Cụ ông trả góp 36 tỷ đồng mua nhà trong 9 năm, đến lúc tăng giá gấp 3 thì bị chủ cũ đòi lại: Cảnh sát lật tẩy vụ lừa đảo chấn động
Cho đến khi giá trị căn nhà đã tăng lên gần gấp 3 là 94 tỷ đồng, cụ ông 70 tuổi vẫn đinh ninh bất động sản này thuộc quyền sở hữu của mình.
Năm 2022, cảnh sát Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc bất ngờ phát hiện một vụ lừa đảo nhà đất động trời tại địa phương. Nạn nhân của vụ việc là cụ ông họ Chu, khi đó đã ngoài 70 tuổi. Dồn hết tài sản cả đời mua nhà, ông Chu không thể ngờ cuối cùng mình lại trắng tay.
Theo thông tin từ cảnh sát, năm 2013 ông Chu bắt đầu có dự định mua nhà nên đã tìm đến một người môi giới ở Thượng Hải. Là thành phố phồn hoa bậc nhất đất nước tỷ dân, giá nhà đất ở Thượng Hải cực kỳ cao và việc sở hữu được 1 căn nhà ở đây là niềm ao ước của biết bao người dân Trung Quốc.
Được người môi giới họ Trần giới thiệu về một căn nhà ở vị trí đắc địa đang rao bán, ông Chu nhanh chóng quyết định làm hợp đồng và chuyển tiền đặt cọc cho Trần. Vì tuổi cao, không có con cái sống bên cạnh, lại không biết nhiều về việc mua bán nhà đất nên ông Chu tin tưởng phó thác hết cho Trần việc thực hiện các thủ tục. Trần cũng nói với ông rằng có thể trả góp 10,5 triệu NDT (khoảng 36 tỷ đồng) tiền nhà trong thời hạn 10 năm rồi dọn vào ở.
Trong suốt 9 năm trời, ông Chu đều đặn chuyển tiền vào tài khoản của công ty môi giới của Trần như đã hẹn. Đến ngày nhận nhà, ông Chu thuê người đến sửa sang lại và thay ổ khóa cửa. Tuy nhiên, ông không thể ngờ được rằng, một hôm cảnh sát sát lại đến gõ cửa, yêu cầu ông trả lại nhà cho chủ sở hữu cũ. Rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra?
Chủ sở hữu ban đầu của căn nhà này là một người đàn ông họ Hồ. Ông Hồ sở hữu nhiều bất động sản ở Thượng Hải và căn nhà ở Phố Đông là một trong số đó. Năm 2013, ông Hồ muốn bán nhà nên đã liên hệ với công ty môi giới mà Trần đang làm việc.
Ông Hồ nói với cơ quan chức năng, thời điểm đó, Trần nói với ông rằng có một người đàn ông họ Chu muốn mua và đã đặt cọc 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng). Về sau, Trần lại thông báo người kia không muốn mua nữa, vì vậy không cần trả lại số tiền đặt cọc trước theo quy định.
Vì làm việc ở công ty môi giới nhiều năm, Trần biết được căn nhà này luôn được để trống và rất ít khi có người đến. Hắn bắt đầu lên kế hoạch giả làm chủ sở hữu căn nhà, thực hiện giao dịch bán nhà với ông Chu. Trần chuẩn bị sẵn các giấy tờ giả, tài khoản ngân hàng và đưa ông Chu vào tròng.
Để ông Chu không nghi ngờ, hắn nói rằng việc trả góp trong nhiều năm trước khi chuyển vào theo hình thức “đặt cọc định kỳ” nhằm mục đích giữ nguyên giá gốc của ngôi nhà. Vì giấy chứng nhận bất động sản và các giấy tờ liên quan đều đầy đủ, Trần đã thành công đánh lừa được ông Chu.
Cụ ông 70 tuổi vẫn luôn tin rằng căn nhà đang trong quá trình giao dịch. Cho đến năm 2022, khi tiền nhà đã trả gần xong, ông mới bắt đầu sửa sang và thay ổ khóa. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì con trai ông Hồ - chủ nhân thật sự của ngôi nhà đến và phát hiện có người lạ sống bên trong nên đã gọi cho cảnh sát.
Tại cơ quan cảnh sát, Trần khai nhận trong vòng 9 năm đã lừa ông Chu chuyển khoản cho mình 10,5 triệu NDT (khoảng 36 tỷ đồng), tuy nhiên hắn đã tiêu hết sạch. Sau nhiều năm, bất động sản ở Thượng Hải leo thang chóng mặt. Căn nhà này ban đầu có giá 10,5 NDT, đến thời điểm vụ việc vỡ lở đã có giá 27 triệu NDT (khoảng 94 tỷ đồng) và ông Chu vẫn đinh ninh là nó thuộc quyền sở hữu của mình.
Căn cứ theo Bộ luật Hình sự Trung Quốc, người có hành vi lừa gạt người khác với số tiền trên 500.000 NDT (1,7 tỷ đồng) sẽ bị phạt tù có thời hạn từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân, đồng thời bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản. Nói cách khác,Trần đã lừa ông Chu 10 triệu nhân dân tệ, nên mức án khởi điểm cho hành vi của hắn là hơn 10 năm.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự quy định nếu người không có quyền định đoạt chuyển nhượng bất động sản cho người khác thì chủ sở hữu sẽ có quyền thu hồi lại. Trong trường hợp này, Trần không có quyền định đoạt căn nhà, nên việc Trần bán nhà cho ông Chu không được pháp luật bảo vệ, tức là chủ nhân thực sự của ngôi nhà vẫn là ông Hồ.
(Theo 163.com, GMW.cn)