tự hỏi bạn có thể làm được gì với tư cách là một nhân viên bán hàng. Vài năm sau, tôi nghe nói bạn thuê một quầy hàng lớn và trở thành một ông chủ; vài năm sau nữa lại mở một siêu thị nhỏ; sau đó nữa lại phát triển thành một chuỗi cửa hàng quy mô lớn.
Ngược lại, dưới sự sắp đặt của bố mẹ, bạn Lý Na vào một doanh nghiệp nhà nước lớn và làm công việc hành chính phù hợp với con gái. Sau ba năm, Lý Na lặng lẽ nộp đơn sang Pháp du học ngành thiết kế kiến trúc mà không báo cho bố mẹ biết. Cô không thú nhận với bố mẹ cho đến khi hoàn tất mọi thủ tục đi du học.
Từ đó trở đi, cô không còn ngồi trong văn phòng máy lạnh với mái tóc dài và bộ váy trắng nữa mà thay vào đó cắt tóc ngắn và dành thời gian ở công trường hàng ngày. Ngày nay, Lý Na thường đăng tải nhiều loại búp bê thủ công làm cho con gái mình lên mạng, thu hút hơn 100.000 người hâm mộ và cựu nữ kiến trúc sư đã trở thành người nổi tiếng trên Internet.
Bạn thấy đấy, hóa ra cuộc sống có nhiều hướng. Một số bạn cùng lớp của tôi đã ra nước ngoài khởi nghiệp, trong khi những người khác đã thi công chức và vào hệ thống nhà nước. Mặc dù họ rất khác nhau nhưng bạn sẽ thấy rằng mọi người đều đang tận hưởng cuộc sống của chính mình.
Không có cuộc sống của ai đáng phải ghen tị tuyệt đối, và không có cuộc sống của ai có thể bị coi thường hoàn toàn. Có nhiều cách để đạt được hạnh phúc.
2. Con đường càng dễ đi thì càng đầy rẫy nguy hiểm
Zweig có một câu nói kinh điển: "Mọi món quà do số phận ban tặng đều có một mức giá bí mật". Cái giá của món quà định mệnh ẩn giấu trong góc tối của cuộc đời, nơi mà chúng ta tạm thời không thể nhìn thấy.
Lý Mai từng là người được các bạn nữ trong lớp chúng tôi ghen tị nhất. Sau khi tốt nghiệp, cô dễ dàng đỗ vào cơ quan nơi bố mẹ cô làm việc, được lãnh đạo đơn vị sủng ái, trở thành con dâu của gia đình lãnh đạo. Trong khi chúng tôi đang bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học thì cô ấy đang nằm thoải mái trong thẩm mỹ viện. Khi chúng tôi dậy sớm và về muộn để bắt xe, cô ngồi trên siêu xe trốn mưa gió.
Khi thời thế thay đổi, mẹ của Lý Mai nghỉ hưu và cơ quan công quyền nơi cô làm việc được cơ cấu lại, tên của cô được liệt kê trong danh sách những người tinh giảm. Ngay lúc đang hoảng loạn và cần một cánh tay để tựa nhất thì cô phát hiện ra chồng mình đang yêu đương với người khác.
Có một "Định luật bảo toàn đau khổ" trong cuốn "Sự trỗi dậy của cá nhân": Mọi người đều sẽ phải chịu đựng một số khó khăn nhất định trong cuộc sống, và nó sẽ không biến mất hay xảy ra mà không có lý do. Nhưng nó chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác hoặc chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Thời gian không bao giờ tĩnh lặng, thế giới này không có sự ổn định. Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là "nguyên tắc lối đi". Đèn cảm biến ở lối đi thường tắt, chỉ khi có người đi đến vị trí tương ứng thì đèn mới chiếu sáng đường đi phía trước. Cũng giống như cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn sợ hãi và thu mình lại, bạn sẽ không bao giờ có thể bước vào bóng tối.
Thứ có thể giúp chúng ta vượt qua ngàn dặm chính là sức mạnh nội tâm của chúng ta chứ không phải thế giới ồn ào, khốc liệt này. Chỉ bằng cách thích nghi với mọi thứ, bạn mới không sợ hãi về tương lai. Thế giới này thật khó khăn nhưng bạn phải bước qua nó với tư thế ngẩng cao đầu.
3. Điểm xuất phát của trẻ là cha mẹ
Bạn cùng lớp của tôi, Tiểu Mẫn là Phó giáo sư của một trường đại học, còn con trai cô ấy là sinh viên năm thứ hai khoa quốc tế của một trường nổi tiếng nhất tỉnh. Con đang chuẩn bị thi học bổng vào các trường nước ngoài danh tiếng. Trong khi ăn, tôi xin lời khuyên của cô về cách trau dồi khả năng tiếng Anh cho trẻ. Cô ấy nói thật ra mình không cố ý làm gì cả.
Khi con trai học lớp 3 tiểu học, cô được cử sang Mỹ du học một năm. Ngày nào cô cũng gọi video với con trai, dần dần đứa trẻ ngày càng quan tâm hơn đến thế giới bên kia đại dương. Cuối cùng một ngày, đứa trẻ thông báo với mẹ: "Sau này con sẽ sang Mỹ du học, giống như mẹ vậy". Tiểu Mẫn mỉm cười nói: "Tôi phải làm việc chăm chỉ, nếu không thì làm sao tôi có thể trở thành thần tượng của con trai mình được?"
Bộ phim tài liệu "Bảy năm cuộc đời" của BBC khám phá một chủ đề: Cha mẹ có quyết định tương lai của con cái mình không? Đoàn làm phim đã chọn ra 14 đứa trẻ thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, từ 7 đến 56 tuổi và ghi lại cuộc đời của chúng cứ 7 năm một lần. Trẻ em từ các gia đình ưu tú đã đọc Thời báo Tài chính cùng cha mẹ từ khi còn nhỏ.
Chúng hiểu cơ chế cạnh tranh xã hội, biết quy tắc thành công, đồng thời biết cách lập kế hoạch chi tiết cuộc sống của riêng mình. Khi trưởng thành, chúng học ở những trường hàng đầu, sau khi tốt nghiệp, vào tầng lớp thượng lưu. Con cái của họ tiếp tục cuộc sống này, được giáo dục tốt và làm những công việc đáng ghen tị.
Trẻ em từ các gia đình thuộc tầng lớp thấp hơn thậm chí chưa bao giờ nghe nói đến "đại học". Con trai thì ham đánh nhau, trong khi con gái lại cho rằng đích đến của cuộc đời là lấy chồng, sinh con. Khi trưởng thành, về cơ bản họ đã sao chép cuộc sống đầy mơ hồ của cha mẹ mình. Và con cái của họ thông thường phải tiếp tục chu kỳ này.
BBC đã sử dụng 49 năm quay phim tiếp theo để cho chúng ta biết một sự thật: Nếu cuộc đời là một cuộc chạy đua tiếp sức thì cha mẹ chính là vạch xuất phát của con cái. Cha mẹ chạy càng xa thì vị trí của trẻ càng gần về đích.
4. Người sống tự do là người bình yên và hạnh phúc nhất
Buổi họp lớp kết thúc, tôi ra bãi đậu xe lái xe thì thấy bạn Trần Huỳnh đang đẩy chiếc xe đạp ra ngoài. Tôi ngạc nhiên.Trần Huỳnh có gia cảnh khá tốt, đang làm việc cho những công ty nổi tiếng nhất cả nước và kiếm được rất nhiều tiền. Không ngờ anh ta tham dự cuộc họp mà không có chiếc BMW, điều này thực sự không phù hợp với phong cách của giới thượng lưu. Trần Huỳnh mỉm cười chào tôi và nói rằng nhà bạn ấy cách khách sạn không xa, đường khá tắc nghẽn nên đi xe đạp sẽ thuận tiện hơn, đồng thời cũng là cách tập thể dục.
Để đáp ứng những tiêu chuẩn của xã hội này, chúng ta luôn phấn đấu để sống tốt hơn hàng xóm, nổi tiếng hơn bạn bè đồng trang lứa và có nhiều tiền hơn người thân. Trên thực tế, tình huống tốt hay xấu còn phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với nó. Nếu tâm hồn trong sáng thì cuộc sống của bạn tự nhiên sẽ trong trẻo. Thế giới thuộc về bạn và không liên quan gì đến người khác. Chỉ có bình tĩnh bước đi trong số mệnh của mình, buông bỏ phần "giả tạo" của cuộc đời, lắng đọng trái tim mình thì bạn mới có thể hoàn toàn an tâm và hài lòng.
Người sống tự do là người hạnh phúc và bình yên nhất.
Một Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard đã cảnh báo các sinh viên của mình rằng dù sống thế nào đi nữa, bạn cũng phải đến họp lớp 20 năm sau khi tốt nghiệp. Bởi bạn sẽ thấy sự khác biệt trong cuộc sống giữa những người kiên trì theo đuổi ước mơ, làm theo trái tim mình và những người đi theo đám đông. Đây có lẽ là ý nghĩa lớn nhất của buổi họp lớp đối với chúng ta, những người trưởng thành.