Báo động bệnh cúm mới gây chết người
Đại dịch cúm A/H1N1 khiến hơn 1.300 cư dân Mexico mắc phải, làm chết 81 người, sau đó lây nhanh sang Mỹ. Trước tình hình đó, ngành Y tế Việt Nam đã có buổi họp khẩn hôm qua.
Đại dịch cúm A/H1N1 nghi xuất phát từ lợn, có độc tính cao đã được cảnh báo trên toàn thế giới.
Chiều 26/4, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, nguyên nhân khiến Sở phải họp khẩn, dù Bộ Y tế chưa thống nhất với Tổ chức Y tế Thế giới về việc phòng bệnh, là do TP HCM vốn là điểm giao lưu quốc tế lớn nhất nước, trong khi đó cúm H1N1 lại đang hoành hành tại Mexico và lấn sang Mỹ, đặc biệt tại Mỹ nơi giáp Mexico, bang Sandiego lại có nhiều người Việt Nam sinh sống.
Người dân Mexico đeo khẩu trang trên tàu điện. Nước này đã có gần 1.400 người mắc cúm H1N1, với 81 người tử vong . Ảnh: wikimedia.ogr
Trước nguy cơ lây nhiễm cao, theo ông Châu, Việt Nam phải nhanh chóng lập hàng rào ngăn cúm. Trước hết, Trung tâm kiểm dịch quốc tế phải tăng cường hoạt động kiểm tra sức khỏe khách du lịch đến TP HCM bằng đường hàng không và cả đường thủy. Đặc biệt, cần phải nắm lịch trình các chuyến bay đến từ những quốc gia có liên quan đến cúm H1N1.
Cũng theo ông Châu, các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng phải chuẩn bị từ thuốc men, phòng bệnh cách ly, trang thiết bị chống dịch để ứng phó nếu chẳng may bệnh xuất hiện.
Phó giám đốc Sở Y tế, ông Lê Trường Giang thì cho rằng, cúm H5N1 vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, Mexico lại xuất hiện cúm H1N1, cho nên các bệnh viện chuyên khoa và các trung tâm y tế dự phòng phải giám sát các ca bệnh có dấu hiệu sốt nặng hoặc cúm. Nếu cần thiết, phải làm xét nghiệm để định danh virus gây bệnh.
Cũng tại buổi họp khẩn, ông Hoàng Ngọc Hùng, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch quốc tế cho biết, sau khi đọc được thông tin từ báo chí nước ngoài và từ website của Tổ chức Y tế Thế giới, trung tâm đã tăng cường nhân viên và tổ chức đo thân nhiệt toàn bộ hành khách đến từ Mexico hoặc từ Mỹ. Tuy nhiên theo ông Hùng, lượng khách từ các nước trên đến sân bay Tân Sơn Nhất hai ngày cuối tuần là rất ít.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện các cảng đường thủy cũng đã được tăng cường giám sát chặt chẽ, tuy nhiên theo ông, đường biển không đáng quan ngại, bởi tàu từ Mexico hoặc từ Mỹ muốn đến Việt Nam phải mất hàng tháng trời. "Người nào mắc bệnh chắc bệnh cũng đã thể hiện rõ", ông Hùng nói.
Cúm H1N1 là bệnh có thể lây từ người sang người, thời gian ủ bệnh từ 6 đến 9 ngày và có thể gây tử vong, tiến sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới cho hay.
Theo ông Chính, đến nay, thế giới vẫn chưa xác định rõ cơ chế lây bệnh. "Nhiều thông tin cho rằng bệnh lây từ lợn mắc cúm sang người, tuy nhiên trên thực tế, thế giới chưa chứng minh được điều này", ông nói.
Cách phòng bệnh, theo tiến sĩ Chính, cũng giống như H5N1, cúm H1N1 lây qua đường hô hấp cho nên cách phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh môi trường thật tốt, đeo khẩu trang, ăn chín uống sôi.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú Y TP HCM cũng khẳng định, cho đến nay, vẫn chưa ai xác định bệnh lây từ lợn bị cúm sang người. "Chính vì thế, người dân không nên hoang mang cụm từ "cúm lợn" đến mức không dùng thịt lợn", ông Thảo nói.
Cũng trong chiều 26/4, Bộ Y tế làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội để bàn biện pháp đối phó cúm H1N1.
Cục trưởng Y tế dự phòng và môi trường, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho biết, mặc dù hiện nay Việt Nam không còn dùng tờ khai kiểm dịch y tế, nhưng biện pháp này có thể sẽ sử dụng lại nếu tình hình bệnh phức tạp. Trước mắt, Cục đã có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương, sân bay, cửa khẩu giám sát chặt hành khách đến từ vùng có dịch cúm H1N1.
Khó khăn trước mắt theo ông Nga là do nước ta không có tuyến bay trực tiếp đến Mexico nên thống kê khách đến Việt Nam từ Mexico còn phức tạp.
Trong cuộc hợp chiều qua, phía WHO cho biết sẽ hỗ trợ chuyên gia cho Việt Nam trong mọi tình huống. Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Nga, đề xuất WHO hỗ trợ thêm về thông tin dịch bệnh, kỹ thuật và biện pháp điều trị.
Hiện WHO chưa khuyến cáo hạn chế đi lại tới vùng dịch và từ vùng dịch đi. Đại diện WHO cũng cho biết, bệnh cúm H1N1 vốn lây từ người sang người cho nên các nước không nên khuyên người dân cấm ăn lợn.
Dựa trên cơ sở căn nguyên virus gây bệnh, cúm được gọi là cúm A, cúm B, cúm C. Phổ biến nhất là type A và B; type C chỉ gây bệnh nhẹ. Type A là thủ phạm chính hay gây bệnh dịch cho người cũng như gia cầm. Type B có thể gây ra các dịch bệnh nhẹ cho người. Do sự thích nghi loài, một số phân type virus cúm A có thể bệnh cho gia cầm như H5N1, H7N7... Đặc biệt, virus cúm A H5N1 rất độc đối với loài gà. Trong một số điều kiện nhất định, các virus cúm A thường gây bệnh cho gia cầm cũng có thể gây bệnh cho người. Các phân type virus cúm A được ghi nhận đã gây dịch hoặc đại dịch ở người trong các thời kỳ lịch sử là: H2N8 (1889-1890), H3N8 (1900-1903), H1N1 (1918-1919 và 1946-1947; 1977-1978), H2N2 (1957-1958), H3N2 (1968-1969). Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện nay có 2 phân type virus cúm A chiếm ưu thế, lưu hành rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, đó là H1N1 và A H3N2. Ngoài ra, từ năm 1997, đã có thông báo virus cúm gà H5N1 đã lây sang 18 người và virus H7N7 cũng từ gà lây sang 2 người. Lợn có thể nhiễm nhiều loại virus cúm của cả người và gia cầm, có thể phát triển thành dịch bệnh. Trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918 ở người, người ta phát hiện trước đó kháng nguyên của chủng này đã gây dịch ở lợn. Hiện tượng pha trộn gene (thường gọi là tái tổ hợp) giữa virus cúm gia cầm và virus cúm của các loài có vú, trước hết là lợn, được coi là nguyên nhân của sự bùng phát đại dịch cúm ở người, nếu không được khống chế sớm và hiệu quả. Cơ chế tái tổ hợp còn nhiều bí ẩn. |