Cụ ông U80 tâm sự: "Bảo hiểm an toàn nhất của tôi không phải con cái mà là lương hưu"
Bất kể ở độ tuổi nào, độc lập về mặt tài chính vẫn là lựa chọn tốt nhất.
Ở tuổi 78, ông Lý Hiểu vẫn giữ được sự minh mẫn và sức khỏe dẻo dai. Cuộc sống thường nhật của ông là những công việc đơn giản như tập thể dục buổi sáng, đi chợ, nấu ăn, chiều đến gặp gỡ những người bạn gần nhà...
Không giống như những người khác, ông Lý sống một mình. Vợ ông đã qua đời cách đây 4 năm. Các con của ông đều lập nghiệp ở thành phố lớn.
Nhiều người tò mò, ở tuổi này, tại sao ông không ở cùng con cái? Ông Lý Hiểu chỉ cười và chia sẻ: "Niềm tin lớn nhất của tôi không phải là con cái mà là lương hưu. Con cái một năm chỉ gặp vài lần, chỉ có lương hưu đều đặn tháng nào cũng có".
Dù không phải là số tiền lớn, khoảng 6000 NDT (gần 21 triệu đồng) nhưng với ông Lý, số tiền này đủ cho ông sống thoải mái. Hơn nữa, cảm giác mỗi lần nhận lương hưu cũng khiến ông phấn khích như thuở trẻ đi làm được lĩnh lương vậy.
Bạn bè của ông Lý nhiều người phải phụ thuộc vào con cháu, lúc nào cũng mong ngóng con cái về thăm. Ngược lại với họ, ông sống ung dung và tự tại. Bản thân ông không trách con cái, bởi ông cho rằng ai cũng có cuộc sống riêng và những áp lực riêng, chỉ cần chúng quan tâm đến mình lúc ốm đau là tốt lắm rồi.
Bản thân ông Lý luôn tâm niệm, người già cũng cần có cuộc sống riêng, không thể dựa dẫm hoàn toàn vào con cái. Ông có hai con trai và một con gái, đều rất hiếu thảo. Vào những dịp lễ Tết, các con đều mua quà, mừng tuổi cho ông. Ông tuy miệng nói không cần, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Ông cũng luôn nhắc nhở các con, bản thân có lương hưu, đủ để trang trải cuộc sống, không cần phải lo lắng cho mình.
Có lần, người con trai cả tâm sự với ông về việc công việc áp lực, kinh tế khó khăn, ngỏ ý muốn xin bố giúp đỡ. Ông Lý không ngần ngại, lập tức chuyển cho con trai 50.000 NDT (khoảng 174 triệu đồng). Người con trai ngạc nhiên: "Cha không đi làm, tại sao có nhiều tiền như vậy?"
Vốn dĩ ông Lý không mua sắm gì. Đồ ăn hàng ngày ở quê cũng không đắt đỏ. Hiện tại, ông cũng không có bệnh tuổi già, chưa phải mất tiền thuốc men. Nhờ vậy, ông có thể tiết kiệm được một phần từ số tiền lương hưu hàng tháng. Ông Lý thầm nghĩ, lương hưu chính là chỗ dựa vững chắc, giúp ông tự tin, sống ngẩng cao đầu.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đôi lúc ở nhà một mình, nhất là vào buổi tối, không thể tránh khỏi cảm thấy trống trải, cô đơn. Để khỏa lấp khoảng thời gian này, ông thường dùng điện thoại để trò chuyện, tâm sự với bạn bè hoặc xem livestream. Cũng nhờ có lương hưu mà ông có thể thoải mái mua sắm những thứ mình thích mà không cần phải đắn đo suy nghĩ.
Nhờ có khoản tiền này, bà được ăn ngon, mặc đẹp, không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Các con ông vẫn thường nói: "Bố cần gì cứ nói với con, để con mua cho." Ông chỉ xua tay: "Không cần đâu, tiền của các con cứ để dành mà dùng, bố có lương hưu rồi."
Câu chuyện của ông Lý cũng là lời nhắc nhở cho nhiều người trẻ khác. Ở cương vị con cái, điều này không có nghĩa là bỏ bê việc chăm sóc cha mẹ, để cha mẹ tự xoay sở mọi thứ một mình. Mỗi một người đều có trách nhiệm chăm sóc đấng sinh thành khi tuổi cao, sức yếu.
Người xưa có câu "trẻ cậy cha, già cậy con". Tuy nhiên, người có tuổi không nên lúc nào cũng ỷ lại vào người khác. Có một nguồn thu nhập ổn định, tự lo cho bản thân chính là chỗ dựa vững chắc nhất. Đó là cách để chúng ta sống vui vẻ, tự tại và có được sự tôn trọng từ mọi người.
Chỉ bằng cách này, người cao tuổi mới có thể luôn đảm bảo rằng mình đang ở trong tình trạng an toàn và không rơi vào những tình huống khó lường vì cách người khác đối xử không tốt. Chí ít, khi gia đình có biến cố, họ có thể đỡ đần một phần, thay vì trở thành gánh nặng cho con cháu.
Theo Sohu