Con trăng nằm ngủ bến đò
Một trong những bài tôi hay hát đi hát lại là "Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ...". Ti hỏi, mắt bò hẳn lên trán vì ngạc nhiên: "Dì Út dì Út, sao con trăng nó lại ra đó nó nằm ngủ?".
Khi thằng Ti cháu tôi bắt đầu nghe hiểu, nó bập bẹ hỏi suốt ngày. Hồi đó tôi đang ưa nhạc Trịnh, hát suốt ngày. Một trong những bài hay hát đi hát lại là "Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ...". Ti hỏi, mắt bò hẳn lên trán vì ngạc nhiên: "Dì Út dì Út, sao con trăng nó lại ra đó nó nằm ngủ?".
Tôi phì cười. Nó làm tôi nhớ đến tuổi thơ của mình. Năm lên bảy, một trong những câu tôi hay hát đi hát lại ngân nga khắp nhà là trong bài Tình em biển cả (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) nghe trên radio. Thay vì "những dãy đảo xa nằm nghe biển hát", tôi hát thành "những dây thần kinh nằm nghe biển hát" khiến hai chị lăn ra cười bò.
Trong trí óc đứa trẻ bảy tuổi, tôi chưa hề biết "đảo xa" là gì, nhưng những "dây thần kinh" thì đọc trong sách rất nhiều nên hình dung ra những sợi dây dễ hơn nhiều so với hình dung ra đảo. Và tôi cũng chẳng hiểu các chị cười cái gì. Dây thì dễ giăng dài ra mà, như dây phơi đồ chẳng hạn. Dây thần kinh cũng là dây, tại sao không? Còn bờ biển thì tôi quá rành, bờ biển rất dài, nên dây (thần kinh) giăng dài theo cũng có gì không được?
Rồi một ngày bạn tôi kể: ba tuổi, con trai cô ấy hát "Từ khi quen em, anh đã biết múa rối" (câu hát nguyên bản là "từ khi quen anh, em đã biết bối rối". Cu Bin không hiểu bối rối là gì, nhưng múa rối thì rất rõ. Còn Ti, giọng miền Nam của nó không phân biệt được con trăn và con trăng, con nào cũng là con "trăng" cả. Trong trí nó, con gì cũng phải ngủ ở trong nhà nên việc con trăn(g) tự do bò ra ngủ ở bến đò, lại còn bị dì Út nó đi qua bắt gặp là chuyện quá sức gây tò mò, không thể tin được.
Bạn tôi được dịp giải thích cho con về "bối rối" và "múa rối", tôi giải thích cho cháu về mặt trăng còn được gọi là con trăng, và tại sao "trăn" với "trăng" đọc giống nhau nhưng không phải là một (nhưng chắc bạn cũng đoán ra câu hỏi tiếp theo: vậy thì có "thằng" trăng không?".
Chỉ có mỗi tôi, do hai chị mải cười quá nên tận khi lớn tôi mới biết những dây thần kinh vì sao không nằm nghe biển hát được.
Tôi còn có những đứa cháu nhỏ khác. Một lần dẫn chúng về nhà vườn chơi, lần đầu tiên hai đứa tận mắt thấy những con thỏ trắng sống nhảy trốn trong đám cỏ, thấy con heo rừng to lớn có đám lông cứng tua tủa, thấy con gà mẹ dắt gà con, thấy ao cá quầng lên dày đặc. Mắt chúng sáng rỡ. Miệng chúng hỏi liền tù tì: dì ơi vì sao con thỏ thấy con nó nhảy đi, dì ơi vì sao con cá mình quăng thức ăn xuống nó lại nổi lên, dì ơi nước ở đâu ra... Mỗi câu được trả lời lại kéo theo vô vàn câu hỏi khác. Hỏi đến nỗi dì chúng suýt xỉu. Mẹ chúng thì cáu: hỏi gì hỏi nhiều thế, để yên cho dì nghỉ.
Khi lớn, chúng ta thường quên hết trơn những ngày thơ ấu của mình. Hồi nhỏ, mình cũng tò mò y vậy, cũng hỏi liền liền y vậy, hỏi cho tới khi nào thiệt hết thắc mắc (trong ngày) nữa mới ngừng. Nếu không được giải thích vừa ý thì bứt rứt khó chịu lắm. Chắc ba má cũng nhiều lần phát cáu y chang vậy. Vì làm người lớn mệt quá mà, ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền, một ngày quay qua quay lại hết giờ "cày" là đến giờ ngủ. Ngủ cũng không để mơ làm anh hùng cứu thế giới hay công chúa ngồi bên cửa sổ, chỉ để lấy sức ngày mai cày tiếp. Trong óc sột soạt toàn tiền là tiền, làm gì còn tế bào nào hồng hào để mà háo hức, thắc mắc, tò mò, tìm hiểu, khám phá nữa... Riết rồi thấy đời sống nhàm chán nặng nề, lại nhìn trẻ con mà ước ao.
Nhưng khi được thảnh thơi, người lớn cũng sẽ lại hồn nhiên. Muốn đi chơi nơi nào thật xa, thật lạ, muốn ăn những món thật mới, muốn gặp những người chưa từng gặp. Đó mới là những sự tò mò thông thường nhất. Mà trong ngày thường, người lớn chúng ta cũng tò mò đâu kém.
Trên các báo mạng, tin tức giải trí bao giờ cũng là tin hot nhất, hút nhiều lượt đọc nhất vì nó đánh vào tâm lý tò mò của khán giả. Một ca sĩ tuột váy, một người mẫu bị đánh ghen, một diễn viên lấy chồng sinh con ... chẳng liên quan gì, chẳng tăng thêm chút kiến thức nào, nhưng các mẹ vẫn bấm vào đọc ầm ầm mê mải đấy thôi. Đọc xong lại còn tin lấy tin để, hớt ha hớt hải loan báo ầm ĩ, chỉ hận nếu thế giới sót một người chưa biết thì lương tâm mình bị tổn thương nghiêm trọng.
Nên sẽ rất hài hước nếu ông bố bà mẹ nào đó bắt con mình dừng những câu hỏi khám phá thế giới để bản thân chúi đầu vào mớ tin lá cải trên mạng.
Đồng chí Albert Eistein có tự nhận xét về mình như thế này: "Tôi không hề có tài năng gì cả. Tôi chỉ vô cùng tò mò".
Các mẹ xem, đến đồng chí ấy mà còn nói như vậy! Thì hẳn sự tò mò của trẻ con có giá trị của nó.
(Giá trị như thế nào, nếu các mẹ tò mò thì tự tìm hiểu lấy nhé).