Đồng tiền và lương tâm nghề nghiệp
Câu chuyện bảo mẫu vì tiếc tiền mua thức ăn mà bắt trẻ nuốt lại đồ ăn bé nôn ra khiến ai ai cũng phải đau xót. Buồn thay, đó không phải là câu chuyện vì tiền mà đánh mất lương tâm nghề nghiệp duy nhất.
Vì một chữ tiền, đánh mất lương tâm
Những ngày này, dư luận vô cùng bất bình và thương xót trước sự vụ hai bảo mẫu hành hạ tàn nhẫn các bé mầm non. Trong clip được quay lại và chia sẻ rộng rãi trên internet, cảnh một em nhỏ bị ép ăn lại đồ đã nôn ra khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Khi cơ quan công an lấy lời khai về sự việc này, Nguyễn Lê Thiên Lý, bảo mẫu ép bé ăn lại đồ ói ra trong clip khai nhận:
"Nếu bé nào ói thì ép ăn lại thì bé mới sợ, lần sau không dám ói. Mà nếu không cho ăn lại những gì đã ói, thì lấy đâu ra cơm và cháo mà cho ăn tiếp”. Lý còn xác nhận mình đã được chủ trường – Lê Thị Đông Phương dặn từ khi mới vào làm: "Giá cả đắt đỏ, đồ ăn thức uống có giới hạn. Mỗi tháng phụ huynh chỉ trả từ 1,2 - 1,4 triệu đồng tiền công giữ trẻ... nên phải tiết kiệm đồ ăn thì mới lãi, cuối tháng có tiền trả lương".
Bảo mẫu Lê Thị Đông Phương hành hạ trẻ
Buồn thay, đó không phải là câu chuyện vì tiền mà đánh mất lương tâm nghề nghiệp duy nhất.
Trong sự việc bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân phi tang rúng động dư luận tháng 10 vừa qua, thẩm mỹ viện Cát Tường – nơi xảy ra bệnh viện không có giấy phép hành nghề. Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vẫn ngang nhiên hành nghề, tiến hành ca phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực phức tạp khiến bệnh nhân tử vong. Trên quảng cáo của thẩm mỹ viện đăng trên mạng, chi phí của ca phẫu thuật này không hề rẻ, vào khoảng 50-60 triệu đồng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường
Đầu tháng 9/2013, sự việc trẻ sơ sinh chết oan vì nữ hộ sinh mải nhận tiền lót tay cũng khiến dư luận bất bình. Đứa bé xấu số là con của anh Nguyễn Bá Diệp và vợ là chị Lê Thị Kim Lên (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Ngày 29/8, chị Lên vào Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang để sinh con đầu lòng. Khi chị Lên đau bụng sinh, dù đã thực hiện việc chọc nước ối, nhưng chị Lên không sinh con được. Chị nhiều lần ngỏ ý muốn sinh mổ, nhưng hai nữ hộ sinh Hoa và Kiều được phân công hỗ trợ sinh cho chị "làm ngơ", không đi thông báo tình hình với các bác sĩ. Cùng lúc đó, có một bệnh nhân mới vào đưa tiền lót tay cho hai nữ hộ sinh này. Kiều và Hoa nhận tiền rồi đi giúp đỡ bệnh nhân này, bỏ mặc chị Lên đau đớn.
Chị Lên bị cạn nước ối, con sinh ra trong tình trạng thiếu ô xy và được chuyển tới bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cấp cứu. Hai tuần sau, bé qua đời trong sự đau đớn tột cùng của cha mẹ.
Bệnh viện An Giang - nơi xảy ra sự việc
Bài toán đồng tiền và lương tâm nghề nghiệp
Những sự việc trên đây đã bị phanh phui ra ánh sáng, Nhưng ngoài đời thực, những câu chuyện tương tự như vậy diễn ra không ít.
Chuyện phải lót tay cho bác sĩ, y tá khi vào bệnh viện, bồi dưỡng cho giáo viên,… đã trở thành “chuyện thường tình ở huyện”. Nhiều người chửi bới họ vì tiền đánh mất lương tâm nghề nghiệp, nhưng mấy ai dám thề với trời mình hoàn toàn “trong sạch”.
Rất nhiều người trong chúng ta đang lên án, đòi hỏi người khác phải có lương tâm nghề nghiệp, nhưng lại đánh mất lương tâm nghề nghiệp của chính mình. Mỗi nghề đều có những quy định, nguyên tắc về hành vi mà việc vi phạm cũng đều đáng được gọi là thiếu đạo đức, vi phạm lương tâm ở mức độ nào đấy.
Người Việt Nam chúng ta ngoài lương, thưởng còn có khái niệm “màu”. Và “màu” thường có được một cách không trong sạch. Kỹ sư xây dựng rút lõi công trình, khai gian tiền nguyên vật liệu; nhân viên tín dụng nhận tiền của khách hàng rồi đánh giá giá trị tài sản thế chấp cao hơn; nông dân sử dụng thuốc trừ sâu gây hại, tiêm thuốc cho rau củ, mặc người tiêu dùng gánh chịu hậu quả khôn lường,…
Một khoản “màu” nho nhỏ mà hầu hết các nhân viên công sở nhận được hiện nay, đó là tiền làm thêm giờ. Dù không hề làm thêm giờ, thậm chí là đi muộn về sớm nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên nhận khoản tiền này. Kế toán, nhân sự của các doanh nghiệp cũng linh động để anh chị em có thêm một khoản thu nhập.
Khi nhận những khoản tiền này, liệu có ai thấy áy náy, ăn năn?
Vì đồng tiền, nhiều người đánh mất lương tâm nghề nghiệp (Ảnh minh họa)
Trong thời buổi ngày nay, tiền rất quan trọng, không có tiền thì không thể tồn tại, mưu sinh. Làm sao để vừa giữ được lương tâm nghề nghiệp, vừa mưu sinh, lo toan được cho bản thân và gia đình quả là bài toán khó.
Nhiều khi những việc làm sai đạo đức nghề nghiệp còn được khen là khôn lanh, nhanh nhẹn. Những người giữ vững đạo đức nghề nghiệp thì bị chửi là ngu, khùng. Thậm chí, khi vạch ra việc làm sai trái, có người còn bị đồng nghiệp thù hằn vì làm mất đường kiếm cơm của anh em.
Suy nghĩ của đa số mọi người là: “ăn” chút ít thì có sao, chẳng ảnh hưởng tới ai, chẳng làm hại ai. Thực chất, những việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại góp phần khiến suy đồi đạo đức nghề nghiệp và khiến cả một xã hội đi xuống.
Nghề nghiệp là để mưu sinh, nhưng nếu sống mà không có lương tâm, sống mà chà đạp lên người khác để làm lợi cho mình, liệu cuộc sống đó có giá trị? Nhiều người nói “nếu xã hội này tốt đẹp, giàu mạnh thì tôi tự khắc có lương tâm, còn không, buộc phải trái lương tâm để còn mưu sinh, làm giàu”. Nhưng nếu mọi người đều làm sai, làm việc kém chất lượng thì đến bao giờ xã hội này mới có thể tốt đẹp, giàu mạnh.
Hãy tỉnh táo trước cám dỗ của đồng tiền (Ảnh minh họa)
Khi bạn bất bình, lên án người khác, trước tiên, hãy tự nhìn lại bản thân mình và sống cho xứng đáng. Hãy tỉnh táo khi đứng trước cám dỗ của đồng tiền, hy sinh cái lợi nhỏ để góp phần làm cho xã hội tốt đẹp và khiến cho tâm mình bình an.
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn: Zing/Tri thức, Soha/Trí thức trẻ.