Cuộc chiến lịch sự giữa “cơm nguội” và “phở tái”
Cứ xét thái độ thì có vẻ như “cơm nguội” muốn quay về với anh bởi chị muốn bù đắp cho con. Đoán được “âm mưu” của “cơm nguội”, “phở tái” vô cùng lo lắng. Cô sợ mất anh.
Gọi là “cơm nguội” bởi chị đã là vợ cũ của anh. Gọi là “phở tái” cũng bởi chị chưa chính thức là người yêu của anh, chỉ là chị theo đuổi anh mà thôi. Cứ thế, cả “cơm nguội”, cả “phở tái” cứ ra sức thể hiện và tranh giành khiến anh nhiều phen không giấu nổi mệt mỏi và chán nản.
Ngày anh lấy chị người ta nói chị sướng, sướng vì lấy được người chồng đẹp trai lại hiền lành. Công nhận là anh đẹp hơn chị rất nhiều, cũng có tài hơn chị rất nhiều, và yêu chị cũng rất nhiều. 3 năm chung sống là 3 năm hạnh phúc với 2 đứa con trai lần lượt ra đời. Nhiều khi đi làm về nhìn vợ con, anh cứ ngỡ hạnh phúc với mình thế là quá viên mãn. Nhưng cuộc đời này lại đầy rẫy chữ “ngờ”. Ngày chị công nhận ngoại tình, anh như không tin nổi vào tai mình. Nhìn hai đứa con ngủ ngon lành lại thêm thái độ đau khổ đến thành khẩn của chị, anh mủi lòng mà mở cho vợ một lối về. Nhưng lối về đó không dễ dàng với chị, chỉ bởi lối đi đã quá rõ mà chị vẫn lạc lối. Nỗi đau nhân lên biến thành nỗi hận, anh quyết tâm li dị và thề với lòng không bao giờ lấy vợ thêm một lần nào nữa. Thế là chị thành “cơm nguội” – vợ cũ của anh.
3 năm sau, nỗi đau dịu xuống, anh cũng bớt khắc nghiệt với đời hơn. Và anh gặp cô – người con gái cũng trong hoàn cảnh “mồ côi hôn nhân” như anh. Dù nỗi hận đàn bà đã không còn quá ngoay ngoắt nhưng anh vẫn chưa thể mở lòng được. Nhưng cô thì khác. Một lần tan vỡ nhưng không phải vì thế mà cô tắt lửa lòng. Cô yêu anh bởi cái vẻ phong trần nhưng bất cần, quan tâm nhưng lạnh lùng. Và rồi, dù mới quen có mấy tháng nhưng cô cứ nghiễm nhiên coi như người yêu của anh và đến nhà anh tự nhiên. Thế là cô thành “phở tái” – thứ phở chưa chín hẳn chỉ bởi anh vẫn chưa thể cho cô một thứ tình yêu trọn vẹn.
“Cơm nguội” và “phở tái” cũng hay giáp mặt nhau ở nhà anh, nhưng cả hai biết tỏ ra lịch sự với nhau. Họ hàng rỉ tai với “cơm nguội”: “Thôi xem thế nào mà về với nhau cho con cái nó đỡ khổ”. Không hiểu “vâng, dạ” thế nào mà từ hôm đó “cơm nguội” đến nhà anh nhiều hơn, gặp mặt “phở tái” cũng nhiều hơn.
Ngày mẹ anh ốm, chiều nào “cơm nguội” cũng về, lấy cớ là về chăm con đỡ bà và thăm nom bà. Anh không cấm cản gì, cứ coi như đó là tâm ý của “cơm”. Nhưng “phở” thì khác. Những ngày đầu gặp nhau còn lịch sự nhưng càng về sau “phở” càng hằn học với anh, cho rằng anh vẫn còn “ngang dọc” với vợ cũ nên vợ cũ mới về chơi nhiều đến vậy, vậy là lại giận dỗi, lại giải thích. Giải thích nhiều cũng mệt, nhiều khi anh phát cáu:“Cô đã là gì của tôi mà tôi phải giải thích với cô”. Cảm thấy “mất điểm”, từ hôm sau “phở” lại chăm chỉ đến chăm mẹ anh mà không một lời phàn nàn.
Ngày mẹ anh mất, cả “cơm nguội”, cả “phở tái” đều có mặt và coi như “người nhà”, chăm chỉ, sốt sắng công việc. Ai nhìn vào không biết lại tưởng anh lằng nhằng, không dứt khoát với cô nào.
Cứ xét thái độ thì có vẻ như “cơm nguội” muốn quay về với anh, bởi chị không muốn hai đứa con nheo nhóc, trước đây được bà chăm sóc, nay thiếu bà chúng sẽ thiếu thốn tình cảm hơn. Cũng có vẻ như chị muốn bù đắp cho con. Chị biết đường về của mình giờ đây quá mịt mù, nếu muốn đi, chị cứ đi thôi chứ đừng nhìn lại. Vậy là chị năng về nhà hơn. Chị về tắm cho con, có hôm cơm nước cho chồng cũ. Anh không thích điều này, nhưng hai đứa trẻ còn quá nhỏ, chúng cần mẹ. Nhiều lần anh bảo: “...chỉ cần tắm cho con thôi, cơm nước của bố con tôi, tôi tự lo được”. Nhưng chị coi như không nghe, không biết, hoặc có chăng chỉ nói: “...cứ để em nấu cho bố con vài bữa, thời gian này ai cũng mệt mỏi”. Có thể chị muốn tranh thủ con cái để níu lại cái hạnh phúc gia đình mà trước đây chị tự mình cắt bỏ.
Đoán được “âm mưu” của “cơm nguội”, “phở tái” vô cùng lo lắng. Cô sợ mất anh, sợ anh vì con mà quay lại với vợ cũ. Nếu thế thật thì cô sẽ đau lòng lắm. Thế là cô cũng năng đến nhà anh hơn, với lý do “đến nhà thắp cho bác nén nhang, rồi thăm bố con anh luôn”. Cô cũng hay mua đồ chơi cho các con anh, thủ thỉ chuyện trò với chúng, đối xử với chúng như con mình. Có hôm vợ cũ chưa kịp về tắm cho con thì cô giành phần đó, hoặc cũng có khi cơm nước cho bố con anh và ăn cùng luôn. Anh nói thẳng rằng cô đừng làm thế mà anh thấy ngại, nhưng cũng giống như vợ cũ, cô vờ như không nghe hoặc chỉ cười trừ. Cô bảo:“Chuyện tình cảm là cái duyên cái số. Nếu mình có duyên thì sớm muộn gì anh cũng sẽ yêu em, và em sẽ chờ đến ngày đó”. Anh bảo cô “sến” quá nhưng anh nghe lòng mình xao động.
Mọi người nói anh sướng, tự nhiên được những hai bà hầu hạ, chăm sóc. Chỉ anh mới biết anh chẳng sướng chút nào, thay vào đó chỉ là mệt mỏi. Anh chẳng biết làm sao khi mà cả lũ trẻ lẫn hai người đàn bà cứ coi mọi chuyện như lẽ đương nhiên và chỉ chờ “phán xét” cuối cùng của anh. Anh chán nản, nhiều lúc đến bực tức khi hai người đàn bà cứ lặng lẽ bên anh và lịch sự cạnh tranh nhau vì anh, không chút cáu giận, không chút ghen ghét, cãi vã. Anh muốn tung hê tất cả, anh muốn cuộc sống này sẽ vẫn chỉ có mấy bố con anh như xưa. Nhưng cứ nhìn các con anh vui vẻ bên mẹ chúng hay bên bạn gái của bố mà anh lại thấy lòng “chùng xuống”. Phải chăng anh quá nhu nhược?