Cuộc đời nhiều nước mắt của bà chủ xe tré 45 năm tuổi giữa Sài Gòn: Chồng bỏ đi với vợ nhỏ, hai mẹ con sáng bán hàng, tối lấy vỉa hè làm chỗ ngủ
Nỗi đau ghim chặt vào tim, dì và con trai tiếp tục cuộc sống của riêng mình giữa đất Sài Gòn nhiều hoa mà cũng lắm lệ. Con lớn hơn một chút, ban ngày dì gửi con cho người ta trông còn dì đẩy xe tré đi bán, ban đêm hai mẹ con tiếp tục ngủ lề đường.
Đang dán mắt vô điện thoại nhìn bản đồ, coi phải qua hai ngã tư nữa là tới chỗ dì Tuyết hay không, thì xe ôm dừng đèn đỏ, ông chú xe ôm quay người hỏi trời mưa gió tới nơi còn đi đâu đây, đi chơi hay đi về nhà. Chưa kịp trả lời, ông trời gầm gừ làm hết hồn muốn rớt điện thoại, ngó lên thấy mây kéo bầy ướt sũng. Sài Gòn mùa này thích thì mưa, thích thì gió tạt ào ào chọc đám người thành phố tặc lưỡi chửi chơi.
"Dạ! Con đi ăn tré" - tôi rướn người vừa xem đường, vừa trả lời câu hỏi hồi nãy của chú xe ôm. Chú hỏi tiếp:
- Tré là cái gì con?
- Món miền Trung á chú, tựa tựa nem chua.
- Ủa ngộ ha, nào giờ mới nghe đó.
- Dạ món này không phải ai cũng biết.
- Ở miền Tây quê chú đâu có món này.
- Mà hay lắm chú ơi, bà chủ chỗ bán tré con sắp ghé ăn này cũng người miền Tây đó. Dì đó bán gần năm chục năm rồi, con thấy người ta nói vậy.
Tôi hồ hởi giải thích, như một đứa nhỏ vừa khám phá ra một bí mật rất chi lạ kỳ rồi kể cho những người lớn nghe. Tiếc là chưa kịp giới thiệu tên người bán là dì Tuyết, thì đám người dừng đèn đỏ sau lưng nôn nóng bóp kèn inh ỏi trong khi còn vài giây nữa mới tới đèn xanh. Thôi kệ, ở thành phố chuyện này không lạ gì, người ta cứ tủn mủn với nhau như vậy, mà trời cũng đang chuyển mưa, ai cũng muốn lẹ lẹ về nhà kẻo ướt.
Tuổi thơ nghèo khó, phải cùng ba má xa quê rời xứ tìm cách mưu sinh của bà chủ xe tré
Lướt qua hai ngã tư, đúng như bản đồ chỉ, xe dừng ở con số 297, đường Nguyễn Thượng Hiền, Quận 3, ngay chỗ một xe gần như là hàng rong với hàng chục xâu nem, chả, tré treo lủng lẳng. Bên trong một người đàn bà có tuổi, dáng người nhỏ xíu, tóc tai lòa xòa đang cặm cụi trộn tré cho khách. "Rồi y chóc, dì Tuyết là đây chứ không ai" - tôi nghĩ trong bụng.
Nhưng xuống xe chưa kịp chào hỏi gì dì Tuyết thì một cậu nhóc tiểu học, dáng người bự gần bằng dì Tuyết xộc ra, lanh lẹ hỏi tôi ăn gì. Tôi ngập ngừng nói tré, phần đầy đủ. Cậu nhóc liền hô to cho dì Tuyết nghe. Tranh thủ tôi sà vô, nhân lúc có một khách khác, tôi nói với dì Tuyết tôi không vội, dì cứ làm cho khách. Dì quay qua cười, đá cái ghế nhựa qua rồi nói, “vậy con ngồi chơi chờ dì chút”. Câu chuyện giữa tôi và dì Tuyết bắt đầu như vậy. Lịch sử 45 năm làm nghề bán tré của một người đàn bà gốc miền Tây cứ thế mở ra, trầm nhiều hơn thăng…
Dì Tuyết kể gia đình dì gốc miền Tây, quê ba ở Long An, quê má ở Tây Ninh. Hồi đó, cả nhà dì khổ không ai bằng, dì phải cùng với ba má và 6 anh chị em khác rời xứ lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Ban đầu định là vậy nhưng sau đó vì nhiều chuyện đẩy đưa, cả nhà dì phải xuống Bà Tô (Xuyên Mộc, Vũng Tàu) để bán vé số. Dì cười mếu nói: “Hồi đó con biết không, nhà nghèo lắm, mấy anh chị em ai cũng bận áo rách, chắp vá te tua lắm. Dì đi bán vé số lúc đó chắc 8 tuổi gì đó, vé số cũng có có 2 ngàn 1 tờ thôi, lâu lắm rồi”.
Sau đó, thấy không đủ ăn, 2 năm sau, cả nhà dì lại kéo nhau về Sài Gòn tìm việc khác. Mới về, có người chỉ nói làm món tré bán đi, đảm bảo đắt khách. Dì với má bắt đầu nghề bán tré dạo từ đó, đi hết quận này đến quận kia, bán nhiều khi đến quá nửa đêm mới về chỗ ở. Dì nói bán tré không có lời nhiều, chủ yếu là lấy công làm lời và bán số lượng nhiều nên ngày đó, chỉ với món tré truyền thống theo kiểu miền Trung, dì bán tắt mặt tối mũi mới mong có dư dả chút đỉnh để phụ ba má và anh chị.
Cuộc hôn nhân buồn: chồng bỏ rơi, sáng đẩy xe đi bán, tối ngủ vỉa hè với con
Cuộc sống của dì cứ thế trôi đi, cũng tạm gọi là vừa vặn, dù nhiều khi cũng thiếu thốn vì nhiều vấn đề phát sinh. Ở thành phố mà, không phải ở quê nên cái gì cũng phải có tiền. Đến khi dì có chồng, anh chị em ai cũng có cuộc sống riêng, má thì sức khỏe yếu và qua đời sớm, dì vẫn phải lam lũ đẩy xe tré đi bán khắp các cung đường ở Sài Gòn để có tiền trang trải cuộc sống, phụ chồng, phụ ba. Rồi dì có thai, sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 1987 thì biến cố bắt đầu ập đến.
Thứ bi kịch mà phụ nữ Việt hay gặp nhất ở muôn đời nay là chuyện hôn nhân. Sóng gió của cuộc đời dì Tuyết cũng không nằm ngoài chuyện này. Dì kể: “Thằng con được tròn 2 tháng thì ba nó bỏ đi nước ngoài, khi đi cũng khóc lóc đủ kiểu, hứa hẹn sẽ đón hai mẹ con đủ kiểu. Vậy mà mấy tháng sau đó ổng có vợ mới bên đó luôn, con thấy bạc bẽo ghê chưa. Lúc đó dì sốc lắm, đau khổ và hận lắm”. Chưa kể sau đó, do không có tiền, con lại còn quá nhỏ, dì không nghỉ ngơi được bao lâu đã phải đẩy xe tré đi bán, tối hai mẹ con ngủ vỉa hè.
“Sao lại ngủ vỉa hè hả dì? Anh chị em dì đâu?” - tôi tò mò hỏi nhỏ trong lúc dì đang liền tay làm thêm mấy hộp tré trộn cho một chị khách vừa ghé.
- Lúc đó ai cũng khổ, ai cũng có hoàn cảnh riêng nên dì không dám nhờ ai.
- Nhưng con còn quá nhỏ...
Tôi chưa nói hết câu ở trên, xoay qua nhìn dì thì thấy mắt dì đỏ, tôi thôi không dám hỏi thêm. Có những câu hỏi bản thân mình thấy bình thường nhưng có thể với người khác nó là cái móc câu, móc vào những góc tối sâu thẳm trong tim họ, khiến họ đau và bật máu một lần nữa. Tôi biết điều này, tôi vừa muốn im lặng vì sợ lại làm dì thêm buồn, vừa muốn xin lỗi dì, nhưng cuối cùng tôi không nói gì cả.
Bi kịch chồng chất bi kịch: có lúc nghèo quá đã muốn đem con đi cho, mẹ chồng cay độc nói con dâu đi làm gái nuôi cháu
“Có lúc gì buồn và khổ đến mức quyết định đem con trai mình đứt ruột đẻ ra đi cho, vì dì nghĩ ở với dì cứ lay lắt như vầy khổ quá, nhà không có, gia tài chỉ có xe tré nên cho nó đi, biết đâu nó tìm được một gia đình mới tốt hơn, có điều kiện hơn để cho nó có cuộc sống tốt. Mà đến khi giấy tờ xong xuôi, dì lại không làm được, dì không nỡ xa con. Sai lầm của dì là nghĩ gia tài lớn nhất mình có là xe tré, trong khi thằng con trai mới là thứ đáng bảo vệ nhất cuộc đời dì” - dì Tuyết lại bắt đầu câu chuyện, bằng cách mở lại cái quá khứ mà dì vốn rất sợ phải nói về. Tôi thấy dì buồn.
Câu chuyện về cuộc hôn nhân đắng cay với một người đàn ông bội bạc chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau ông ấy lại về thăm mẹ con dì Tuyết, ông ấy nói dì Tuyết chuẩn bị giấy tờ đi để ông mang con ra nước ngoài, sau này có tương lai hơn. Dì Tuyết nghĩ dù gì cũng là cha con, dì hận nhưng có lẽ đây là một cách tốt để con sống một cuộc đời khác, không khổ như mẹ nó. Một lần nữa, dì đã bị lừa, uất huận chồng chất, bởi lúc giấy tờ gần như đã hoàn thiện thì ông lại cưới một người phụ nữ khác nữa, và người đó và con riêng của họ cũng là người mà ông đưa xuất ngoại cùng, chứ không phải con trai của dì, của ông.
Hận thù ghim chặt vào tim, dì và con trai tiếp tục cuộc sống của riêng mình giữa đất Sài Gòn nhiều hoa mà cũng lắm lệ. Con lớn hơn một chút, ban ngày dì gửi con cho người ta trông còn dì đẩy xe tré đi bán, ban đêm hai mẹ con tiếp tục ngủ lề đường. Dì lao động chân chính để nuôi con như vậy đó, mà người mẹ chồng năm nào, bà nội ruột của con trai dì năm nào có buông tha dì đâu. Không ít lần, dì nghe người ta nói, bà nội của thằng cu nói dì ở Việt Nam làm… gái kiếm tiền nuôi con.
Cái kết đẹp của người mẹ đơn thân bán tré nuôi con, nay đã mua được nhà
Dì nghe hết, biết hết mà bây giờ, dì không cho phép bất kỳ ai thuộc gia đình đó chen chân vào cuộc sống của dì nữa. Dì vẫn ngẩng mặt cao đầu, đẩy xe tré kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống hai mẹ con đơn thân cứ trôi đi như vậy, cho đến 5 năm trước, dì Tuyết đã tích cóp đủ tiền mua một căn nhà ở huyện Bình Chánh. Con trai dì cũng vừa cưới vợ mới đây. Dì Tuyết tâm sự: “Cũng mừng lắm con, chắc ông trời thương, ông bà phù hộ nên giờ dì có nhà rồi. Con trai của dì cũng mới cưới, dì lại sắp có cháu. Đúng là cực khổ cả đời thì đến lúc này mới được báo đáp, người ta nói đâu có sai, khổ trước sướng sau con ơi”.
Hiện tại, xếp lại quá khứ cay đắng mà đến tận bây giờ mỗi khi nhắc về dì Tuyết vẫn còn uất hận, dì vẫn ngày đêm miệt mài gắn bó với cái xe tré đã cứu lấy cuộc đời của dì và con trai. Dì bán ở Quận 3, mà nhà lại ở Bình Chánh nên việc di chuyển hơi khó khăn một chút. Ngày dì bán từ 9h sáng đến tối nhiều khi 1h khuya mới dọn hàng, xe hàng dì gửi ở nhà một người chị gần đó, xong đi xe ôm về. Đến nhà là 2 giờ khuya, dì Tuyết ngủ vài tiếng đồng hồ đến 7h lại bắt xe buýt lên chỗ bán, dọn hàng bán tiếp. Ngày nào cũng vậy.
Cũng may, thời gian này đông khách, lại có thêm mấy người cháu họ giúp đỡ dì cũng đỡ cực phần nào. Một phần tré trộn đầy đủ có thêm chả bò, chả heo, dưa leo đầy ắp của dì Tuyết là 50.000 ngàn, ngoài ra dì cũng có bán thêm bánh mì nhận chả. Khách của dì chủ yếu là khách quen hoặc đôi khi cũng có khách vãng lai, họ thấy tụ tập mua đông quá cũng tò mò ăn thử. Tôi cũng nằm trong số đó.
Tré của dì ăn rất ngon, dai mà lại thơm, không lẫn vào bất kỳ hàng tré nào khác. Gắp một miếng tré có kèm dưa leo, rau răm ăn kèm thêm một lát ớt tươi, xong bỏ thêm vào miệng miếng chả bò hoặc chả heo thì đảm bảo bao ghiền. Chưa kể dì tăng thêm độ chua thanh nhã và thơm thơm cho tré của mình bằng nước tắc, cân bằng vị lại bằng một chút muối tiêu xay, nên ăn hoài không thấy ngán. Nhưng lưu ý cho thực khách nhớ, là phần tré của dì Tuyết nhiều ớt lắm, khi gọi hãy yêu cầu ít ớt nếu không ăn quá cay được.
Ăn xong một hộp, tôi chợt nghĩ mùa mưa Sài Gòn lạnh lạnh, ăn hộp tré cay ấm bụng như này thật sự “đã” quá. Tôi gọi thêm một hộp định mang về chống cơn đói đêm. Ông trời chợt rùng mình làm tôi hết hồn, mưa đã bắt đầu tuôn những tràng nước dài từ mấy đám mây ướt sũng ban nãy. Dì Tuyết nhanh tay chạy ra kéo tôi vào không cho về, dì nói thôi ngồi chơi chút, giờ về ướt mẹp. Tôi ngồi lại, hai dì cháu tiếp tục cuộc nói chuyện dài bất tận về những chủ đề không có điểm chung, mặc cho ngoài kia mưa vẫn tuôn như trút và người Sài Gòn vẫn đang đua chen nhau để về một nơi nào đó.
Không biết ở họ có câu chuyện nào chôn chặt trong lòng về một cuộc đời giông bão như dì Tuyết hay không? Nghĩ mà buồn...