Ngôi trường ở quận Cầu Giấy có môn học hay ho: Trẻ vừa nắm vững kiến thức Sử, Địa vừa được vận dụng sáng tạo vào cuộc sống
Kiến thức Địa lý nắm vững, học sinh sẽ giải thích được tất cả những điều liên quan đến Lịch sử.
Tại trường Tiểu học Jean Piaget (JP) ở quận Cầu Giấy, các môn học gồm Lịch Sử, Địa Lý, Kỹ năng xã hội, Đạo đức được tích hợp vào thành một môn tổng thể lớn là Nghiên cứu xã hội (Social Studies).
Giải thích điều này, cô Ngô Thanh Giang - Cố vấn giáo dục cao cấp của trường và cũng trực tiếp giảng dạy bộ môn cho biết, ở một xã hội, lịch sử, địa lý, văn hoá xã hội hay con người là những điều không thể tách rời, không thể chối bỏ và tác động qua lại lẫn nhau. Cũng vì thế mà với môn Nghiên cứu xã hội, học sinh sẽ học được cách tư duy tổng thể, kết nối thông tin và hiểu sâu hơn về các vấn đề.
Một tiết học đầy thú vị!
Mới đây, sang thăm JP và quan sát một tiết học Kỹ năng xã hội của các em nhỏ, tôi (PV) nhận thấy điều mà cô Thanh Giang chia sẻ đang được triển khai rất tốt. Kiến thức của các môn nói trên đều được liên kết, hỗ trợ và xâu chuỗi với nhau.
Mở đầu tiết học Kỹ năng xã hội, các em được ôn lại kiến thức trong tiết Lịch sử trước đó:
"Ai có thể nói được sự khác biệt giữa trường học thời Hậu Lê và thời Lý?".
Ngay lập tức rất nhiều cánh tay giơ lên. Các em hào hứng chỉ ra, thời Lý cả nước chỉ có 1 trường học, lập ra cho con em của hoàng thất, quan lại. Trong khi đó, trường học thời Hậu Lê, con em thường dân đều được theo học. Từ những kiến thức Lịch sử, cô Thanh Giang dẫn dắt các em đến nội dung chính của tiết học Kỹ năng xã hội.
"Các em biết không, thời phong kiến, phụ nữ không được đến trường đâu. Nhưng ngày nay, các bạn gái được đi học. Nhiều bạn nữ còn rất giỏi, trở thành những nhà nghiên cứu khoa học. Các ngôi trường cũng ngày một thay đổi, chú trọng đến nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, triết lý giáo dục, phương pháp dạy học hơn để trở thành một ngôi trường mơ ước cho học sinh".
Sau khi chiếu hình ảnh về một số ngôi trường trên thế giới, có trường to lộng lẫy như lâu đài; có trường lại nằm trên đồi, giữa thiên nhiên xanh mướt;... cô Thanh Giang bất ngờ đặt câu hỏi "Nếu được lựa chọn, các em mong muốn ngôi trường của mình sẽ như nào?".
Các em học sinh được xem hình ảnh về các ngôi trường đẹp trên thế giới.
Đó cũng chính là chủ đề chính của tiết học. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh hào hứng kể về ngôi trường trong mơ của mình. Em thì mong muốn trong trường có căng tin thật to, em thì yêu cầu nhà trường lắp máy nghe nhạc trong nhà... WC để thư giãn, hay có em muốn trong trường phải có cả trung tâm mua sắm! Hàng loạt ý tưởng táo bạo và đầy ngộ nghĩnh được đám trẻ chia sẻ với nhau.
Tuy nhiên muốn xây được một ngôi trường thì không thể chỉ bàn bạc miệng với nhau được, mà cần phải có kế hoạch rõ ràng.
Vậy là cả lớp được chia làm các nhóm, cùng nhau tranh luận về những điều mong muốn ở "ngôi trường ước mơ", trường sẽ có huy hiệu ra sao, triết lý giáo dục như nào, tại sao lại chọn triết lý đó,... Với mỗi khía cạnh, cô Thanh Giang sẽ lấy ví dụ thực tiễn về chính ngôi trường JP để học sinh có thể liên tưởng dễ dàng hơn.
Kết thúc tiết học, các em được giao bài tập nhóm lên ý tưởng thiết kế ngôi trường chỉn chu và sẽ thuyết trình lại vào buổi học ngày hôm sau. Thu dọn sách vở, bút thước, trong mắt những đứa trẻ đều ánh lên sự thích thú và cả những ấp ủ nho nhỏ của riêng mình.
Học sinh hào hứng lên ý tưởng về ngôi trường mơ ước của mình.
"Lịch sử không thể tách rời Địa lý..."
Đó chính là nhận định của cô Ngô Thanh Giang. Nói thêm về việc nhà trường quyết định kết hợp các bộ môn trên thành môn tích hợp, cô Giang cho hay: "Học sinh sẽ không thể hiểu Lịch sử nếu không có sự liên hệ chặt chẽ với Địa lý (nơi quyết định các sự kiện lịch sử xảy ra). Các em cũng không thể hiểu được quyết định của các nhân vật Lịch sử nếu không có sự liên quan chặt chẽ đến các giá trị đạo đức, cách nhìn nhận các mối quan hệ, tình huống. Đó là lý do môn tích hợp ra đời".
Nhờ được học tích hợp các môn mà học sinh có cái nhìn tổng thể, công bằng hơn với các sự kiện, quyết định làm thay đổi lịch sử. Đồng thời biết được cách phân tích các sự kiện ở nhiều góc độ khác nhau,...
Để mang lại hiệu quả giảng dạy tốt nhất, thầy cô ở JP có một số thay đổi nhỏ về trật tự các bài học, tất nhiên vẫn theo dòng lịch sử chính. Chẳng hạn nhà nước Văn Lang bắt đầu ở vùng đất Phong Châu, thì phần Địa lý sẽ học từ phần Tây Bắc đi xuống. Khi học đến địa lý miền Trung, sẽ học đến dòng sự kiện lịch sử chính liên quan đến Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Khi được học các dòng lịch sử gắn liền với khu vực địa lý như vậy, học sinh sẽ biết cách lý giải tại sao người miền Trung có giọng nói khác người miền Bắc, văn hóa cũng khác nhưng vẫn mang những nét truyền thống chung,...
Kiến thức Địa lý nắm vững, học sinh sẽ giải thích được tất cả những điều liên quan đến Lịch sử. Đây chính là nền tảng khiến các em yêu thích bộ môn, tự ghi nhớ được mà không cần thầy cô phải bắt ép học thuộc.
Điều này thấy rõ ở việc các em có thể kể vanh vách được sự khác biệt về trường học thời nhà Hậu Lê và Lý mà tôi (PV) đã được chứng kiến trong tiết học nói trên.
Được biết, môn tích hợp ở JP có thời lượng 4 tiết/tuần, trong đó có 1 tiết Lịch sử, 1 tiết Địa lý, 1 tiết Đạo đức và 1 tiết Kỹ năng xã hội.
Chương trình học môn Đạo đức của JP được xây dựng và triển khai dựa trên khung chương trình giáo dục đạo đức của Nhật Bản kết hợp với những nội dung phù hợp với bối cảnh thực tế và các giá trị của Việt Nam. Học sinh sẽ được học về những kiến thức, kỹ năng thiết thực và hướng đến các giá trị cốt lõi của cuộc sống như học cách yêu chính bản thân mình, mạnh mẽ vượt qua thử thách, biết dịu dàng với từng sự sống xung quanh mình hay rộng hơn là những suy nghĩ lớn lao về giá trị của quê hương và đất nước...
Còn với môn Kỹ năng xã hội, học sinh được học cách giải quyết các tình huống từ các tình huống lịch sử, tình huống thực tế. Chẳng hạn với bài học Lịch sử về kháng chiến chống quân Tống của Lê Hoàn, học sinh được học về quyết định trao ngôi vua cho Lê Hoàn của Thái hậu Dương Vân Nga và phân tích về quyết định này. Các điểm mạnh, điểm yếu, nguy cơ và cơ hội khiến Thái hậu Dương Vân Nga có quyết định như vậy.
Những giờ học Kỹ năng xã hội sẽ trang bị cho các bạn học sinh những hiểu biết về giới hạn và khả năng của chính mình, được trải nghiệm các tương tác xã hội, học cách xây dựng giá trị cốt lõi của bản thân và nắm bắt các kỹ thuật duy trì hài hoà các mối quan hệ. Đây sẽ là những hành trang quan trọng để các bạn sẵn sàng bước vào một chặng đường dài hơn trong tương lai.