Con trai hỏi một câu nhạy cảm, nữ thạc sĩ giáo dục trả lời cực hay
Đứng trước các câu hỏi “khó đỡ” về vấn đề giới tính của con, bà mẹ này có cách ứng xử khá bất ngờ.
Tuần trước, khi đẩy xe ra quầy thanh toán siêu thị, con trai 10 tuổi của chị Nguyễn Giang Linh (Hà Nội), thạc sĩ giáo dục, chuyên viên biên tập sách thiếu nhi, bỗng cầm lên cái hộp vuông nhỏ rồi ngạc nhiên bảo mẹ: "Ồi kẹo vị sôcôla này mẹ, kẹo Durex".
Bà mẹ nhanh chóng trả lời: "Bao cao su đó con". Cậu nhóc vẫn không chịu thua: "Sao lại vị sôcôla? Là kẹo mới thì sao mẹ?" - "Bao cao su, hãng Durex chỉ làm bao cao su thôi không làm kẹo", chị Linh trả lời. Nhưng câu hỏi sau đó của con lại càng "khó đỡ" hơn nữa: "Thế sao lại có vị sôcôla?".
Tại sao bao cao su lại cần vị sôcôla? Hai mẹ con đem câu hỏi đó về nhà, con không hỏi nữa nhưng trong lòng chị Linh biết là con vẫn đang nghĩ. Cho đến tối chủ nhật hôm qua, đủ một tuần kể từ khi con thắc mắc, chị Linh liền trò chuyện với con về vị sôcôla, bao cao su, hành vi quan hệ tình dục không nhằm mục đích truyền giống; Quan hệ tình dục đồng giới nữ; quan hệ tình dục đồng giới nam, các bệnh tật lây truyền qua đường tình dục, trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng các biện pháp an toàn tình dục…
"Nếu chỉ bảo với con là "đừng quan hệ tình dục sớm", "đừng quan hệ không có phòng ngừa y tế", "đừng quan hệ với các đối tượng dễ lây nhiễm bệnh"… thì tôi cảm thấy chưa đủ ở lứa tuổi bắt đầu dậy thì của con. Cấm đoán chưa bao giờ là đủ. Đặt tình dục vào cái hốc kẹt xấu xa, đáng che đậy, đáng giấu giếm thì tôi nghĩ cũng là không đúng.
Tôi mong là con hiểu rõ hơn về chính bản thân mình, về nhu cầu chính đáng của mỗi người trong phạm vi được pháp luật cho phép, về những niềm vui và hạnh phúc mà tình dục tốt đẹp đem đến cho chúng ta, về giải phóng năng lượng và tái tạo năng lượng thông qua hoạt động tình dục có gắn kết lâu bền và có hòa hợp tâm trí…
Những điều này ở thế hệ chúng tôi phải mất 30-40 năm hoặc lâu hơn thế để hiểu ra. Nhưng bây giờ, chúng tôi có thể giải thích cho con sớm hơn, để con nắm mọi thứ toàn diện và vững vàng hơn", chị Linh giải thích lý do nghiêm túc nói với con về chuyện giới tính và tình dục một cách khoa học.
Theo chị, bây giờ các con có nhiều nguồn thông tin và nguồn lực hỗ trợ để có thể hiểu sớm hơn rất nhiều, nhưng cũng lại đối mặt với bệnh tật nan y và các vấn đề hóc búa hơn thời bố mẹ. Nên hỗ trợ các con hiểu về bản năng, về tình yêu, về sex, về bản dạng giới, về khoái cảm tức thời hay hạnh phúc lâu bền, về trân trọng và bảo vệ bản thân cũng phức tạp hơn. Việc này đòi hỏi bố mẹ phải để ý đến con từ sớm, tra cứu nhiều, trò chuyện với con bền bỉ, nắm bắt các thông tin con thu nạp từ bên ngoài, đồng hành để con tiếp thu kiến thức và tự suy nghĩ…
"Nếu chúng ta cứ coi cảm xúc yêu đương và rung động của các con là tồi tệ thì con mở lời ra nói với ta làm gì. Nếu các thứ có thể minh bạch và đơn giản từ bé, tôi nghĩ rằng các con sẽ thẳng thắn đối diện với bản thân mình, hiểu về mình, nắm vững luật pháp về các hành vi liên quan đến tình dục, và đi qua các cám dỗ tốt hơn, bảo vệ chính bản thân con và cộng đồng tốt hơn", chị nói.
Con tập đi đã được dạy về giới tính
Không phải đến bây giờ, chị Linh mới bắt đầu cung cấp cho con các kiến thức về giới tính, mà từ khi con lẫm chẫm tập đi, bà mẹ này đã chú trọng dạy con vấn đề này.
Theo chị, hiểu về giới tính là một mảng rất rộng; bao gồm nhận thức về sự ra đời của bản thân mình, nhận biết các mối quan hệ gắn kết lâu bền trong gia đình mình, hiểu về cơ thể và giới tính cùng bản dạng giới của mình; rồi dần dần là bảo vệ cơ thể khỏi các xâm hại từ bên ngoài, trách nhiệm của mình về giới tính và sinh sản với cộng đồng và trước pháp luật…
Ở mỗi giai đoạn tuổi, các em bé hiểu về "giới tính" theo những cách khác nhau. Bố mẹ có thể nương theo quy luật phát triển nhận thức của con để lựa thời điểm phù hợp và cách nói phù hợp. Nền tảng vững chắc nhất để phòng chống xâm hại chính là được bố mẹ yêu thương bảo vệ và giáo dục về cơ thể bền bỉ vững vàng từ nhỏ.
"Trẻ 2 tuổi trở lên thường bắt đầu ý thức về giới tính, trai và gái là khác nhau. Trẻ nhận ra cơ thể mình khác với bố hoặc mẹ, và cơ thể mình cũng khác với bạn bè khác giới. Trẻ 3 tuổi trở lên thì bố mẹ có thể giải thích nhẹ nhàng cho con hiểu đơn giản về quá trình tạo nên sự sống, việc mang bầu, sinh nở. Trẻ từ 4 tuổi trở lên tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn, bố mẹ cần dạy con giữ an toàn cơ thể, giáo dục con cách phòng chống xâm hại…", chị nói.
Các mốc này có thể không đồng nhất ở tất cả các trẻ, bố mẹ cần quan sát và thấu hiểu con mình để điều chỉnh cho phù hợp. Các kiến thức về giới tính được khuyến cáo là cần bố mẹ bàn bạc với con trong tình yêu thương, để con cảm nhận được không khí ấm áp và chia sẻ.
Trẻ 13 đến 24 tháng, chập chững tập đi: Học gọi tên bộ phận trên cơ thể, bao gồm bộ phận sinh dục. Gọi tên chính xác giúp trẻ giao tiếp chuẩn xác với người lớn về các vấn đề sức khỏe, chấn thương hoặc lạm dụng tình dục. Học rằng cơ thể mình là riêng tư. Học khám phá cơ thể mình một cách khoa học, không kỳ thị các cơ quan sinh dục mà cần học hiểu về chúng như các cơ quan khác trên cơ thể.
Trẻ 2 đến 4 tuổi, hòa vào cộng đồng mẫu giáo: Học những điều cơ bản về sinh sản: Tinh trùng và trứng kết hợp với nhau, và em bé phát triển trong tử cung, chứ không phải "do con cò đem tới" hay "mọc ra từ nách" hoặc "tè ra từ lỗ tiểu"; tập trung đến việc mang thai và có em bé hơn là hành vi quan hệ tình dục.
Học rằng cơ thể mình là của riêng mình và không ai được chạm vào nếu không có sự cho phép của mình. Đặc biệt là không ai được phép chạm vào bộ phận sinh dục của mình, ngoại trừ bố/mẹ; học cách hỏi trước khi chạm vào người khác (ôm, cù lét), và bắt đầu tìm hiểu về bong bóng ranh giới cá nhân (lùi ra xa khi không muốn gần gũi ai đó); học về quy định pháp luật bảo vệ thân thể và xúc cảm trẻ em.
Một số cuốn sách được chị Linh sử dụng để dạy con về giới tính.
Trẻ 5 đến 8 tuổi - hòa vào cộng đồng tiểu học: Học về quy định pháp luật bảo vệ thân thể và xúc cảm trẻ em; học về dị tính, đồng tính, song tính, vô tính và các cách biểu hiện đa dạng về giới (gender), có thể hiểu dần về những vấn đề phức tạp như bản dạng giới ở một số người không trùng với giới tính sinh học của họ. Học hiểu các quy tắc xã hội cơ bản về quyền riêng tư, ảnh/video nhạy cảm, và cần biết tôn trọng người khác hoặc nhận được sự tôn trọng trong các mối quan hệ.
Học kỹ về cơ thể mình, vì hầu hết trẻ đã bắt đầu khám phá cơ thể mình ở tuổi này; Học cách sử dụng máy tính, điện thoại an toàn. Trẻ ở độ tuổi này nên bắt đầu học về quyền riêng tư, ảnh/video nhạy cảm, và học cách tôn trọng người khác hoặc nhận được sự tôn trọng trong môi trường mạng.
Khoảng từ 8 tuổi, trẻ cần được học những điều cơ bản về dậy thì, vì một số trẻ sẽ dậy thì sớm trước 10 tuổi và cần được hỗ trợ kiến thức và tâm lý kỹ; Học cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ tuổi dậy thì, hiểu về cơ quan sinh dục cả hai giới.
Trẻ 9 đến 12 tuổi - chuẩn bị dậy thì: Củng cố tất cả điều đã học ở trên bằng hình ảnh, video, khóa học; học về quy định pháp luật bảo vệ thân thể và xúc cảm trẻ em; học về quan hệ tình dục và tránh thai an toàn, học kiến thức cơ bản về mang thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; học nâng cao hơn về an toàn trong thế giới ảo, bao gồm bắt nạt và nhắn tin tình dục…
Trẻ 13 đến 18 tuổi - vào thời kỳ thanh thiếu niên: Học về quy định pháp luật bảo vệ thân thể và xúc cảm người vị thành niên; Học chi tiết hơn về đặc trưng giới như kinh nguyệt và mộng tinh, hiểu rằng hai điều này là bình thường và khỏe mạnh; học nghiêm túc về mang thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, những biện pháp tránh thai để thực hiện tình dục an toàn; Tiếp tục học sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh và thiếu lành mạnh.