Công sở và căn bệnh tắt mắt

Đồng dao mùa hạ,
Chia sẻ

Chỉ từ một lần lỡ tay có tắt mắt mà đã nhiều người hình thành cho mình một thói quen xấu, khiến họ chẳng chóng thì chày đã phải xấu hổ và bẽ mặt vô cùng trước đám đông.

M. là một nhân viên khá năng nổ và nhiệt tình trong công việc. Mặc dù nhà khá xa, nhưng chưa một lần đồng nghiệp thấy cô đi làm muộn, và đương nhiên cô chưa từng bị sếp khiển trách. Chính vì sự gương mẫu nổi bật này, mà mọi người đều quý mến và tin cậy M, và họ không hề đặt một chút xíu nghi ngờ nào vào nhân vật giữ chìa khóa phòng đáng mến này khi thi thoảng mình mất thứ này hay thứ nọ.

Câu chuyện bắt đầu khi một lần về muộn, M. vô tình nhìn thấy chiếc kẹp tóc xinh xinh trên bàn làm việc của một đồng nghiệp ở gần cửa ra vào. Không cầm được lòng, cô run rẩy cầm lấy nó và cho vào túi xách. Cũng kể từ đó, ở cái phòng Hành chính này xuất hiện tình trạng "đãng trí" lây lan.
 
Anh A. mất chiếc đĩa CD yêu thích đã phải nhờ bạn thân lùng sục ở nước ngoài, chị B. không tìm thấy cục chặn giấy dễ thương đâu nữa, hay anh C. tìm mãi không ra cuốn sách mới mua còn đang đọc dở, nhưng sau khi rà soát lại khả năng "tiện tay cầm về" của những đồng nghiệp quanh mình, họ vẫn chỉ cho rằng mình đã để quên đâu đó mà không nhớ ra.
 
Hành vi ăn cắp vặt này có thể chỉ đơn giản xuất phát từ
một lần tình cờ thấy đồng nghiệp bỏ quên đồ. (Ảnh minh họa)
 
Còn V., mặc dù không phải là một nam nhân viên có uy tín, nhưng lại làm việc trong một môi trường thoải mái và có nhiều đồng nghiệp khá cẩu thả. Phòng Marketing của V. và đội ngũ nhân viên Sale cùng chia sẻ không gian trong căn phòng có diện tích chưa đầy 50m2 này. Ở đây, các cô các chị suốt ngày váy vóc là lượt, nên thường để những đồ đạc có giá trị như ví tiền, điện thoại lên hết trên bàn hoặc trong ngăn kéo không có khóa.
 
Có hôm, cả phòng tập trung liên hoan ở phòng lớn bên cạnh, V. nhận lệnh quay về lấy hộ các chị em túi cốc giấy. Hôm đó, cậu đã hoa cả mắt khi đứng trước một phòng làm việc trống không, nhưng lại la liệt giấy tờ và những đồ vật tùy thân có giá trị được bỏ lại như những miếng mồi ngon tự tay nạn nhân dâng lên tận miệng kẻ săn mồi.
 
Ban đầu, những món đồ thường chỉ là thứ ít giá trị. (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói ở đây, là chỉ từ một lần "lỡ tay", mà nhiều nhân viên nghiêm túc đã hình thành cho mình một thói quen xấu khiến họ phải nhục nhã, ê chề khi sự thật được phơi bày.

Những đồ vật nhỏ, ít giá trị có lẽ không phải là nhân chứng tố cáo M., mà chính lòng tham đã khiến cô lộ diện. Một lần, chị đồng nghiệp để quên chiếc Ipad mới mua ở công ty. Ngắm nhìn thứ sản phẩm công nghệ đã làm mình mê mẩn bấy lâu nay nhưng chưa tích cóp đủ để mua về, M. quyết định "xuống tay".
 
Mặc dù rất cẩn thận đi dán lại đề-can, chú ý không mang lên công ty, nhưng qua 1-2 tháng trời, cô dạn dĩ mang theo để dùng ở những nơi ngoài chỗ làm. Vết xước nhỏ do đứa con trai nghịch ngợm dùng thước hì hụi vạch trên góc màn hình đã khiến chị đồng nghiệp tình cờ ngồi ở bàn cafe đối diện bước hẳn sang xin phép M. cho "xem thử".
 
Dù có tái mặt vì sợ hãi trước ánh mắt đặt những dấu chấm hỏi của chị này, và van xin tha thứ, nhưng dẫu việc này có bỏ qua thì việc khác lại tìm về. M. đành muối mặt xin kiểm điểm, trả hết đồ đã lấy, và cắn răng xin ở lại làm việc trong biết bao điều tiếng, xì xào, vì không thể mất một chỗ làm tốt như hiện nay.
 
Nhưng dần dà, có người "quen tay" sẽ để mắt đến những thứ giá trị hơn. (Ảnh minh họa)
 
Tháng trước, công ty vừa chuyển sang địa điểm làm việc mới, V. đã nhanh tay "hạ thủ" hai chiếc điện thoại để tơ hơ như bao nhiêu lần khác, và nhếch mép chắc mẩm rằng vẫn như trước, sẽ chẳng ai điều tra ra được dù có nghi ngờ đến bao nhiêu chăng nữa. Nhưng những chiếc điện thoại, những cái ví không cánh mà bay ở công ty V. hẳn không phải là nhân vật kể ra câu chuyện, mà lại do chính V. tự hiện thân mình dưới ống kính camera an ninh của văn phòng mới.
 
Sáng thứ hai đầu tuần, V. vừa ung dung đến công ty, thì nhận ngay một bản cáo thị được dán ở bảng tin. Đó là quyết định đuổi việc kèm với ảnh chụp camera lúc cậu đang cho chiếc điện thoại của đồng nghiệp vào túi quần trong giờ ăn trưa vắng vẻ.
 
Dù tắt mắt món đồ có giá trị hay không, đều khiến
kẻ có hành vi này nhục nhã, ê chề khi sự thật lộ diện. (Ảnh minh họa)
 
Các anh chị em ở phòng Công nghệ công ty PR vẫn còn rỉ tai nhau một câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu, về một nhân viên trong lần mượn chìa khóa văn phòng từ bảo vệ để lên lấy tài liệu bỏ quên, đã tranh thủ đánh thêm một chiếc nữa. Đến giờ ăn trưa như thường lệ, cậu này cùng cả phòng đi ăn ở căng-tin nhằm tạo bằng chứng vắng mặt, đồng thời cũng là để "trông chừng", cho người nhà là nhân viên tạp vụ tranh thủ lẻn vào cuỗm hết tư trang trong phòng.
 
Dĩ nhiên, sự việc này sớm được phơi bày sau khi liên kết các chi tiết điều tra, và anh chàng này đã bị đuổi việc. Nhưng điều đáng nói ở đây, lại chính là tiết lộ "thấy mọi người cứ trưng đồ đạc ra rồi bỏ đi chỗ khác thì cứ như mỡ để miệng mèo, không ăn thì phí".

Tình trạng ăn cắp vặt ở chốn công sở không phải là chuyện hiếm có, mà thường trực ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh sự đáng phê phán về chuẩn mực đạo đức, để tránh không trở thành nạn nhân cũng như không phải là nhân tố "kích hoạt" cho hành vi này, các chị em nên có ý thức cẩn thận hơn đối với đồ đạc, tư trang có giá trị của bản thân mình.

Chia sẻ