Cùng chu du với “Venise và những cuộc tình Gondola”

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Chẳng ai đoán được kết cục của những mối tình chóng vánh ấy sẽ ra sao, nhưng điều ấy đâu có gì quan trọng...

Venise và những cuộc tình Gondola

Tác giả: Dương Thụy

NXB Trẻ
Giá bìa: 57.000



Dương Thụy là một trong số không nhiều những tác giả trẻ Việt Nam mà tôi yêu thích. Trong dòng chảy văn chương thị trường ồn ào và không ít phù phiếm, Dương Thụy nổi lên với một lối viết “rất khác”, phảng phất chút gì đó “rất Châu Âu” mà lại không hề lai căng, mất gốc.

Ai đã từng yêu thích những “Oxford thương yêu”, “Bồ câu chung mái vòm”, “Nhắm mắt thấy Paris” hay “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” sẽ không thể bỏ qua cuốn sách này, một cuốn sách đáng yêu ngay từ tên gọi – “Venise và những cuộc tình Gondola”.


Đầu tiên, tôi ngỡ Dương Thụy sẽ viết về nước Ý mộng mơ, nhưng không phải. “Venise và những cuộc tình Gondola” được nhà văn gọi tên là “Những ghi chép ngoại truyện”. Không phải là cẩm nang du lịch, càng không phải là sách du khảo-du ký, cuốn sách kỷ niệm 10 năm chu du của cô gái trẻ qua rất nhiều xứ sở ở Châu Âu. Những xứ sở ấy, những chuyến đi ấy cũng góp phần làm nên bối cảnh cho nhiều sáng tác của cô. Thông qua cuốn sách, người đọc sẽ được biết vì sao Dương Thụy viết: “Đổ thừa Venise”, “Tú cầu vùng Bretagne”, “Con gà nói tiếng Đức”, “Diên vĩ đồng Provence” và nhất là “Oxford thương yêu”…

Những con người tuyệt vời cô đã gặp, những danh lam thắng cảnh cô đã qua, giây phút xúc động “xa quê hương ngộ cố tri”… tất cả được đưa vào tập sách này. Ở đó, suốt một chiều dài từ Pháp, qua Thụy Sĩ, tới Hà Lan, sang Bỉ, đi Luxembourg, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, và cuối cùng là nước Anh nhiều kỷ niệm, người đọc sẽ được đồng hành cùng tác giả, không chỉ là đi, là đến, là cảm nhận, mà còn là để yêu, là hiểu được thú vui, cũng là niềm khao khát được khoác ba lô lên vai, du ngoạn những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, và xa hơn, là mở tầm nhìn ra toàn thế giới.


Cuốn sách được mở đầu bằng một điểm đến nhiều duyên nợ của Dương Thụy – Pháp, xứ sở hình lục lăng từng là bối cảnh cho cuốn sách “Nhắm mắt thấy Paris” và nhiều truyện ngắn khác của tác giả.

Paris, điểm đến đầu tiên, kinh đô ánh sáng của thế giới, cũng chính là nơi kết thúc những ảo tưởng của một cô gái trẻ lần đầu tiên xuất ngoại. Bởi đập vào mắt cô, không chỉ có những công trình kiến trúc kì vĩ, những cửa hiệu sáng đèn, những khu vui chơi sầm uất mà còn là hình ảnh những người vô gia cư dầm mình trong gió rét.

Paris và những ấn tượng về tàu điện ngầm ấm áp tình người, về những cuốc taxi đắt tiền mà người nghèo không bao giờ dám mơ tới, về những khu vườn của thơ ca, những thiên đường shopping bất tận… Không chỉ có Paris, đó còn là nước Pháp của Brest, thành phố với bến cảng thân thiện, với những lễ hội ngày thứ 5 đầy vui nhộn, của Đảo Mont Saint Michel, của Nimes - thành phố Ý ở Pháp, của Locronan - xứ cổ của công chúa Da Lừa, của Saint Rémy de Provence dưới ánh mặt trời, của Avignon xinh đẹp nổi tiếng với những cơn gió mistral và những điệu nhảy trên cầu.


Không chỉ Pháp, mỗi một đất nước đi qua, mỗi một thành phố lưu lại đều để lại trong Dương Thụy những ấn tượng khó quên. Từ Thụy Sĩ duyên dáng như bước ra từ một câu chuyện cổ, đến Hà Lan trẻ trung xinh đẹp, từ một nước Bỉ hóm hỉnh và vui nhộn đến một Luxemboug nhỏ bé nhưng thịnh vượng, từ Tây Ban Nha của những điệu flamenco bốc lửa cho đến Bồ Đào Nha với những con người chẳng bao giờ thèm khoe khoang mà cứ bình thản sống, ung dung hưởng thụ sự thanh bình, từ nước Áo của âm nhạc Mozart tới nước Anh của The Beatles, của Sherlock Holmes, và Oxford của những tòa tháp trong mơ.

Và tôi ấn tượng nhất về câu chuyện Dương Thụy viết về những cuộc tình Gondola giữa Venise diễm lệ. Chuyện kể rằng hàng năm có cả ngàn phụ nữ cô đơn trên khắp thế giới đến Venise mộng mơ với ước nguyện tìm được một mối tình. Họ thuê ghe gondola có những anh chèo ghe vạm vỡ, đẹp trai và duyên dáng. Thế là một mối tình gondola giữa những nữ du khách tỉ phú cô đơn và các chàng chèo ghe người Venise nghèo nàn ra đời.


Chẳng ai đoán được kết cục của những mối tình chóng vánh ấy sẽ ra sao, nhưng điều ấy đâu có gì quan trọng. Phải chăng nó cũng là một đặc điểm, một nét đẹp để tô thêm phần duyên dáng cho xứ sở ấy hay sao?

Dương Thụy viết về cảnh trí, về con người xứ lạ mà như đã quen từ lâu lắm, mà như viết về những nỗi nhớ niềm thương của người con xa xứ, không hề gượng ép, cũng chẳng hề giả tạo. “Venise và những cuộc tình Gondola” là một cuốn sách có lẽ sẽ khiến cho bất kỳ ai khi đọc cũng có một khao khát, rằng một lần được đặt bước chân chu du đi khắp những vùng đất ấy, gặp gỡ những con người ấy, lưu giữ trong tim mình những con đường ấy, thành phố ấy, nụ cười ấy, cái nắm tay ấy… Tôi tin đó cũng chính là điều mà tác giả mong đợi khi viết nên cuốn sách này.
Chia sẻ