Cuộc đua huy động vốn cuối năm: Lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 9%/năm, chênh lệch ở kỳ hạn dài giữa các ngân hàng tới 2%/năm
Ở những tháng cuối năm, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng được dự báo là sẽ tăng cao, lãi suất kỳ hạn dài có nơi lên tới hơn 9%/năm.
Những tháng cuối năm vốn được coi là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp, theo đó, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng được dự báo là sẽ tăng cao. Quan sát trên thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống trong tháng 10, đặc biệt là lãi suất ở những kỳ hạn trên 1 năm, được nhiều ngân hàng giữ ở mức cao lên tới 9,00% để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư.
Ở kỳ hạn 13 tháng, theo kết quả khảo sát tại 26 ngân hàng trong nước, một số nhà băng niêm yết lãi suất cao dựa trên số dư tiền gửi nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền nhiều hơn. Đơn cử như SHB áp dụng mức lãi suất cao nhất 9%/năm khi gửi tại quầy số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên. Hay như Eximbank trả lãi suất 8,4%/năm với các khoản tiền lớn hơn 100 tỷ đồng. Khách hàng của LienVietPostBank và Sacombank gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng trở lên cũng sẽ được hưởng lãi suất 8%/năm. Bên cạnh đó cũng có những ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất trên 8%/năm, lãi trả cuối kỳ mà không kèm thêm bất cứ điều kiện gì như ABBank (8,3%), Nam A Bank (8,3%), NCB (8%)…
Trong khi đó, với kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng, đa số các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất trên 7%/năm, nhóm ngân hàng trả lãi cao nhất bao gồm Nam A Bank (8,5% cho cả 2 kỳ hạn), Eximbank (8,3% kỳ 18 tháng và 8,4% kỳ 24 tháng), VPBank (8% với các khoản gửi trên 5 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng tỏ ra không mấy mặn mà với các khoản tiết kiệm ở 2 kỳ hạn tương đối dài này khi áp dụng mức lãi suất thấp hơn đáng kể so với kỳ hạn 13 tháng. Ví dụ như HDBank trả lãi 7,4%/năm cho kỳ 13 tháng nhưng với kỳ 24 tháng giảm xuống chỉ còn 7%/năm. Tương tự, OceanBank áp dụng lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn 13 và 18 tháng lần lượt là 7,5% và 7,2%. Mức chênh lệch cao nhất lên tới 0,9%/năm được ghi nhận đối với ABBank khi nhà băng này áp dụng lãi suất kỳ 13 tháng là 8,3% trong khi lãi suất kỳ 18 và 24 tháng chỉ 7,4%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống tại quầy của một số ngân hàng
Với kỳ hạn 36 tháng, Nam A Bank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu trong cuộc đua huy động vốn khi áp dụng lãi suất 8,7%/năm, theo sau đó là Eximbank (8,4%) và ACB (8%). VietinBank, Vietcombank, Techcombank là 3 ngân hàng niêm yết lãi suất thấp nhất, đều dưới 7%/năm.
Ở những kỳ hạn dài hơn, các ngân hàng có xu hướng giữ nguyên lãi suất so với kỳ 36 tháng, không có quá nhiều sự chênh lệch ngoại trừ LienVietPostBank áp dụng lãi suất 8%/năm, cao hơn khá nhiều so với mức 7,4%/năm ở kỳ 36 tháng. Ngược lại, Eximbank chỉ trả 6%/năm cho những khoản tiết kiệm kỳ hạn 60 tháng trong khi kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng đều trả mức lãi suất tương đối cao là 8,4%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng ở một số ngân hàng
Theo nhận định của một số chuyên gia ngân hàng, việc các ngân hàng chạy đua huy động tiền gửi một mặt là để đáp ứng nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tăng mạnh dịp cuối năm, mặt khác là để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn. Do đó áp lực gia tăng lãi suất huy động càng cao ở những kỳ hạn dài.
Còn đối với người gửi tiền, trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, các kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản còn nhiều bấp bênh, chưa rõ ràng xu hướng thì việc gửi tiết kiệm, đặc biệt là ở các kỳ hạn dài ở thời điểm này được coi là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất.