Công chúa Nhật từ bỏ tước vị kết hôn với thường dân: Đôi khi chỉ có phụ nữ mới hiểu dù làm "phép trừ" nhưng họ vẫn "có lãi"
Tuy không có túp lều tranh để sống nhưng không sao, nàng và chồng vẫn có đủ 2 quả tim vàng - vàng thật, bốn số 9 hẳn hoi...
Những ngày qua, sự kiện Công chúa Mako đi theo tiếng gọi tình yêu, chính thức bắt đầu cuộc sống của một thường dân sau khi đăng ký kết hôn với bạn trai Kei Komuro đã truyền cảm hứng cho biết bao người.
Có rất nhiều bàn luận xung quanh quyết định này nhưng suy cho cùng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu điều họ thực sự cần và muốn có được là gì.
Trong 1 diễn đàn, quan điểm của Thiên Vân - Thạc sĩ, giảng viên đại học Yersin Đà Lạt được rất nhiều người ủng hộ. Góc nhìn của chị khá thú vị và thực tế:
Bài toán kết hôn, khi Công chúa làm "phép trừ" nhưng vẫn "có lãi"
Thiên Vân bày tỏ: "Ngẫm chuyện Công chúa lấy chồng: Không váy cưới, không tiệc tùng, nàng công chúa Mako lặng lẽ rời cung điện, tạm biệt cha mẹ rồi cùng chồng dọn đến căn hộ trị giá sơ sơ… 800.000 yên Nhật/tháng (khoảng 150 triệu đồng). Không còn là công chúa quyền quý, nàng sẽ chỉ là một thường dân, sống… tha hương nơi đất khách - một kiểu tha hương mà chắc ai cũng thích, trong căn hộ hạng sang tại khu cao cấp của Manhattan đắt đỏ và quyền lực. Tuy không có túp lều tranh để sống nhưng không sao, nàng và chồng vẫn có đủ 2 quả tim vàng - vàng thật, bốn số 9 hẳn hoi, vì thu nhập của cả 2 sẽ vào khoảng 38 triệu yên/năm (7,5 tỷ đồng), dư sức lọt vào top 5% dân số có thu nhập cao nhất nước Mỹ.
Cách đây nhiều năm, hoàng gia Nhật cũng có một hôn lễ gây xôn xao dư luận. Khi ấy, mọi thứ vừa có chút tương đồng lại vừa có cả một trời cách biệt so với bây giờ.
Nếu như “đàng trai” hiện nay là một nhân vật hoàn hảo của xứ sở Mặt trời mọc, vừa đẹp trai, tài năng xuất chúng, bản lĩnh, tốt bụng, thì ngày ấy, “đàng gái” cũng ưu tú chẳng kém với 3 tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu tại các trường đại học hàng đầu thế giới (Tokyo, Harvard, Oxford), thông thạo 6 thứ tiếng và là một nhà ngoại giao xuất sắc. Cả hai mang hình bóng của công dân toàn cầu, với cách sống vừa phóng khoáng sôi nổi hết mình, vừa nhiệt huyết đầy đam mê…".
Đúng vậy! Đó là hôn lễ xa hoa của thái tử Naruhito với cô gái thường dân Masako nhiều năm về trước.
“Vương phi sầu muộn”, “Con chim quý bị nhốt trong lồng son” là những biệt danh báo giới và dư luận đặt cho Masako. Sau khi vào cung, hầu hết thời gian nàng dùng không phải để sống hạnh phúc mà là để trị chứng trầm cảm triền miên của mình. Masako như thể nàng tiên cá trong câu chuyện cổ tích ngày xưa, dại dột chặt bỏ cái đuôi của chính mình chỉ để được ở bên Hoàng tử.
Mất đi sự nghiệp, hoài bão, đam mê, thế giới chỉ còn mình chàng. Naruhito vẫn yêu thương và bảo vệ Masako hết mực, nhưng…liệu rằng có đủ không, và liệu chàng có thật sự yêu nàng hay không? Chẳng ai yêu mà để người mình yêu héo hon sầu muộn, sống mà như chỉ tồn tại thế cả. Masako năm 2004 từng nói rằng mình "kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất".
Thật may, cuộc sống hậu hôn nhân của công chúa Mako ngày nay sẽ tươi sáng hơn công nương Masako ngày trước rất nhiều. Bởi sự bất bình đẳng giới trong hoàng gia Nhật, Công chúa sẽ phải từ bỏ tước hiệu. Nhưng điều đó dường như cũng chẳng mấy quan trọng, khi chờ đón nàng là cuộc sống giàu sang ở Mỹ, nơi có chỉ số bất bình đẳng thấp hơn Nhật rất nhiều, tận 65 bậc".
Phụ nữ hãy thôi than thở mà tự nắm bắt lấy thứ hạnh phúc chỉ mình mới biết
Với kinh nghiệm sống và những trầm luân đã đi qua trong cuộc đời này, cũng với tư cách cùng là phụ nữ, Thiên Vân liên tưởng: "Tôi nghĩ đến những bài tâm sự trong các group - Những bài tâm sự dài và đau đáu nỗi đau từ sự bất bình đẳng giới, từ chuyện yêu đương ra mắt nhà chồng tương lai của cô gái trẻ, đến chuyện “bên ông bên tôi”, bên nhà chồng bên nhà vợ khi đã cưới nhau. Từ chuyện mẹ chồng nàng dâu cho đến chuyện chia ly của cặp đôi đã hết tình… Trộm nghĩ, nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, không biết các chị em sẽ chọn thế nào?
Công chúa Mako chỉ đơn giản là chọn điều tốt đẹp nhất cho mình. Những thành viên Hoàng tộc luôn phải sống như những biểu tượng quốc gia và cũng sẽ bị soi xét để luôn luôn xứng đáng với biểu tượng ấy.
Người ta nói rằng nàng đã “từ bỏ tất cả vì tình yêu”. Cái “tất cả” đó chính là tiền trợ cấp (chưa chắc cao bằng thu nhập tại Mỹ của nàng) được đổi bằng hàng ngàn quy tắc và luật lệ Hoàng gia phải tuân thủ, là tước hiệu cao quý nhưng chỉ có thể giữ lấy một mình suốt đời không chồng con, tại vì… Hoàng thất còn ai đâu mà lấy.
Thế thì, bỏ quách cho rồi!
Thà giàu sang tự thân còn hơn giàu sang nhờ trợ cấp, thà sống với người mình yêu còn hơn sống với cái tước hiệu suốt đời".
Còn bạn thì sao, có đủ can đảm nắm lấy điều mà mình cho là hạnh phúc?