Cụ già U80 hăng say nhảy hip hop giữa thủ đô
Tiếng nhạc rộn rã cất lên, những cái đầu lắc lư, đôi cánh tay dang rộng, đôi chân nhún nhảy, lắc hông và vui cười sảng khoái. Đó là những hình ảnh của các cụ già tuổi "thập cổ lai hy" ở Hà Nội đang nhảy hip hop.
83 tuổi vẫn mê hip hop
Gần 8 giờ sáng, tại khu vực Hồ Gươm một chiếc loa
phát nhạc xập xình, các cụ già đong đưa trên nền thể loại nhạc Elechtro house,
các động tác Flare (đá ngựa), lượn người. Thật khó tin khi biết rằng những người
đang mê say nhảy múa theo điệu nhạc ấy hầu hết đều xấp xỉ 70 tuổi, có người còn
ở tuổi ngoại bát tuần.
Lớp nhảy có những người ở tuổi "thập cổ lai hy"
Cụ Th (68 tuổi, ở Tây Hồ) là một ví dụ điển hình. Các con và các cháu cụ đều giàu có nhưng đi cùng với đó là những ngày vắng mặt triền miên vì phải đi công tác. Mang tiếng ở cùng con cái nhưng cụ vẫn rất buồn bã, ngày ngày cụ làm bạn với chiếc tivi.
Thấy mẹ sức khỏe ngày càng yếu đi, cô con gái cụ đã
lên mạng tìm hiểu về những bài học nâng cao sức khỏe cho những người có tuổi.
Chị vô tình đọc được chia sẻ của nhiều cụ già về lớp học "Đam mê không tên
tuổi" có dạy hip hop cho người già và đã đăng ký cho mẹ khóa học ngày hôm
sau đó.
Từ U50, 60 đến 83 tuổi đều hòa đồng vào điệu nhạc, cùng nhảy
Cụ H (Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Lúc đầu, lớp học chỉ có 5 học viên nhưng đến nay con số này đã lên đến 40 người. Thành viên lớn tuổi nhất trong câu lạc bộ là cụ T, năm nay cụ 83 tuổi. Chúng tôi từ U50, 60 đến 83 tuổi đều hòa đồng vào điệu nhạc, cùng nhảy và từ khi tham gia vào câu lạc bộ hip hop này tôi luôn thấy vui vẻ, sảng khoái".
Đứng bên, một cụ bà tên D đã 70 tuổi nói rằng bà rất
tiếc vì mãi đến năm ngoái mới tham gia câu lạc bộ này nên chứng thấp khớp khi
đó mới giảm.
4h sáng vợ chồng "dựng nhau dậy" học nhảy
Tương tự, vào buổi tối tại vườn hoa Lý Tự Trọng,
hàng chục cặp đôi cũng tay trong tay dìu nhau trong tiếng nhạc. Không ít những
người ở cái tuổi xưa nay hiếm cũng thả mình vào những điệu nhảy tưởng như chỉ
dành cho người trẻ.
Chị Trần Phương Thanh, Giảng viên hướng dẫn CLB Tâm
Thanh, nói: Các học viên của tôi cao tuổi nhất là có đôi vợ chồng 74-76 tuổi. Cứ
tầm 8h tối, các cụ lại í ới gọi điện thoại rủ nhau ra sân".
"Chỉ có khoảng thời gian buổi tối họ mới được thoải mãn đam mê của mình, được gặp gỡ bạn cùng tuổi để trao đổi vài ba câu chuyện"
Theo lời chị Thanh, các cụ học một cách say mê và nghiêm túc, nhiều người còn mang cả điện thoại, ipad quay lại các động tác khó của cô giáo rồi về cắm vào màn hình ti vi lớn để cả nhà cùng luyện tập.
"Lúc nhảy người ta quan tâm đến âm nhạc, người
ta chú ý đến sự chính xác của vũ hình (bước đi, bước lùi...) nên chuyện nam nữ
cầm tay nhau hay đặt tay lên vai, ôm eo của đối phương...không còn ý nghĩa nữa",
cô giáo dạy nhảy này nói.
Ở lớp học của chị Thanh có rất nhiều chuyện hài hước.
Chị kể, có ông chồng thấy vợ đòi đi học nhảy cũng không an tâm bởi nhiều người
nghĩ "nhảy nhót thế nào cũng sinh chuyện" nên đã cất công chở đi đón
về. Tuy nhiên, sau khi thấy vợ học, ông cũng say mê và học thử. Không ngờ chỉ
sau một thời gian ngắn, chồng còn tham gia học nhiệt tình, chăm chỉ hơn vợ.
Có cặp đôi sắp nghỉ hưu cũng đến gặp chị Thanh. Người
vợ nói: "Tôi sắp đi Nhật 6 tháng, tôi "gửi" anh nhà tôi cho cô
giáo huấn luyện. Cô làm thế nào để nửa năm tôi về anh cũng biết nhảy để hai vợ
chồng tôi lúc về hưu có cái để theo đuổi cho đỡ buồn". Thấy bố mẹ đi học
nhảy về tinh thần vui vẻ lại trẻ khỏe ra, anh con trai ở bên Nhật đã gửi tặng một
cái ipad mini chỉ để ông bà quay lại các clip của cô giáo hướng dẫn để về nhà
luyện tập thêm.
Người già đến với lớp nhảy ở vườn hoa Lý Tự Trọng rất
nhiều lý do. Trong đó có vợ chồng chị S. (Tây Hồ). Chị S là giáo viên về hưu chị
có 2 con gái đang định cư bên Úc nên cứ 6 tháng ở Việt Nam, 6 tháng còn lại chị
lại bay sang Úc với các con. Lúc chị sang Úc, chồng chị ở nhà đã tìm đến bộ môn
khiêu vũ để giết thời gian. Người vợ sau nhiều tháng ở nước ngoài về đã nghe
hàng xóm xì xào, chồng chị "đi nhảy đầm, ôm eo cô này cô kia".
Chị đã quyết tâm đi học nhảy để dẹp tan tin đồn từ
hàng xóm. Chị nói với cô giáo: "Mục đích của tôi là để biết nhảy cùng chồng...".
Chỉ sau 4 tháng chị đã đi được hết các bước nhảy cơ bản. Sau đó 2 vợ chồng chị
đi Úc. Từ Úc chị liên lạc về chia sẻ với cô giáo, chúng tôi tham gia các CLB
bên này rất vui.
Cũng có đôi vợ chồng lại chia sẻ, nhiều đêm ngủ
không được, hai vợ chồng lại lôi nhau dậy. Họ cùng nhau dẹp hết bàn, ghế bật nhạc
dìu nhau ra giữa phòng say mê nhảy cho đến sáng.
"Họ rất cần chia sẻ..."
"Bộ môn này đem đến cho người già niềm vui.
Không đơn giản là giúp họ tiêu khiển thời gian rỗi mà nhiều người già đi học nhảy
một phần quan trọng hơn là được gặp gỡ, trao đổi giao lưu với nhau. Họ vui hơn
thấy yêu đời hơn. Nhiều bác cũng tâm sự với tôi họ cả ngày ở nhà trông cháu cho
con đi làm rất là buồn. Chỉ có khoảng thời gian buổi tối họ mới được thoải mãn
đam mê của mình, được gặp gỡ bạn cùng tuổi để trao đổi vài ba câu chuyện".
Không chỉ học nhảy, họ còn tổ chức những chuyến du lịch với chia sẻ: "Đi đâu chúng tôi cũng mang loa đài theo"
Cũng theo chị Thanh, các học viên của chị (gần 300 người) rất say mê bộ môn này. "Có đợt vào tháng 3/2015 lúc đấy là cuối xuân nhiều hôm mưa phải nghỉ tập các học viên buồn lắm. Họ nhắn tin bảo nhớ cô giáo, nhớ bạn nhảy. Một hôm trời tạnh tôi quyết định khởi động lại lớp. Lúc mọi người ra sân đầy đủ thì trời lại chuyển mưa. Tưởng như lại phải ra về thì các bác vẫn quyết tâm, vẫn nhảy tiếp. Thế là cả lớp mặc áo mưa gió, đầu đội mũ bảo hiểm khiêu vũ trong mưa. Cảnh đó khiến tôi rất xúc động".
Không chỉ những buổi nhảy ở vườn hoa, nhóm này đã
thành lập các chuyến đi du lịch ở Đồ Sơn, Tam Đảo. "Đi đâu chúng tôi cũng
mang loa đài theo. Lần đi Đồ Sơn, cả nhóm đã bật loa đài gần bãi biển và cùng
nhau nhảy. Nhóm nào được bình chọn là cặp đôi đẹp nhất sẽ được tặng quà. Lần đi
Tam Đảo, đêm đó sau khi ăn cơm tối cả đoàn đã lên nhà thờ đổ bật nhạc và khiêu
vũ. Những chuyến đi này khiến những người cao tuổi gần nhau hơn. Họ được kết bạn,
giao lưu".
"Người già rất cần được chia sẻ...", chị
Thanh nhấn mạnh.