Nhắm mắt thấy Paris - Câu chuyện về tình yêu, tình dục, và tuổi trẻ

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Khi đọc “Nhắm mắt thấy Paris”, tôi lại cảm thấy như mình đang soi gương...

Nhắm mắt thấy Paris

Tác giả: Dương Thụy

NXB Trẻ
Giá bìa: 48.000
 
 
Một người bạn giới thiệu cho tôi cuốn “Nhắm mắt thấy Paris” của Dương Thụy. Chị bảo cuốn sách ấy luôn khiến chị nhớ về thời tuổi trẻ nhiều hoài bão và nông nổi của mình. Còn tôi, khi đọc “Nhắm mắt thấy Paris”, tôi lại cảm thấy như mình đang soi gương. Tôi gặp lại mình trong Quỳnh Mai, Tuyết Hường, trong cả Louis, Daniel… Mỗi nhân vật là một tính cách, một suy nghĩ, một mảnh ghép trong bức chân dung mang tên Tuổi Trẻ mà ai đó trong đời đều phải trải qua…
 
Nhắc đến Paris, người ta nghĩ đến một Thủ đô hoa lệ nổi tiếng với những câu chuyện tình lãng mạn. Nơi có những chàng trai ga lăng và những cô nàng chân dài mặc đồ hiệu, nơi rực rỡ ánh sáng, khơi nguồn khát vọng, nơi mà không một người trẻ tuổi nào không muốn được đặt chân đến một lần trong đời.

Paris trong “Nhắm mắt thấy Paris” không phải nơi khởi đầu, nhưng là bối cảnh chung gắn kết tất cả các nhân vật trong câu chuyện. Đó là nơi mà Quỳnh Mai, một cô nhân viên trẻ trung, xinh đẹp với nhiều hoài bão và khát vọng đang làm việc nỗ lực từng ngày. Làm việc để khẳng định bản thân mình, làm việc để không bị gửi trả về nước, thậm chí làm việc để thấy mình còn tồn tại trong cõi đời này. Paris từng là ước mơ, là khát vọng, nhưng Paris cũng là nơi khơi nguồn cho những khủng hoảng, thất vọng, mệt mỏi trong tuổi trẻ nhiều biến động của cô gái Việt Nam này.
 
 
Paris không phải chỉ riêng của Quỳnh Mai, Paris còn thuộc về Louis De Lechamps, một chàng trai Pháp gốc gác quý tộc, vì tuổi trẻ bốc đồng đã phải trả giá khá đắt khi sang Việt Nam làm việc. Paris còn là nơi Daniel Ng, một thanh niên giỏi giang người Singapore, khi đến đây hội họp đã lang thang một mình trong cô độc dù có địa vị rất cao. Paris cũng ghi dấu khoảng thời gian khủng hoảng của Tuyết Hường, một cô gái đầy tham vọng nhưng hành xử tàn nhẫn do không có bệ phóng vững chắc từ giáo dục của gia đình. Và cuối cùng, Paris còn là nơi một người con của chính nơi này không còn chốn dung thân: Jean-Paul Lafatoine. Ông thân bại danh liệt sau một sai lầm tệ hại và cuối cùng phải khởi nghiệp lại ở châu Á.

“Nhắm mắt thấy Paris” là một câu chuyện dài về tình yêu, tình dục, về tuổi trẻ, về những ước mơ và khát vọng của con người. Tình yêu, với Quỳnh Mai là một khái niệm trong sáng bao hàm thủy chung và thấu hiểu. Với Tuyết Hường, đó đơn giản chỉ là một trò chơi vô thưởng vô phạt. Tình dục, với Quỳnh Mai là thứ gia vị không thể thiếu của tình yêu, nhưng cũng là thứ gia vị nêm nếm sau cùng, khi tình yêu đã chín muồi và quyết định đi tới hôn nhân. Với Tuyết Hường lại là một công cụ sắc bén và lợi hại, là bàn đạp để tiến thân. Tình dục, với maman Christine – một người phụ nữ Pháp với lối tư duy cũng rất “Pháp”, là thứ “cho không biếu không” một khi đã yêu, còn với Louis là một thỏa thuận đổi trao đôi bên cùng có lợi…
 


Và ước mơ, thứ tưởng dường như ai cũng có nhưng hóa ra lại chẳng ai giống nhau. Ước mơ có thể giúp những người trẻ tuổi sống có mục đích hơn, ý nghĩa hơn (Quỳnh Mai). Nhưng ước mơ, một khi đi quá đà và trở thành thứ tham vọng bắt buộc phải được thỏa mãn thì cũng có khả năng hủy hoại tâm hồn con người, biến con người thành kẻ tham lam muốn chiếm đoạt mọi thứ, và sẵn sàng đạp đổ mọi thứ (Tuyết Hường).

Tất cả các nhân vật trong “Nhắm mắt thấy Paris” đều có điểm chung là cùng làm việc trong một tập đoàn lớn sản xuất và kinh doanh hóa mĩ phẩm. Nhưng rồi những đổi thay của số phận đã đẩy họ đi theo những hướng khác nhau, chẳng thể nói được sự thay đổi đối với ai là tích cực, với ai là tiêu cực. Nó cũng giống như cuộc sống của mỗi chúng ta, là những dòng sông với nhiều khúc quanh, là những con đường có nhiều ngã rẽ. Đôi khi chúng ta dự đoán được, nhưng cũng có những khi là do định mệnh dẫn đường. Chúng ta không bao giờ biết được những biến cố ở phía trước, cũng như không bao giờ biết được ngã rẽ nào an toàn hơn, đúng đắn hơn, bởi sự lựa chọn luôn chỉ có một.
 
 
“Nhắm mắt thấy Paris” cho tôi một suy nghĩ rằng, hãy cứ sống trọn vẹn với tuổi trẻ của mình, tình yêu của mình, hãy cứ cho đi và nhận lại trong khả năng có thể, hãy cứ ước mơ và đánh đổi, hãy cứ chen lấn vào dòng đời chật hẹp kia khi bạn còn sức lực và hoài bão. Nhưng hãy dừng lại khi bạn thấy mệt mỏi. Hãy để cho cuộc sống của mình, cái gì cũng “vừa đủ”, và hãy chấp nhận bản thân khi bạn đã làm hết sức của mình.

Những người đã từng đọc cuốn sách này hẳn không nhiều người ưa thích nhân vật Tuyết Hường – cô gái trẻ luôn ganh ghét và đố kỵ vói Quỳnh Mai, cô gái sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giành lấy chiến thắng. Nhưng bản thân tôi thì tìm thấy ở cô gái này nhiều khía cạnh để những người trẻ tuổi nên học tập. Đó là sự tự tin, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám “bám” vào những vận may, cho dù là mong manh nhất để đi lên khi cuộc đời tưởng đã đến những khúc quanh đen tối, ngột ngạt nhất. Tôi nghĩ chúng ta luôn cần cho mình một trái tim trong sáng như Quỳnh Mai, hay cao cả vị tha và không vụ lợi như Daniel Ng, nhưng đôi khi cũng cần có một bản lĩnh như Tuyết Hường để vươn lên trong cuộc sống này.
 

“Nhắm mắt thấy Paris” có lẽ chỉ là một tựa đề mang ý nghĩa tượng trưng. Và Paris, phải chăng là ẩn dụ của những ước mơ, hoài bão, khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp, một tương lai tươi sáng ở phía trước? Tôi lấy tư cách của một người đọc để phỏng đoán như thế. Và, có thể, bây giờ tôi cũng đang “nhắm mắt thấy Paris”…

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ