Cụ bà 100 tuổi ở Hà Nội xúc động khi lần thứ 3 trong đời được đi bầu cử: "Tôi mong những lao động nghèo cao tuổi như tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn"

Gia Đoàn,
Chia sẻ

Trong lần bỏ phiếu bầu cử thứ 3 trong cuộc đời mình, cụ Trần Thị Thắm (100 tuổi) không giấu được sự xúc động khi là cử tri đặc biệt nhất ở tổ bầu cử số 2 phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.

Sáng 23/5, hòa chung không khí hân hoan của cả nước trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, tại tổ bầu cử số 2 phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội xuất hiện một nữ cử tri vô cùng đặc biệt khi đã bước sang tuổi 100.

Cụ bà 100 tuổi xúc động khi lần thứ 3 trong cuộc đời được đi bầu cử ở kỳ bầu cử đặc biệt - Ảnh 1.

Cụ Trần Thị Thắm (100 tuổi) cử tri đặc biệt tại tổ bầu cử số 2 phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.

CỬ TRI ĐẶC BIỆT NHẤT

Cụ Trần Thị Thắm (SN 1921, trú tại xóm trọ dưới chân cầu Long Biên) xuất hiện tại điểm bầu cử từ sáng sớm với bộ trang phục giản dị. Với cụ, đây được xem là bộ đồ "xịn" nhất, hiếm khi lắm cụ mới mặc, và hôm nay là một sự kiện đặc biệt. 

Tạm xa chiếc xe đẩy cùng với những chiếc bút bi, gói tăm, chiếc quạt... cùng cụ rong ruổi mưu sinh khắp phố phường Hà Nội, hôm nay cụ Thắm dành hẳn một ngày để đi bỏ phiếu, lần thứ 3 trong cuộc đời cụ. Là cử tri đặc biệt nhất tại tổ bầu cử số 2, cụ Thắm không giấu nổi sự xúc động.

Cụ Thắm không giấu được sự xúc động trong lần bầu cử thứ 3 của cuộc đời, khi đã 100 tuổi

"Tôi rất vinh dự khi là một trong những cử tri đặc biệt nhất đi bầu cử lần này. Đây là lần thứ 3 trong cuộc đời tôi được chính quyền tạo điều kiện được đi bầu cử. Ở tuổi xế chiều đối với tôi đây là niềm vui không thể nào diễn tả được", cụ Thắm rưng rưng với lá phiếu bầu cử trên tay.

Cụ bà 100 tuổi xúc động khi lần thứ 3 trong cuộc đời được đi bầu cử ở kỳ bầu cử đặc biệt - Ảnh 3.

100 tuổi, lần thứ 3 trong cuộc đời được đi bầu cử, cụ Thắm vô cùng xúc động khi được chính quyền tạo điều kiện đi bỏ phiếu bầu cử.

"Hằng ngày tôi đi bán tăm bông, cây bút để trang trải cuộc sống, có ngày kiếm được 50-70.000, có ngày được 100.000 dù không nhiều nhưng đủ để tôi không phải phụ thuộc hay dựa dẫm vào người khác.

Thường thì tôi đi bán vào buổi sáng xong trưa về nghỉ rồi chiều lại đi bán tiếp chứ không kể giờ giấc. Hôm nào khỏe thì đi bán nhiều thời gian, có hôm nào ốm thì đi bán buổi sáng rồi về", cụ Thắm chia sẻ.

Tuổi cao đã cao, cuộc sống không ít vất vả, nhưng cụ thắm vẫn vô cùng minh mẫn, khỏe mạnh. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ tại điểm bầu cử, cụ Thắm không cần đeo kính, đứng bên tấm bảng lớn màu đỏ, đọc kỹ từng thông tin ứng viên một. Giống như bao cử tri khác, cụ hi vọng những ứng viên được mình bỏ phiếu, là những người xứng đáng nhất, đủ đức đủ tài để đảm nhận trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

GỬI GẮM HI VỌNG VÀO LÁ PHIẾU

Cụ Thắm gửi gắm nhiều hi vọng vào những lá phiếu của mình

Cụ thắm gửi gắm nhiều hi vọng vào những là phiếu của mình. Cụ tin tưởng các đại biểu nhiệm kỳ mới sẽ luôn quan tâm tới đời sống của nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, qua đó giúp đưa đất nước ngày càng phát triển hơn nữa.

"Tôi mong bản thân tôi cũng như những lao động nghèo cao tuổi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chi phí tiền thuê nhà được nhà nước quan tâm hỗ trợ phần nào. Các đại biểu sẽ có những quyết sách đúng đắn trong sự phát triển kinh tế, đất nước", bà Thắm bày tỏ.

Cụ bà 100 tuổi xúc động khi lần thứ 3 trong cuộc đời được đi bầu cử ở kỳ bầu cử đặc biệt - Ảnh 6.

Cụ Thắm được cán bộ công an phường Phúc Xá hướng dẫn tận tình trong lần bỏ phiếu đặc biệt của cuộc đời mình khi đã bước sang tuổi 100.

Cũng có mặt tại điểm bầu cử số 2, ông Nguyễn Tiến Tá (87 tuổi, quân nhân về hưu) cho biết, dù đã tham gia bầu cử nhiều lần nhưng lần nào ông cũng xúc động, bồi hồi. Trong lần bỏ phiếu bầu cử lần này, ông Tá vinh dự là người đại diện Đảng viên nhiều tuổi nhất tham gia bỏ phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử.

"Tôi đã tham gia nhiều mặt trận chiến trường. Từ năm đầu tiên tham gia bỏ phiếu ở Bắc Ninh. Vào ngày bầu cử được xem như ngày hội, phải chuẩn bị bao nhiêu ngày hoàn tất các thủ tục hậu cần tại điểm bầu cử. Mỗi lần bầu cử tôi đều sửa soạn quần áo chỉnh tề, chuẩn bị phiếu cử tri. Hôm nay tôi mặc bộ quần áo quân phục mới nhất, vinh dự và rất thiêng liêng khi tham gia bầu cử. Nói ra mới thấy cảm động, những ai xưa sống trong cảnh khổ cực mới thấm thía và thấy đáng quý. Chúng ta đang ở đất nước mà người dân được làm chủ, tự do lựa chọn những vị đại biểu có đức, có tài lãnh đạo đất nước.

Tôi mong và rất kỳ vọng các thế hệ trẻ trong tương lai sẽ phát huy truyền thống, góp sức đưa nước nhà phát triển. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đất nước phát triển không ngừng. Cả hệ thống Chính trị vào cuộc chăm lo đời sống cho người dân. Người dân được đi bầu cử bày tỏ nguyện vọng tới các đại biểu nhiệm kỳ mới. Các đại biểu nhiệm kỳ lần này ông đều đã nghiên cứu rất kỹ và có sự lựa chọn và kỳ vọng họ sẽ có những đột phá chăm lo cho đời sống người dân, đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh", ông Tá chia sẻ.

Ngày hôm nay, tại Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử để bầu ra 29 đại biểu Quốc hội; 30 đơn vị bầu cử để bầu 95 đại biểu HĐND Thành phố; 269 đơn vị bầu cử để bầu 1.054 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.056 đơn vi bầu cử để bầu 10.807 đại biểu HĐND xã, thị trấn.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Hà Nội đã và đang thực hiện các bước chuẩn bị bầu cử nghiêm túc, đúng quy định, gắn với đảm bảo tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch. Tại điểm bầu cử số 2, các công tác phòng dịch cũng được thắt chặt, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào điểm bỏ phiếu.

Cụ bà 100 tuổi ở Hà Nội xúc động khi lần thứ 3 trong đời được đi bầu cử: "Tôi mong cuộc sống của những lao động nghèo cao tuổi như tôi bớt khổ cực hơn" - Ảnh 6.

Chia sẻ