Cùng con chinh phục tiếng Anh tiểu học hiệu quả

PV,
Chia sẻ

Buổi hội thảo tại trường Tiểu học Brendon đã giúp nhiều cha mẹ có thêm kiến thức hữu ích về cách đồng hành, cùng con chinh phục tiếng Anh tiểu học.

Hiện nay, các bậc cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc cho con trong việc học tiếng Anh - một ngôn ngữ thông dụng và phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, không hẳn là cha mẹ nào cũng biết cách giúp con tiếp cận đúng với bộ môn. Nếu không có những cách khuyến khích, tạo động lực cho con, tiếng Anh rất có thể trở thành môn học gây nhiều khó khăn và áp lực.

Sáng ngày 8/4, Trường Tiểu học Brendon (Hà Nội) đã tổ chức hội thảo B-TALK: "Cùng con chinh phục tiếng Anh tiểu học" với nhiều câu hỏi đang là những vấn đề cấp bách cần được giải đáp từ các vị phụ huynh. Chương trình có sự tham gia của khách mời là cô Afroditi Zachapoulou - quản lí học thuật Hội đồng Anh Việt Nam.

Câu hỏi đầu tiên được đa số phụ huynh quan tâm chính là: 

Cho con học tiếng Anh bắt đầu từ mấy tuổi là phù hợp nhất?

Trong chương trình giáo dục tại các trường tư thục hiện nay, trẻ được tiếp cận với tiếng Anh từ khá sớm, khi con còn đang trong độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, chính gia đình có thể tạo nên môi trường học cho con ngay từ khi ra đời.

Với tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ, sở dĩ trẻ không cần học quá nhiều mà lúc đến tuổi con vẫn biết, bởi con đã được nghe mẹ hát ru, nghe người lớn nói chuyện, nghe các chị ca hát, vui đùa. Vì vậy, khi học ngôn ngữ thứ hai, trẻ được nghe, được tương tác càng sớm càng có lợi thế. Những trẻ được làm quen với tiếng Anh ngay từ lúc sơ sinh hay từ 2-3 tuổi so với trẻ bắt đầu được tiếp cận và tương tác từ 5-6 tuổi hoặc 6-7 tuổi sẽ có sự khác biệt nhất định về cách phát âm, khả năng khi nhớ và nhắc lại, khả năng nghe hiểu,..

Làm thế nào để cùng con chinh phục tiếng Anh tiểu học hiệu quả? - Ảnh 1.

Buổi hội thảo tại trường Tiểu học Brendon, với khách mời - Cô Afroditi Zachapoulou - quản lí học thuật Hội đồng Anh Việt Nam.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con, đồng hành cùng con học tiếng Anh ở bất cứ độ tuổi nào, tạo môi trường học hiệu quả cho con thông qua bài hát, video tương tác hay flashcard. Miễn là, đứa trẻ cảm thấy thoải mái, tự do, hứng thú, không nên có bất kỳ sự bắt ép hay thúc giục nào. Cha mẹ nên kiên nhẫn, kiên trì để tạo ra trái ngọt, bởi ngôn ngữ cần thời gian để thẩm thấu.

Mặt khác, việc học tiếng Anh sớm có một hệ quả: trẻ sẽ có thiên hướng học lệch. Đây là điều mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý đối với các bạn nhỏ khi con nói tiếng Việt chưa sõi hay câu cú chưa rành mạch thì việc học song song cả hai ngôn ngữ cần được tìm hiểu sâu về cách thức và phương pháp.

Nếu con học tiếng Anh bằng bài hát, video thì với tiếng Việt, cha mẹ cần tương tác nhiều thông qua kể chuyện, đọc sách,... miễn là không có sự chênh lệch quá lớn về một ngôn ngữ nào cả. Mục đích là để tránh sau này trẻ nghe và nói tiếng Anh quen rồi lại chỉ thích nói tiếng Anh, thậm chí cùng một chủ đề con nói tiếng Anh rất trơn tru, nhưng nói tiếng Việt là ngại, câu cú lủng củng. Lớn hơn một chút là các bạn cấp tiểu học, đôi khi các con còn có thói quen dịch nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt khiến cho câu văn trở nên khá "ngây ngô", điều này rất bất lợi và gây trở ngại cho con trong việc học môn Tập làm văn.

Phụ huynh đặt câu hỏi trong buổi hội thảo.

Đồng hành cùng con, đừng so sánh

Một vấn đề khác được đặt ra đó chính là sự so sánh. Phụ huynh N.T.N.A có chia sẻ: "Nhà mình có 3 con, em út sinh năm 2017 học tiếng Anh không quá giỏi nhưng con có năng khiếu, yêu thích nghệ thuật vẫn được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện. Một hôm mình nhận được một câu hỏi bất ngờ từ con: Mẹ ơi, tại sao con không học giỏi bằng anh chị? Nếu con không thi đỗ trường B* thì sao? Mình đã rất sững sờ vì không nghĩ rằng một đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi mà đã có những suy nghĩ như vậy, trong khi gia đình mình rất thoải mái không hề tạo áp lực nào cho con".

Đây tưởng chừng chỉ là câu hỏi vu vơ của đứa trẻ nhưng thực chất là một vấn đề đáng quan ngại trong thời gian hiện nay. Chúng ta đã quá quen với việc bị người khác so sánh với "con nhà người ta", với hàng xóm hay với chính cả anh chị em trong nhà. Tuy nhiên, việc đứa trẻ tự so sánh bản thân mình, tự đặt mình lên bàn cân của xã hội đang là thực trạng phổ biến. 

Khi thế giới càng phát triển, các nền văn hoá giao thoa, trẻ càng được sáng tạo và tiếp cận đến những thứ tân tiến thì ngược lại, một phần trong con người trẻ sẽ càng dễ trở nên áp lực rằng mình phải làm được một điều gì đó lớn lao, có ích cho xã hội, phải được bạn bè và cha mẹ công nhận. 

Chính những áp lực đó đã vô tình tạo thành sự tự ti mà nếu không được giải quyết ngay lập tức, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái mông lung, thu mình lại mà giới trẻ hiện nay hay dùng một cụm từ là "hướng nội".

Quay trở lại vấn đề, gia đình nên động viên con nhiều hơn, cho con tham gia những sân chơi phù hợp với cá tính, sở thích của con để gia tăng sự tự tin. Bên cạnh đó, việc lựa chọn môi trường tiểu học phù hợp là điều rất quan trọng. Khi trẻ bắt đầu bước những bước đi đầu tiên trên con đường học tập, một môi trường phù hợp sẽ là yếu tố quyết định xem tương lai con sẽ trở thành người như thế nào, có biết yêu thương, biết chia sẻ, biết quan tâm đến người xung quanh hay không. Bởi các thầy cô ở cấp tiểu học sẽ là những người cho đi sự yêu thương, sự ấm áp để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ.

Chia sẻ