Cuộc đời những công chúa nhà Thanh: Sợ vú nuôi hơn sợ mẹ, phải xin phép mới được gần gũi chồng
Thậm chí người ta còn coi đây chính là lời nguyền của các công chúa nhà Thanh: Sinh ra trong vinh hoa nhung lụa, chết đi trong cô độc, tủi hờn.
Trên phim ảnh, các nàng công chúa thời nhà Thanh đều là những thiếu nữ xinh đẹp như hoa, tính cách vô tư và rạng rỡ. Các nàng đều tìm được ngạch phụ (cách gọi khác của phò mã) và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc ái ân khiến người ta phải hâm mộ.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết được, những nàng công chúa thơ ngây, lém lỉnh và đáng yêu ấy sau khi kết hôn đều phải sống quãng thời gian cô độc, không có chồng con bên cạnh và chết trong cô đơn tủi hờn dù tuổi đời còn rất trẻ. Dựa vào ghi chép trong sử sách về thời nhà Thanh, có rất ít công chúa có thể sinh con. 10 người thì có đến 9 người chết vì tương tư khi còn rất trẻ. Thậm chí người ta còn coi đây chính là lời nguyền của các công chúa nhà Thanh: Sinh ra trong vinh hoa nhung lụa, chết đi trong cô độc, tủi hờn.
Trên phim ảnh, các nàng công chúa thời nhà Thanh đều là những thiếu nữ xinh đẹp như hoa, tính cách vô tư và rạng rỡ. (Ảnh: Internet)
Theo quy định của hoàng tộc nhà Thanh, các công chúa sau khi sinh đều bị giao cho vú nuôi chăm sóc, dạy dỗ và rất hiếm khi được gặp mặt mẹ đẻ. Từ khi sinh ra cho đến khi xuất giá, số lần các công chúa được gặp mẹ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Hoàng đế bận rộn trăm công ngàn việc, hậu phi lại không được can thiệp đến chuyện nuôi dạy con gái. Chính vì vậy trong quá trình trưởng thành của các công chúa, vú nuôi đóng vai trò cực kỳ quan trọng thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ của họ.
Mỗi lần con gái xuất giá, Hoàng đế vì muốn thể hiện sự sủng ái của mình sẽ xây dựng cho họ những phủ đệ (nơi ở của quan lại quý tộc ngày xưa) nguy nga tráng lệ. Phủ đệ thuộc quyền sở hữu của công chúa và chỉ có mỗi công chúa được ở trong đó. Đi theo công chúa là những vú nuôi, bảo mẫu đã theo họ từ khi còn nhỏ. Sau khi công chúa chết, phò mã sẽ bị đuổi về nhà. Phủ đệ và toàn bộ mọi thứ trong phủ đều bị đưa lại vào cung.
Ảnh tư liệu cho thấy nhan sắc các cách cách nhà Thanh không như những gì chúng ta thấy trên phim ảnh. (Ảnh: internet)
Vì xuất thân là người hoàng tộc nên các công chúa cũng không được phép thân thiết với gia đình nhà chồng. Từ bố mẹ chồng, cho đến phò mã và họ hàng bên chồng mỗi lần gặp công chúa đều phải hành lễ, không thể đối xử với nhau thân thiết như những gia đình khác. Phò mã phải ở ngoài phủ, chỉ khi nào có lệnh của công chúa và phải được phép của vú nuôi mới được vào để ái ân. Lợi dụng sức ảnh hưởng và quyền lực trong phủ đệ của công chúa, các vú nuôi bắt đầu làm khó công chúa cùng phò mã. Họ thường lấy "tam tòng tứ đức" để ép buộc chủ nhân của mình. Mỗi lần công chúa muốn gặp phò mã, nếu không đưa tiền hối lộ những bà vú này sẽ lấy đủ mọi cớ để ngăn cản, thậm chí mắng nhiếc công chúa là người vô liêm sỉ, dâm đãng. Chính vì vậy mà mỗi năm công chúa chỉ có thể gặp mặt phò mã vài lần.
Công chúa từ nhỏ đã bị bà vú nuôi dạy, lại là con gái nên nhát gan và dễ xấu hổ. Bị người hầu mắng nhiếc như thế cũng chỉ cắn răng chịu nhục. Cho dù có vào cung gặp mẹ đẻ cũng không dám hó hé một lời. Kết quả là hầu hết các công chúa của nhà Thanh đều không có con. Nếu có thì đó là con của phò mã với những người thiếp khác, họ chỉ đứng trên danh nghĩa làm mẹ cả.
Bố mẹ không gần gũi, chồng xa mặt cách lòng, con không có, lại thường xuyên bị vú nuôi mắng nhiếc, nhục mạ đã khiến các nàng công chúa đều mắc bệnh trầm cảm rồi chết trong cô độc dù chỉ mới bước qua độ tuổi đôi mươi. Ấy vậy mà cho đến tận triều đại nhà Thanh sụp đổ, các vị hoàng đế vẫn chẳng hay biết chuyện này. Họ làm vua một cõi, có quyền sinh quyền sát trong tay nhưng rồi lại để các con gái của mình chết tức tưởi vì bị người hầu hành hạ, nhục mạ.
Khang Hi có một cô con gái cưng là Thập Công chúa. Ông thương yêu nàng đến mức mãi đến năm con gái đã 22 tuổi Khang Hi mới gả nàng cho Sách Lăng, hoàng thân của Mông Cổ. Thậm chí sợ con gái phải gả xa, ông còn cho Sách Lăng vào kinh thành học tập. Được sủng ái như thế nhưng thập công chúa cũng không được gặp mặt chồng, cuối cùng chết vì bệnh tương tư chỉ sau 4 năm kết hôn.
(Ảnh: Internet)
Ngoài Thập Công chúa của Khang Hy, lịch sử nhà Thanh cũng có một thập công chúa nổi tiếng khác là con gái vua Càn Long, hiệu là Cố Luân Hòa Hiếu Cách Cách (danh hiệu cao nhất của công chúa nhà Thanh). Mẹ nàng ban đầu là Đôn phi nhưng sau đó mắc lỗi bị phạt, Cố Luân Hòa Hiếu Cách Cách bị đưa cho vị quý phi khác quản lý. Năm 14 tuổi, cô được gả cho Phong Thân Ân Đức (con trai Hòa Thân, sủng thần của Càn Long cũng là tham quan nổi danh trong lịch sử Trung Quốc).
Những tưởng có thể hạnh phúc nhưng cô vẫn không thể chống lại vú nuôi của mình. Ban ngày họ có thể đi cùng nhau nhưng đến đêm là bị tách ra không cho ngủ chung phòng. Sau này Công chúa sinh được một người con trai nhưng chẳng bao lâu cậu bé bị bệnh qua đời. Càn Long băng hà, Gia Khánh lên ngôi đã xử tử Hòa Thân. Phong Thân Ân Đức vì vậy mà đổ lỗi cho Cố Luân Hòa Hiếu Cách Cách, sủng ái thị thiếp khác khiến nàng lại càng đau khổ, cô độc hơn.
Đó chính là lời nguyền mà các nàng công chúa nhà Thanh phải gánh lên người ngay khi mới sinh ra. Dù may mắn được cưng chiều hay mẹ đẻ thấp hèn không được coi trọng thì phần lớn trong số họ đều có chung kết cục bi thảm. Tất cả đều đến từ những luật lệ hà khắc thiếu nhân tính của phong kiến, sự tham vọng và ích kỷ và nhu nhược của những kẻ cầm quyền.
(Nguồn: qulishi + baike)