Công an tiết lộ thủ đoạn của đường dây rửa tiền 30.000 tỷ đồng, có nhân viên ngân hàng tham gia
Công an Đà Nẵng cho biết đang tiến hành mở rộng điều tra đường dây rửa tiền cực lớn này và còn một số nhân viên ngân hàng liên quan.
Chiều 23/01, Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt thân mật các cơ quan báo chí nhân dịp đầu xuân năm mới Ất Tỵ năm 2025.
Trong cuộc gặp mặt, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP đã thông tin thêm một số tình tiết đặc biệt của đường dây rửa tiền 30.000 tỷ đồng mà công an TP vừa triệt phá.
Cụ thể, theo Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đường dây này do một phụ nữ còn rất trẻ thực hiện làm giả các tài liệu như căn cước công dân để mở 600 tài khoản ngân hàng và có thể lên đến 1.500 tài khoản ngân hàng vì đang điều tra thêm. Các đối tượng trong đường dây này cũng lập gần 200 doanh nghiệp "ma" nhằm mở các tài khoản.
Số tài khoản tiếp tục được nghi phạm bán cho các tổ chức tội phạm nước ngoài và thực hiện nhận tiền của các tổ chức tội phạm nước ngoài thông qua các tài khoản này để rửa tiền.
"Dòng tiền hầu hết vào các tài khoản này là dòng tiền tội phạm. Bản thân đối tượng cũng không biết chủ tài khoản, chủ dòng tiền là ai và ai nhận cũng không biết", Dân trí dẫn lời Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thông tin tại buổi gặp mặt.
Công an TP Đà Nẵng cũng cho biết đến hiện tại đã khởi tố, bắt tạm giam 5 người liên quan, trong đó có 1 nhân viên ngân hàng.
“Hiện công an đang tiến hành mở rộng điều tra đường dây rửa tiền này và còn một số nhân viên ngân hàng liên quan nữa. Sắp tới sẽ công bố sau”, PLO dẫn lời Thiếu tướng Vũ Xuân Viên. Giám đốc CA Đà Nẵng cũng nhận định hệ thống ngân hàng hiện còn nhiều bất cập nên bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi trong đường dây rửa tiền này.
Tổng số tiền giao dịch qua các tài khoản ngân hàng là gần 30.000 tỷ đồng
Ngày 22/1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết vừa triệt xóa đường dây tội phạm rửa tiền quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, tổng số tiền giao dịch qua các tài khoản ngân hàng là gần 30.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2022 đến năm 2024, T.Q.T (36 tuổi), trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã làm giả căn cước công dân để thành lập 187 doanh nghiệp, làm giả nhiều con dấu của các ngân hàng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức hành nghề công chứng để chứng thực căn cước công dân giả, giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp được thành lập…
Trên cơ sở này, đối tượng đăng ký mở hơn 600 tài khoản ngân hàng doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp đăng ký từ 02 đến 03 tài khoản) và bán lại cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích luân chuyển, hợp thức hoá dòng tiền có nguồn gốc phạm tội (lừa đảo, đánh bạc…) từ nước ngoài về Việt Nam để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định tổng số tiền giao dịch qua các tài khoản ngân hàng nêu trên gần 30.000 tỷ đồng.
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, đường dây phạm tội của T.Q.T liên quan đến N.H.M (23 tuổi), trú huyện Hoà Vang; H.N (25 tuổi) và N.T (29 tuổi), cùng trú quận Hải Châu và M.D (26 tuổi), trú quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Trong đó, N.H.M là đối tượng câu kết với T.Q.T trong việc làm giả căn cước công dân để thành lập doanh nghiệp nhằm mở và mua bán trái phép tài khoản ngân hàng.
H.N có hành vi lập và bán tài khoản ngân hàng cho M.D và N.H.M. Ngoài ra, N và D còn hỗ trợ các đối tượng lừa đảo thu hồi số tiền 780 triệu đồng có nguồn gốc từ hoạt động phạm tội được chuyển vào tài khoản mà các đối tượng lập trước đây.
Đặc biệt N.T là nhân viên Ngân hàng đã câu kết với T.Q.T mở nhiều tài khoản ngân hàng và bán lại cho các đối tượng để thực hiện giao dịch chuyển tiền, đồng thời cung cấp thông tin tài khoản cho T.Q.T để rút số tiền 900 triệu đồng có nguồn gốc từ hoạt động phạm tội từ tài khoản doanh nghiệp mà T đã lập.
Từ kết quả đấu tranh ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với T.Q.T; N.T; M.D; L.H.N và N.H.M về tội “Rửa tiền”, “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 324, 291 và 341 Bộ luật Hình sự.
Công an tiến hành khám xét đồng loạt nhiều địa điểm là chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng, qua đó phát hiện, thu giữ 122 con dấu giả, 40 bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 05 máy in, 01 bàn cắt giấy, 01 máy khắc dấu công nghệ đổ keo, 01 máy khắc dấu hộp gỗ, 01 bộ linh kiện máy khắc dấu laser, 01 máy ép plastic và nhiều công cụ, phương tiện phục vụ hoạt động làm giả tài liệu khác.
Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, nghi phạm đã sắm máy móc làm giả căn cước công dân, làm giả con dấu của các tổ chức công chứng, giấy phép kinh doanh… để mở tài khoản ngân hàng.