Cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa "đời cuối" nhà Thanh, được sắp đặt kết hôn với Nhật hoàng Akihito nhưng lại qua đời bí ẩn ở tuổi 19
Chỉ sống vỏn vẹn 19 năm trên cuộc đời, từ nhỏ Tuệ Sanh đã không được ở gần bố mẹ, đến lớn chưa kịp đoàn tụ gia đình đã rơi vào ái tình và nhận cái kết bi thương.
Vị công chúa tài sắc song toàn và hiếu thảo bậc nhất
Năm 1908, Phổ Nghi được Từ Hi Thái Hậu chọn lên ngôi vua khi bà đang hấp hối. Tuy nhiên, khi trưởng thành Phổ Nghi không có con, thì em trai Phổ Kiệt được xem là người kế vị và được Nhật Bản công nhận ông là người thừa kế chính thức. Phổ Kiệt từng trải qua hai cuộc hôn nhân. Hôn nhân lần đầu vào năm 1924 với quận chúa Mãn Châu tên Đường Thạch Hà thuộc họ Tha Tha Lạp.
Phổ Kiệt kết hôn cùng Saga Hiro vào năm 1937. (Ảnh: Internet)
Phổ Kiệt cùng vợ và con gái Tuệ Sanh. (Ảnh: Internet)
Sau đó, ông sang Nhật học tập và cuộc hôn nhân ấy đã đổ vỡ. Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan lục quân, Phổ Kiệt được sắp đặt cuộc hôn nhân với một phụ nữ quý tộc Nhật Bản là Saga Hiro để củng cố quan hệ giữa Hoàng gia Nhật Bản và Hoàng gia Mãn Châu. Năm 1938, Saga Hiro hạ sinh con gái đầu lòng đặt tên là Tuệ Sanh, hai năm sau, cô tiếp tục sinh thêm đứa con gái thứ hai đặt tên là Hộ Sanh. Trong hai người con, thì con gái lớn Tuệ Sanh được xem là vị công chúa tài sắc song toàn, có tiềm năng thay bố giữ vững quan hệ chính trị. Lúc vừa sinh ra, Phổ Kiệt và vợ dành hết tình yêu thương cho cô công chúa đầu. Tuy nhiên, cuộc đời của Tuệ Sanh chỉ kéo dài khoảng 19 năm và cái chết của cô vẫn còn là điều bí ẩn cho đến tận bây giờ.
Công chúa Tuệ Sanh - con gái lớn của Phổ Kiệt. (Ảnh: Internet)
Theo tài liệu sử sách ghi lại, Tuệ Sanh ra đời năm 1938, cô sống ở Trung Quốc đến năm 1943 thì về Nhật Bản sống với dì và ông bà ngoại. Cô được học tại trường tư thục và am hiểu về cả văn hóa của Nhật Bản và Trung Quốc. Sau khi chiến tranh Trung - Nhật kết thúc vào năm 1945, Phổ Kiệt bị quân đội Liên Xô bắt giam 5 năm trước khi bị dẫn độ về Trung Quốc năm 1950, Tuệ Sanh từ ngày về Nhật Bản không được gặp mặt và tiếp xúc với bố. Tuy nhiên, sau đó cô đã gửi thư cầu xin thủ tướng lúc bấy giờ là Chu Ân Lai để được gặp bố và cuối cùng được chấp thuận. Bởi vì từng lời lẽ trong thư quá xúc động nên khiến thủ tướng cũng không thể cầm được lòng.
Rơi vào lưới tình cùng người bạn học và cái chết bí ẩn
Tuệ Sanh tài sắc vẹn toàn được nhiều nam sinh trong trường theo đuổi. (Ảnh: Internet)
Khi đang theo học trường khoa Văn học trường Đại học Quốc gia, Tuệ Sanh đã quen biết với một người bạn cùng lớp tên Okubo Takemichi, con trai của giám đốc điều hành đường sắt. Được biết, Okubo vừa nhìn Tuệ Sanh đã bị cuốn hút bởi nét đẹp nhẹ nhàng của cô. Sau đó, anh dốc sức theo đuổi và cuối cùng cũng chinh phục được trái tim của người đẹp. Thế nhưng, mối quan hệ này không được mẹ Tuệ Sanh chấp thuận, bởi lẽ Tuệ Sanh đã được sắp đặt hôn nhân với Akihito (hiện tại là thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản).
Cái chết bí ẩn của cả hai từng làm rúng động nước Nhật. (Ảnh: Internet)
Ngày 4/12/1957, Tuệ Sanh ra khỏi nhà nhưng không quay trở về. Đến ngày 10/12/1957, thi thể của Tuệ Sanh được tìm thấy bên cạnh thi thể của Okubo trên núi Amagi ở bán đảo Izu. Tại hiện trường, người ta nhìn thấy trên đầu Tuệ Sanh có một vết đạn, trên ngón áp út của tay trái có đeo một chiếc nhẫn. Không những thế, cảnh sát còn tìm được móng tay và tóc của hai người được gói trong bọc giấy trắng, chôn cất gần đó. Nhiều người nghi ngờ đây là một vụ tự tử và cả hai đã tự bắn mình bằng khẩu súng của Obuko.
Di ảnh của Tuệ Sanh và Okubo. (Ảnh: Internet)
Một số thông tin cho biết, Tuệ Sanh vì không muốn kết hôn với người mình không yêu nên đã quyết định quyên sinh cùng người mình yêu để được ở bên nhau suốt đời suốt kiếp. Tuy nhiên, có một số thông tin khác lại nói rằng, mẹ của Tuệ Sanh, bà Saga Hiro không chấp nhận mối quan hệ này. Trong mắt người mẹ, Tuệ Sanh không hề yêu Okubo, thậm chí có lúc cô cảm thấy phiền phức vì sự đeo đuổi dai dẳn của Okubo, anh vì yêu Tuệ Sanh mù quáng nên đã buộc cô chết chung. Đến cuối cùng, lý do tại sao Tuệ Sanh và Okubo qua đời vẫn còn là ẩn số đối với mọi người. Sau khi qua đời, Tuệ Sanh được an táng tại phần đất của dòng tộc Ái Tân Giác La ở Shimonoseki, Yamaguchi. Khi Phổ Kiệt và Saga qua đời, họ cũng được chôn cạnh con gái.
(Nguồn: lishiquwen)