Cúm chết người có thể trở thành đại dịch tồi tệ
Cúm H1N1 gây chết người đang bùng phát ở Mexico có thể thành đại dịch ghê gớm hơn trận năm 1918, bởi virus lần này có khả năng lây dễ dàng từ người sang người, các chuyên gia dự báo.
Theo giáo sư Greg Tannock, từ Viện Macfarlane Burnet về nghiên cứu Y khoa và sức khỏe cộng đồng ở Melbourne, một chuyên gia hàng đầu về virus ở Australia, dịch cúm trên người lần này do một chủng H1N1 đột biến gây ra, có độc lực mạnh và có tiềm năng trở thành đại dịch tồi tệ, sau đại dịch năm 1918 làm chết hơn 40 triệu người (mà thủ phạm cũng là một chủng H1N1, nhưng đã tuyệt chủng).
Ông nhấn mạnh loại cúm lần này có khả năng trở thành đại dịch bởi nó dễ dàng lây truyền từ người sang người, so với dịch SARS và cúm gia cầm hiện nay (dịch cúm gia cầm chỉ dừng ở mức lây từ gia cầm sang cho người nuôi gần nhất).
Người dân Mexico mang khẩu trang phòng bệnh. Ảnh: 24h.heures.ch
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi, hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố thế giới nên sẵn sàng đối phó với một đại dịch cúm, sau 5 năm chiến đấu với cúm gia cầm. WHO cũng đã bắt đầu làm việc với các phòng thí nghiệm để chuẩn bị nghiên cứu loại văcxin mới nếu cần thiết.
Bệnh dịch đang lan rộng
Đến thời điểm này, kể từ ngày bùng phát 13/4 vừa qua, 86 người ở Mexico đã chết nghi do cúm lợn chủng H1N1, và hơn 1.400 người khác có thể đã nhiễm bệnh. Tại nước láng giềng Mỹ, 20 ca bệnh đã được khẳng định, buộc nước này ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia.
Canada và Pháp cũng ghi nhận một số ca nghi nhiễm, trong khi tại New Zealand, 10 người được xét nghiệm dương tính với cúm A.
H1N1 là một phụ nhóm của virus cúm A. Nó đột biến để trở thành nhiều chủng khác nhau, như chủng gây ra đại dịch cúm năm 1918, chủng cúm nhẹ trên người, chủng cúm lợn và nhiều chủng khác ở chim. |
Vì sao gọi là cúm lợn?
Tuy chưa có bằng chứng nào cho thấy người nhiễm cúm H1N1 là do ăn thịt lợn, nhưng trên thế giới người ta gọi đây là cúm lợn (swine flu). Bởi đây là một bệnh hô hấp cấp tính ở lợn có tính lây truyền cao, do một loại virus cúm A của lợn gây ra. Nó từng gây ra những trận dịch trên lợn.
Người thường nhiễm từ lợn bệnh, tuy nhiên, một số trường hợp mắc bệnh mà không thấy tiền sử có tiếp xúc với lợn.
Ở người, cúm lợn có thể lây lan giữa người này với người khác. Biểu hiện của bệnh tương tự như các triệu chứng cúm thông thường, bao gồm: sốt - ho - đau họng - đau người - đau đầu - ớn lạnh - ỉa chảy và ói mửa. Những trường hợp nặng như viêm phổi và suy hô hấp cũng từng được ghi nhận, tại Mexico đã có nhiều người tử vong.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ, cúm lợn trên người lây truyền theo cách tương tự như cúm thông thường, từ người này sang người khác qua hắt hơi, ho. Cũng có khả năng lây theo con đường chạm vật gì đó dính virus và đưa lên miệng hoặc mũi. Người đã nhiễm bệnh có thể lây truyền sang người khác một ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện, và duy trì khả năng lây này một tuần hoặc hơn.
Hiện nay chưa có văcxin đối phó với cúm lợn trên người. Cách phòng tránh tốt nhất là tránh tiếp xúc với người bệnh, không chạm lên các bề mặt có khả năng nhiễm virus, giảm stress, uống nhiều nước và ăn uống đủ chất. Một cách quan trọng để giảm sự lan truyền bệnh là rửa tay, đeo khẩu trang hoặc che miệng bằng giấy khi ho, hắt hơi và vứt giấy đi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, virus cúm lợn bị diệt ở nhiệt độ 70 độ C.
Những trận dịch lớn trong lịch sử
Năm 1997, cúm gia cầm đã giết chết ít nhất 200 người ở Indonesia, Lào, Rumani, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và hàng triệu con gia cầm ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Bệnh vẫn còn dai dẳng ở các nước châu Á cho đến hiện nay.
Dịch SARS, năm 2003, Tổ chức Y tế thế giới thông báo hơn 8.000 ca nhiễm bệnh và 774 người chết do coronavirus, ca đầu tiên là ở Trung Quốc và lan ra hơn hai chục quốc gia khác ở Mỹ, châu Âu và châu Á.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha, năm 1918 (do một chủng cúm H1N1, tương tự như cúm gia cầm ngày nay), dẫn tới cái chết của từ 20 đến 100 triệu người trên thế giới, và được xem là bắt nguồn từ Mỹ, lan sang các đảo tận Thái Bình Dương.