Tại chốn văn phòng, cũng như ở bất cứ môi trường nào trong xã hội, luôn tồn tại những nhóm hội, bầy đàn, phe phái lúc nào cũng bám riết lấy nhau. Đồng thời, ở đó cũng có sự hiện diện của những nhân vật "lạc đàn", ngu ngơ giữa "bầy sói dữ". Họ không sớm thì muộn, rồi cũng nhận ra mình đã trở thành chân sai vặt của cả cái cộng đồng nho nhỏ nơi mình làm việc.
Thực trạng khó xử
Đức Tiến (nhân viên thiết kế, công ty M.) vốn là một trong số những "mì chính cánh" hiếm hoi trong cái tập thể toàn nữ nhân viên này. Có lẽ vì là "của hiếm" nên cậu không có lực lượng hậu phương nào đủ mạnh để có thể yểm trợ cho cậu được đứng ngang hàng cùng các nữ đồng nghiệp. Ngày ngày, người ta thấy Tiến hết được chị này sai đi pha cốc trà, lại đến chị kia bảo photo hộ đám tài liệu, rồi đến em nọ "nhờ" anh mua hộ bữa cơm trưa.
Nhân viên nam ở những chỗ làm việc có đông chị em
thường dễ rơi vào hoàn cảnh này. (Ảnh minh họa)
Còn Nguyệt (nhân viên marketing) là "lính mới" vừa vào công ty chưa được nửa tháng, nên luôn được các "tiền bối" quan tâm đặc biệt. Hôm trước, chị phó phòng đánh tiếng việc hàng ngày phải rửa cốc chén cho cả phòng, thì hôm nay, anh trưởng nhóm lại giao thêm nhiệm vụ phải để ý và mua các thể loại trà, cà phê để bổ sung vào tủ ngay khi thấy gần hết.
Và điều này đồng nghĩa với việc mỗi sáng, sau khi bê đám cốc chén đã rửa xong vào phòng, cô lại phải giở giấy bút ra để ghi lại xem người nào uống loại thức uống gì để rồi lúi húi đi pha từng cốc một.
Để đồng nghiệp sai vặt quá nhiều, bạn sẽ tự khiến mình thành
"hàng dùng chung" của mọi người nơi công sở. (Ảnh minh họa)
Ngược lại với Nguyệt, Ngọc Lan (kế toán) mặc dù là nhân viên lâu năm, nhưng do bản tính hiền lành, nên lúc nào cũng được cấp trên sai bảo và cấp dưới nhờ vả. Có những lúc, chị rơi vào tính huống rất khó xử, khi sếp thì bảo chiều cố gắng ở lại làm nốt cho xong bản kế hoạch mà lẽ ra phải cuối tuần sau mới cần phải nộp, cùng lúc đó, em nhân viên trực thuộc quyền quản lý của chị lại "năn nỉ" chị giúp làm hộ bản báo cáo vì em ấy còn chưa quen việc.
Đâu là giải pháp?
Đa số những trường hợp nêu trên đều đưa ra lời giải thích khá tương đồng: vì muốn dĩ hòa vi quý, muốn sống hòa đồng trong môi trường làm việc, tránh mâu thuẫn gây phiền phức. Tuy nhiên, chính họ đã vô tình không nhận ra rằng: họ đang tự chuốc lấy phiền phức vào mình bằng thái độ dễ dãi như vậy. Chỉ đến khi gặp những tình huống bất khả kháng, họ mới nhận ra mình đang bị người khác lợi dụng và bắt đầu có phản ứng.
Nếu không biết từ chối, bạn sẽ tạo cho người khác thói quen
sai bảo bạn một cách vô thức. (Ảnh minh họa)
Đức Tiến tâm sự: "Có lần, mình có hẹn với bạn gái đi xem phim sau giờ làm việc, nhưng chị đồng nghiệp lại bảo ngồi lại sửa bản vẽ giúp chị ấy. Thấy chị ấy nói có vẻ cần thiết quá, mình đành cố nán lại để hỗ trợ, nhưng trong lúc mình tập trung làm thì chị ấy lại ngồi hí hoáy nhắn tin điện thoại. Thấy có lỗi với người yêu và ấm ức với thái độ của đồng nghiệp, mình mới đứng dậy bảo có việc gấp và không giúp chị được nữa."
Còn Nguyệt thì vừa được trưởng phòng ra lệnh đổi lịch hẹn gấp và đi liên hệ ký hợp đồng với đối tác, lại vừa được chị phó phòng giao cho việc phải ngồi tổng hợp báo cáo quý 2 và nộp ngay trong ngày. Cứ nghĩ thôi thì cố tổng hợp xong buổi sáng để buổi chiều đi gặp đối tác, nhưng sức người có hạn, nên chị không thể hoàn thành báo cáo chỉ trong một buổi.
Do lịch hẹn không thể xê dịch, chị mới rụt rè đề cập lại vấn đề này với trưởng phòng để xin nộp báo cáo vào hôm sau. Việc này khiến sếp của chị vô cùng bất ngờ, bởi: "Sao em không nói sớm hơn mà bây giờ mới nói? Được giao việc này rồi thì phải biết đường từ chối việc kia hoặc tìm cách sắp xếp thời gian cho hợp lý chứ sao lại nhận bừa như thế?"
Không nề hà giúp đỡ đồng nghiệp, nhưng bạn cũng cần học
những cách từ chối khéo léo khi cần. (Ảnh minh họa)
Như vậy, có thể thấy rằng: không hẳn mọi đồng nghiệp của những người này đều cố tình lợi dụng công sức và tìm mọi cách để sai vặt họ. Tuy nhiên, lý do chính lại nằm ở chỗ: chính bản thân những nhân vật "hàng dùng chung" này không tự nhận thức được hậu quả của sự thỏa hiệp mà chính mình đang vô tình phạm phải.
Trong môi trường làm việc tập thể, sự hòa đồng, tương trợ là việc cần được khuyến khích, nhưng chúng ta cần phải tránh không để mọi thứ đi quá đà để tự biến mình thành nạn nhân của những đồng nghiệp vô tâm hay ác ý.