Cứ hơn 7 phút lại có người tử vong do ô nhiễm không khí
Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có ít nhất 70.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí, trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Sáng 3/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), WHO và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức Lễ phát động chung tay hành động vì không khí sạch và thành phố xanh, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6.
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”. Tuy nhiên, BTC vẫn lấy chủ đề là không khí sạch, thành phố xanh nhằm nhấn mạnh tính nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến đời sống sức khoẻ của người dân Thủ đô Hà Nội.
Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí từ các bệnh đường hô hấp cấp, sự trầm trọng thêm các bệnh nền như hen suyễn và các tình trạng khác như đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi.
“Hãy để tôi giải thích kỹ hơn một chút. 70.000 người tử vong mỗi năm có nghĩa là trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đến khi chúng ta hoàn thành phần mở đầu của sự kiện này vào sáng nay cũng có nghĩa là sẽ có 8 người nữa qua đời’, TS. Angela Pratt nói.
Bà nhấn mạnh thêm, con số 70.000 người tử vong là con số gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong suốt đại dịch COVID- 19. Vì vậy, chúng ta cần đối xử với ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã đối xử với COVID-19 - coi đó như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng
Theo bà, để đáp ứng một cách hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đòi hỏi hành động ở các mức độ khác nhau. Trong ngắn hạn, chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ những người bị phơi nhiễm nhiều nhất và những người có nguy cơ nhất. Chúng ta cũng cần tăng cường nỗ lực trong trung và dài hạn, để giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân khiến người dân bị bệnh như nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, giao thông, đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, sáng nay khi thức dậy, tôi đã kiểm tra chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội. Đây đã trở thành một thói quen thường xuyên - và đôi khi là nỗi đau - của tôi.
Bà cho biết, gần đây chúng ta liên tục nhận được những tín hiệu báo động về chất lượng không khí từ truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách. Và chúng ta đã chứng kiến thành phố Hà Nội xinh đẹp, xanh mát với những hồ nước, công viên và di tích lịch sử được yêu thích, đôi khi xuất hiện trong danh sách những thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất. Điều này thật sự đáng lo ngại.
Bà Ramla Khalidi chia sẻ thêm, theo ước tính, thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai. Con số này tương đương với 4% GDP của đất nước. Trong đó, ô nhiễm không khí thường tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người già.
Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đề xuất một số giải pháp góp phần cải thiện môi trường không khí như chuyển đổi từ năng lượng than đốt sang các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính từ công nghiệp, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác, theo cam kết trung hòa khí thải của Việt Nam.
Bà cho biết thêm, UNDP đang đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí trong nhiều lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam, bao gồm chuyển đổi năng lượng công bằng và hỗ trợ cam kết trung hòa khí thải của Việt Nam vào năm 2050, hoạt động về giao thông xanh, thúc đẩy xe điện và cơ sở hạ tầng sạc, về nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải, và thông qua đánh giá hàng năm về nhận thức của người dân về quản trị môi trường (PAPI).
“Chúng tôi rất vui mừng khi tiếp tục mở rộng hoạt động của mình về chất lượng không khí để giải quyết ô nhiễm không khí ở nguồn trong tương lai, ví dụ như thông qua việc hợp tác với chính quyền địa phương và cộng đồng để thử nghiệm các cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề đốt rác thải và phế phẩm nông nghiệp”, bà Ramla Khalidi nói.
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và khí hậu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí và sự suy giảm chất lượng không gian sống. Trước thực trạng đó, việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết.
Ông Tấn cho biết, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình và dự án bảo vệ môi trường và khí hậu, tham mưu UBND thành phố ban hành các kế hoạch, chính sách quan trọng nhằm cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững cho Thủ đô như Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, Đề án cải thiện các con sông nội đô, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025-2030.
Tuy nhiên, để đạt được những kết quả thiết thực, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cần sự chung tay, góp sức của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân.
“Chúng ta cần tiếp tục lan tỏa và thúc đẩy những hành động bảo vệ môi trường thiết thực trong cộng đồng như giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, không đốt rơm rạ và rác thải trái qui định để giảm thiểu ô nhiễm không khí”, ông Tấn nói.