Thu nhập "kếch xù" nhờ làm đồ chơi truyền thống
Trong khi rất nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến mất thì tại làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên, sự gắn bó với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống từ hơn một thế kỷ qua đang giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.
“Cái khó ló cái khôn”
Tìm về làng Hảo những ngày này mới thấy hết cái nhộn nhịp, hối hả của một vụ mùa đồ chơi trung thu bội thu. Ngày ngày xe cộ ra vào làng tấp nập, đưa hàng vạn chiếc trống quả, đầu sư tử và mặt nạ đến khắp các miền quê cho trung thu sắp tới.
Chị Vũ Thị Thoàn là chủ một trong những cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu lớn nhất làng Hảo, đã hơn 40 năm gắn bó với nghề. Chị kể, bố mẹ chị cũng bươn trải với nghề này đến khi nhắm mắt xuôi tay. Từ nhỏ chị đã được học cách làm trống, bưng da rồi khi gây dựng gia đình, hai vợ chồng chị lại tiếp nối cái nghề mà tổ tiên và cha mẹ để lại.
Gần nửa đời người sống với nghề truyền thống, cũng có lúc khó khăn chồng chất khi công việc luôn đòi hỏi sự tâm huyết và kiên trì, nhưng lợi nhuận kiếm được chẳng là bao. Mặc dù vậy, chị Thoàn chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ.
Từ trong gian khó, chị Thoàn cũng những gia đình còn làm nghề trong làng Hảo đã tìm ra hướng đi mới cho nghề truyền thống. Họ học thêm cách làm đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi để bán cùng với trống quả và được thị trường đón nhận một cách tích cực.
Đến nay, riêng cơ sở sản xuất của gia đình chị Thoàn đã có tới 20 mẫu mặt nạ các loại. Lấy mẫu từ các nhân vật trong bộ phim “Tây du ký” như Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đến các nhân vật trong tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam là Chí Phèo, Thị Nở, ngoài ra còn rất nhiều mẫu mặt nạ mang hình các con vật ngộ nghĩnh được công chúng- nhất là các thượng đế “nhí”- rất yêu thích.
Mùa trung thu năm nay, cơ sở sản xuất của chị Thoàn nói riêng và các cơ sở sản xuất trong làng Hảo nói chung đều có những tín hiệu đáng mừng. Tính đến thời điểm này, cơ sở của chị đã xuất đi hơn 20.000 chiếc trống, hơn 10.000 đầu sư tử và khoảng 10.000 chiếc mặt nạ các loại. Từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế đến Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và một số tỉnh lẻ, gần như ở đâu cũng có sự hiện hữu các sản phẩm đồ chơi trung thu từ làng Hảo.
Khi được hỏi về thực trạng nghề truyền thống ở làng Hảo- trong khi hiện nay rất nhiều làng nghề đã mất đi hoặc đang đứng trước nguy cơ “thất truyền”- có một điều thú vị là những người tâm huyết gắn bó với nghề như chị Thoàn đều trả lời đầy lạc quan rằng: “Mọi người nói làng nghề dần mất đi nhưng tôi lại thấy mỗi ngày đang dần khá lên, đến nỗi cứ mỗi vụ trung thu sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng thị trường”.
Chị bảo: “Hai năm trở lại đây, đồ chơi Trung Quốc bị cấm và không còn được ưa chuộng như trước nữa. Các mặt hàng thủ công của Việt Nam- đặc biệt là đầu sư tử và mặt nạ bồi- lại bán rất chạy”.
Theo lời chị Thoàn, từ đầu tháng 6 âm lịch cơ sở của chị đã bắt đầu xuất hàng đi các địa phương. Vào thời điểm giáp trung thu, ngày nào công việc của chị cũng kéo dài tới 1 giờ sáng, rồi khoảng 3-4 giờ lại bắt đầu xuất hàng. Cả ngày chỉ được ngủ 1-2 tiếng, nhưng chị vẫn thấy phấn khởi vì hàng bán được nhiều.
Tiếng lành đồn xa, có những tiểu thương đến giờ chị vẫn chưa hề gặp mặt dù đã giao hàng lâu năm. Phương tiện quen thuộc để chị giao dịch với khách hằng ngày là chiếc điện thoại di động và ba chiếc máy fax luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.
Sự tận tụy, quyết tâm giữ nghề của chị và những người dân nơi đây đã được đền đáp xứng đáng. Trung bình mỗi vụ sản xuất, cơ sở của chị Thoàn thu được gần 200 triệu đồng. Đó là con số không hề nhỏ so với cuộc sống của những người nông dân ở miền quê này.
Không chỉ cơ sở của chị Thoàn, mà mô hình sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống đang được nhân rộng trong làng Hảo. Hiện nay, có khoảng 20 trên tổng số 350 hộ trong làng còn gắn bó với nghề của tổ tiên; trong đó, có những cơ sở của các gia đình trẻ đang phát triển rất thuận lợi.
Cơ sở sản xuất khang trang của gia đình anh Vũ Tiến Thắng và chị Chu Thị Dung nằm ở đầu làng Hảo. Khởi nghiệp được 5 năm nay, nhưng cơ sở của anh chị đang tiến triển nhanh chóng. Từ ngày đầu chỉ xuất vài trăm sản phẩm, đến nay mỗi vụ cơ sở của anh Thắng đã xuất đi khoảng hơn một vạn chiếc trống, đầu sư tử và mặt nạ các loại. Mỗi năm, số lượng đơn đặt hàng càng tăng lên, năm nay còn tăng gấp rưỡi năm ngoái.
Khác với các gia đình khác, gia đình anh có đơn đặt hàng quanh năm, nhưng cao điểm vẫn vào dịp trung thu. Anh bảo: “Làm hàng này không bao giờ lo tồn đọng, bởi sức mình làm còn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Cơ sở của gia đình anh Thắng cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng. Trung bình mỗi ngày công làm việc được trả 120-150 ngàn đồng, những người làm việc đều đặn có khi được mức lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng mà không vất vả như làm nông nghiệp.
Khi nói đến mức thu nhập trung bình mỗi năm lên tới hơn 200 triệu đồng của gia đình anh Thắng, ai cũng phải ngỡ ngàng và ngưỡng mộ về sự tâm huyết, tận tụy với nghề của đôi vợ chồng trẻ.
Với niềm tin tưởng lạc quan của những người dân làng Hảo và sự giúp đỡ cho vay vốn của chính quyền địa phương, chắc chắn trong tương lai không xa làng nghề đồ chơi trung thu truyền thống sẽ còn phát triển hơn nữa và cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no, thịnh vượng.