Con không xuất sắc, không chăm chỉ, học "trường làng" vẫn đỗ 4 trường cấp 2 CLC: Bà mẹ Hà Nội rút ra 5 bài học quý giá
Qua quá trình ôn luyện, chị Anh rút ra những kinh nghiệm đồng hành cùng con thi trường cấp 2 CLC.
Đánh giá con mình là "đại diện tiêu biểu" cho đa số các bạn nhỏ thi Chất lượng cao (CLC) – không phải kiểu xuất chúng "thi đâu đỗ đấy", cũng không phải kiểu chăm chỉ, tự giác, tự tìm tài liệu làm bài, tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2024 - 2025, con trai chị Thùy Anh (Hà Nội) vẫn xuất sắc thi đỗ vào 4 trường cấp 2 CLC: Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi Sao Hà Nội (với số điểm 41,66 - điểm sau khi hạ); Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (24,75 điểm); Trường THCS Thanh Xuân (52,71 điểm), và gay cấn nhất là đỗ THCS Cầu Giấy sau khi trường hạ 0,5 điểm chuẩn (59,5 điểm).

Con trai chị Thùy Anh (Hà Nội) vẫn xuất sắc thi đỗ vào 4 trường cấp 2 chất lượng cao, trong đó có THCS Cầu Giấy
Con trai chị học "trường làng" đúng tuyến ở Hà Đông và chỉ bắt đầu ôn thi CLC từ cuối năm lớp 4. Nhưng con có tố chất, có sự cố gắng và học hành nghiêm túc, tất nhiên, sau khi bị mẹ "quát cho 77 49 trận".
"Học bạ của con nhiều điểm 9 nên xét Cầu Giấy bị trừ tới 3,5 điểm. Trước đó, cả nhà đã nghĩ con sẽ trượt, khỏi phải hồi hộp hay áp lực. Cầu Giấy cũng là trường thi cuối, con từng nói: "Con chẳng thi nữa đâu, con muốn nghỉ hè". Mình phải động viên kiểu: "Mẹ đóng hơn 200k tiền lệ phí rồi, lại thi thứ Bảy mẹ không phải xin nghỉ làm. Con thi xong là nghỉ hè luôn!". Đến khi trường thông báo điểm, con thiếu đúng 0,5 điểm, cả nhà lại hồi hộp x3 chờ đợi thông báo hạ chuẩn", bà mẹ chia sẻ.
Qua quá trình ôn luyện, chị Anh rút ra những kinh nghiệm đồng hành cùng con thi trường CLC:
1. Bắt đầu ôn thi từ khi nào là hợp lý?
Định hướng từ lớp 1, 2, nhưng chưa cần cho con học thêm. Chủ yếu là theo dõi điểm số để giữ học bạ đẹp (nhiều điểm 10, tránh điểm 8). Ôn thi thực sự bắt đầu từ cuối lớp 4, là thời điểm hợp lý cho những bạn có tố chất khá – giỏi. Không nên đợi đến lớp 5 mới bắt đầu vì sẽ bị gấp.
"Nhà mình từng nghĩ học sinh giỏi là đủ, không ngờ tới khi xét tuyển mới thấy 7 điểm 9 khiến con bị trừ nhiều. Ví dụ, xét tuyển Thanh Xuân còn 8,25; Cầu Giấy chỉ còn 6,5. Có những bạn rất có tố chất nhưng chỉ vì vài điểm 8 năm lớp 1, 2 mà không đủ điều kiện thi vào Lê Lợi hay Thanh Xuân – thật sự đáng tiếc.
Việc học thêm thì tùy vào điều kiện từng gia đình và năng lực của bé, nhưng với các bạn khá–giỏi, bắt đầu ôn từ đầu năm lớp 4 là hợp lý. Vì nhà xa không tiện đưa đón, con học tiếng Anh và tiếng Việt online, chỉ học Toán offline", chị chia sẻ.
2. Chiến lược chọn môn và học thêm:
Tiếng Anh:
Học online tại trung tâm, 2 buổi/tuần. Đầu lớp 4 còn học giao tiếp với người nước ngoài, nhưng khi phát hiện ngữ pháp yếu (nhầm thì đơn và tiếp diễn), mẹ đã tạm dừng khoá học và tìm lớp ôn chuyên ngữ pháp để thi CLC.
Mục tiêu: Đạt 8 điểm, đủ đỗ các trường mục tiêu.
Cách học: Chữa lại lỗi sai bằng bút đỏ, 1 tuần sau mẹ kiểm tra lại những lỗi đã từng sai.
Tiếng Việt:
Học online 1 buổi/tuần. Là môn con yếu, sợ và không hợp tác, chỉ chịu làm bài khi cô giáo giao chứ mẹ giao thì từ chối.
Con rất ngại học Văn, không chịu đọc văn mẫu, viết đoạn văn rất lâu. May mắn là sau một thời gian học thêm online, con đỡ sợ hơn, dù chỉ viết khi cô giáo giao bài. Mục tiêu là 6,5–7 điểm, vì điểm thấp hơn sẽ khó gánh bằng Toán. Khi đi thi, con không thể tự ước chừng được điểm Văn. Khi thi thật, điểm Văn biến động mạnh (từ 5,3 đến 8,25), phụ thuộc nhiều vào tâm lý thi.
Toán:
Toán là môn con bắt đầu làm quen từ học kỳ 2 lớp 4. Trước đó chị chưa hề nghĩ đến thi trường CLC. Học offline tại CLB Toán Học, 1 buổi/tuần. Ngoài ra, học thêm 1 buổi/tuần với bà ngoại là giáo viên Toán nghỉ hưu. Bắt đầu học Toán nâng cao từ học kỳ 2 lớp 4. Cách mẹ rèn: Giao 10 bài, nếu sai nhưng có nháp thì được tha, nếu sai mà không nháp thì bị phạt làm thêm 1–2 bài.
Quan điểm: Các bài khó quá thì bỏ qua, chỉ cần con làm đúng phần con làm được. Đây là môn con tự tin nhất, thi xong mẹ còn ước lượng điểm gần chính xác tuyệt đối.
3. Chiến lược học online/offline và theo sát con học
Về hiệu quả học online, chị đánh giá khoảng 70–80% so với học offline. Con chị không quá mất tập trung nhưng cũng không tự giác cao. Lúc đầu, mẹ phải thường xuyên kiểm tra xem con có mở tab khác, vẽ vời hay mơ màng không. Dần dần con cũng tự giác hơn. Học online hay offline thì bố mẹ vẫn cần sát sao, không thể hoàn toàn phó mặc cho thầy cô vì lượng kiến thức lớn, số lượng học sinh đông. Chị kiểm tra kỹ để biết con sai do chủ quan hay thật sự khó.

THCS Cầu Giấy
4. Giữ vững tâm lý – Yếu tố không thể thiếu
Trường hợp thi Cầu Giấy là ví dụ điển hình: Ban đầu con định không thi vì xác định sẽ trượt (do học bạ bị trừ nhiều điểm). Nhưng mẹ động viên vì "đã đóng lệ phí hơn 200 nghìn đồng rồi" và "thi thứ Bảy mẹ không phải xin nghỉ", nên đi thi cho xong. Thi xong cả nhà không trông đợi gì, đến khi biết điểm thì thiếu đúng 0,5 điểm, hồi hộp gấp 3 lần vì chờ điểm chuẩn hạ.
Kinh nghiệm: Trước khi thi 1–2 ngày, cho con nghỉ ngơi thoải mái, tránh ôn thêm gây áp lực. Thực tế, với con chị Anh, những trường thi thử, không áp lực lại là nơi con có điểm Văn cao nhất.
5. Chiến lược xây động lực thi CLC cho con
- Tạo động lực bằng cách khen các trường CLC (cơ sở vật chất tốt, được đi du lịch, thầy cô tâm lý,…).
- Giúp con tự thấy việc đỗ CLC là niềm vui và mong muốn của chính mình, không phải áp lực từ bố mẹ.
Hành trình đồng hành cùng con, theo chị Thuỳ Anh, có rất nhiều cảm xúc: Từ quát mắng, nước mắt đến vui mừng, hồi hộp, rồi vỡ òa khi đỗ trường mơ ước. Trong đó, có một chút may mắn và rất nhiều sự đồng hành. Mẹ không ép vô lý nhưng có ép "một chút" khi cần.
Bà mẹ cho biết, mình rất may mắn khi vào đúng các hội nhóm, tìm được trung tâm học phù hợp ngay từ đầu, không phải chuyển đổi. "Con không xuất sắc, không tự giác, nhưng có tố chất và sự đồng hành kiên trì của gia đình nên đã đạt kết quả ngoài mong đợi", chị chia sẻ.
Chị Anh cho rằng, mỗi bạn sẽ có 1 khả năng học và 1 tính cách khác nhau, bố mẹ phải dựa theo con để định hướng, không nên ép quá nhiều. Một điều quan trọng nữa là phải làm cho con tự thấy thích thi đỗ các trường CLC. Chị Anh thường khen với con về cơ sở vật chất, rồi chuyện được đi du lịch, tham quan nhiều, thầy cô tâm lý nhẹ nhàng,… để con yêu trường và có quyết tâm cao hơn.