Công ty mua bán nợ Việt Nam lên tiếng về thông tin liên quan Vạn Thịnh Phát
Ngày 30/11, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) lên tiếng về thông tin một số công ty thẩm định giá, trong đó có “Công ty DATC” đã thông đồng với đối tượng tại Ngân hàng SCB phát hành chứng thư thẩm định giá trái pháp luật để hợp thức các hồ sơ vay vốn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam cho biết, “Công ty DATC” liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tên gọi đầy đủ : “Công ty Cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC”. Tên viết tắt trong giấy đăng ký doanh nghiệp là DCSC.
Công ty Cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC có tiền thân là Trung tâm Thông tin Tư vấn, dịch vụ về tài sản - bất động sản trực thuộc Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính. Ngày 29/11/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 3776/QĐ-BTC chuyển giao Trung tâm Thông tin Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản sang Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam quản lý.
Sau khi tiếp nhận Trung tâm Thông tin Tư vấn- Dịch vụ về tài sản - bất động sản (theo Quyết định số 3776/QĐ-BTC nêu trên), DATC đã chuyển đổi để thành lập ra Công ty cổ phần với tên gọi “Công ty Cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC” với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, DATC nắm giữ tỷ lệ 60% vốn điều lệ (6 tỷ đồng tương ứng 600.000 cổ phần).
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tháng 11/2014, DATC đã thoái toàn bộ cổ phần (100% vốn góp) tại Công ty Cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC. Kể từ tháng 11/2014 đến nay, DCSC hoạt động độc lập, không có mối quan hệ ràng buộc và không còn là đơn vị thành viên của DATC”, đại diện Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam cho biết.
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị thông tin viết đầy đủ tên gọi của Cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC hoặc viết tắt tên doanh nghiệp “DCSC” để tránh gây hiểu lầm cho bạn đọc.
Vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố từ ngày 7/10/2022.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, đề nghị truy tố 86 bị can. Cơ quan điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước có liên quan chặt chẽ với nhau.
Điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2018-2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con đã vi phạm pháp luật trong quá trình phát hành trái phiếu. Các bị can đã thực hiện hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Liên quan tới vụ án này, Bộ Công an cho biết hai cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và 5 cựu lãnh đạo khác của ngân hàng này đang bị truy nã.
Hồi tháng 3, C03 đã khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước và 4 người khác thuộc đoàn thanh tra liên ngành của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.