Công bố quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục
Lần đầu tiên, một “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” đã được công bố sáng 25-5 tại Hà Nội.
Hành vi quấy rối tình dục bao gồm cả các hành vi mang tính thể chất và những hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói - Ảnh: T.T
Đây là sản phẩm của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Kể chuyện cười hay mời đi chơi cũng có thể là quấy rối tình dục.
Không chỉ các hành vi mang tính thể chất, hành vi quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc được đưa vào bộ quy tắc này bao gồm những hành vi QRTD bằng lời nói.
Cụ thể như các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hay hướng tới họ khi vắng mặt.
Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
Theo các chuyên gia, những hành vi này thường không được nhận biết đầy đủ hoặc không được đánh giá đúng mức độ, dễ bị bỏ qua dù gây khó chịu, bức xúc cho người bị QRTD.
Bộ quy tắc cũng đề cập những hành vi QRTD phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay...
Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các apphich, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan đến tình dục.
Đây cũng là những hành vi khá phổ biến trong môi trường làm việc nhưng chưa được nhìn nhận đúng mức độ.
Ông Hà Đình Bốn, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết Bộ luật lao động năm 2012 đã quy định hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, ông Bốn nhìn nhận các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thực thi đều vấp phải một điểm chung là chưa cụ thể, chung chung trong việc đưa ra các tiêu chí, dấu hiệu để nhận diện hành vi nào là QRTD và xử lý hành vi vi phạm trên thực tế còn khó khăn và rất ít.
Để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động cùng phối hợp tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và an toàn, bộ quy tắc đưa ra một số biện pháp phòng chống QRTD tại nơi làm việc.
Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ danh tính của các bên liên quan - vấn đề được biết đến như là trở ngại lớn nhất khiến phần lớn những người bị QRTD ngần ngại không dám lên tiếng tố cáo.
Chỉ là quy tắc ứng xử, chưa phải là luật.
Tuy đặt mục tiêu thúc đẩy việc phòng chống hành vi QRTD, khắc phục những vướng mắc trong quy định, nhưng “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc” vừa được hoàn tất vẫn chỉ dừng ở một nguồn tài liệu tham khảo.
Vì theo ông Hà Đình Bốn, đây chưa phải là một văn bản luật, có thể quy định bắt buộc thực hiện đối với mọi đối tượng. Bộ quy tắc được coi là một văn bản “hướng dẫn cách ứng xử tại nơi làm việc”.
Ông Bốn mở rộng khái niệm “nơi làm việc” được đề cập trong bộ quy tắc là không chỉ bao hàm địa điểm cụ thể như nhà máy, văn phòng, mà còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm những địa điểm liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội trong khuôn khổ công việc (tiệc chiêu đãi, đón tiếp...), hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các bữa ăn liên quan đến công việc, hội thoại trên điện thoại hay giao tiếp thông qua các phương tiện điện tử liên quan đến công việc...
Những hành vi mang tính chất QRTD xảy ra tại các bối cảnh kể trên cũng vẫn được xếp vào hành vi QRTD tại nơi làm việc.
Đại diện của một số tổ chức, hiệp hội và cán bộ phụ trách nữ công của liên đoàn lao động một số địa phương cũng đặt vấn đề với ban soạn thảo: “Tại sao bộ quy tắc chỉ đề cập đến phạm vi áp dụng là các doanh nghiệp mà thiếu hẳn một khu vực rộng lớn là các công sở, văn phòng, cơ quan nhà nước?”.
Vấn đề này được ông Hà Đình Bốn giải thích theo hướng “vì đây chưa phải là một văn bản quy phạm pháp luật, do đó chưa thể quy định đầy đủ phạm vi áp dụng theo hướng bắt buộc mọi đối tượng đều phải thực hiện”.
Tuy nhiên, ông Bốn cho rằng dù bộ quy tắc mới chỉ đề xuất phạm vi áp dụng trong các doanh nghiệp, nhưng các cơ quan, tổ chức ở các môi trường làm việc khác hoàn toàn có thể tham khảo để giải quyết tình trạng QRTD, xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh cho mình.