HỎI: Người đáng sợ nhất mà bạn từng gặp là ai? Câu trả lời hay nhất khiến hàng nghìn cha mẹ im lặng hối tiếc
Nhiều cha mẹ hối tiếc vì nhận ra mình đã dạy con theo cách này.
Trên trang Zhihu có một câu hỏi: "Người đáng sợ nhất bạn từng gặp là người như thế nào?". Một câu trả lời được nhiều người tán đồng đã viết: "Là những người khắc sâu sự ích kỷ vào tận xương tủy. Trong cuộc đời họ, không có chân tình, chỉ có lợi ích".
Người này kể một câu chuyện: Khi còn nhỏ, một cậu bạn đến nhà hàng xóm chơi, trước khi về nhất quyết đòi mang về món đồ chơi của bạn. Nếu không được cho, cậu liền đánh bạn. Lớn hơn, khi đi thi, cậu ta muốn chép bài của bạn cùng lớp, nhưng bị từ chối thì liền xé nát bài làm của bạn.
Đến khi trưởng thành, cậu ta muốn bán căn nhà của bố mẹ để lấy vốn đầu tư. Khi bị phản đối, cậu lập tức trở mặt, tuyệt tình với chính cha mẹ ruột của mình.
Nghĩ kỹ thì trong cuộc sống, những ví dụ như vậy không hề hiếm: Lúc nhỏ ham món lợi nhỏ, lớn lên thì chỉ biết chạy theo tiền bạc. Nhiều cha mẹ hối tiếc vì nhận ra mình đã dạy con theo cách này.

Ảnh minh hoạ
Không muốn "mệt" bây giờ, sẽ "khổ" về sau
Khi còn nhỏ, một đứa trẻ ham món lợi nhỏ chưa hẳn đã là xấu, nhưng nếu cha mẹ không nhận ra và điều chỉnh kịp thời, thì chính sự ham muốn ấy sẽ lớn dần theo năm tháng, trở thành lòng tham không đáy, biến đứa trẻ thành người chỉ biết đòi hỏi, ích kỷ và lạnh lùng. Sự "ham lợi nhỏ" tưởng như vô hại ấy, nếu không được uốn nắn, chính là khởi đầu cho một nhân cách vị kỷ về sau.
Có ba biểu hiện phổ biến của trẻ ham lợi nhỏ: Luôn đòi phần hơn, thích so đo thiệt hơn, và thường xuyên tranh giành mà không biết nhường nhịn. Khi ăn bánh, đứa trẻ đó sẽ chọn miếng to nhất. Khi chơi cùng bạn, sẽ luôn muốn đồ chơi đẹp hơn, vai chơi hấp dẫn hơn. Nếu không được như ý, dễ khóc lóc, ăn vạ, thậm chí trở nên hung hăng. Và điều đáng lo không phải là hành vi, mà là thái độ: Trẻ cho rằng đó là điều đương nhiên. Trẻ không hề cảm thấy áy náy khi lấy phần tốt nhất về mình, mà ngược lại, cảm thấy bị tổn thương nếu không được như thế.
Điều này không thể chỉ trách trẻ. Trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu cách dạy dỗ của cha mẹ. Khi thấy con luôn muốn phần hơn, thay vì nghiêm túc dạy con biết chia sẻ, nhiều phụ huynh lại xuề xòa: "Trẻ con mà, thích cái gì thì lấy cái đó cũng không sao", hoặc thậm chí tiếp tay: "Cho nó đi, nó nhỏ nhất mà", "Không cho nó thì nó khóc đấy"...
Những lần nhân nhượng tưởng như vô hại đó lại chính là sự đồng lõa âm thầm. Chúng dần dần củng cố cho trẻ niềm tin rằng "mình có quyền được hơn", "người khác phải nhường mình".
Trẻ con không tự nhiên trở nên ích kỷ. Đó là kết quả của sự dung túng, của việc cha mẹ đặt sự yên ổn tạm thời trong nhà lên trên nguyên tắc giáo dục lâu dài. Cha mẹ ngại dạy con biết nhường nhịn, bởi sợ phiền, sợ mệt. Nhưng chính vì không muốn "mệt" bây giờ, mà sẽ "khổ" về sau.
Có một câu nói rất hay: "Trẻ con không cần bạn làm bạn với chúng, mà cần bạn làm người lớn". Trẻ cần được dẫn dắt, được định hướng về đúng sai, được học cách từ bỏ để trưởng thành.
Vậy làm thế nào để dạy con không ham lợi nhỏ?
Thứ nhất, dạy con biết chia sẻ ngay từ khi còn rất nhỏ. Khi có một món ăn ngon, cha mẹ hãy chia sẻ cùng con, và để con học cách mời người khác. Khi chơi đồ chơi, hãy dạy con biết nhường bạn, chờ đến lượt. Đừng chỉ nói suông, hãy làm mẫu. Trẻ học bằng mắt nhiều hơn bằng tai. Nếu thấy cha mẹ luôn nhường nhịn nhau, biết cảm ơn khi được giúp đỡ, con sẽ tự hình thành thái độ đó.
Thứ hai, đừng khen ngợi khi con có được phần hơn một cách ích kỷ. Có nhiều cha mẹ vì thương con mà vô tình tạo ra động lực sai lệch. Ví dụ, khi con giành được đồ chơi của bạn, lại tấm tắc khen "con giỏi thế!", "mạnh mẽ đấy!", những lời khen sai thời điểm sẽ khiến trẻ nghĩ rằng "giành được là tốt", bất chấp đúng sai. Hãy dạy con rằng, người có bản lĩnh không phải là người giành được tất cả, mà là người biết từ bỏ đúng lúc.
Thứ ba, khuyến khích con quan tâm đến cảm xúc của người khác. Sau mỗi hành động tranh giành, hãy hỏi con: "Khi con lấy phần đó, bạn cảm thấy thế nào?" giúp con đặt mình vào vị trí của người khác. Đồng thời, khen ngợi khi con có hành vi nhường nhịn: "Con chia đồ chơi cho bạn, mẹ thấy con thật rộng lượng", "con đợi đến lượt mình, mẹ thấy con rất trưởng thành".
Thứ tư, dạy con phân biệt giữa nhu cầu thật sự và lòng tham. Có những món đồ con thích vì thực sự cần, có những món chỉ muốn vì người khác có. Hãy hỏi con: "Con có thật sự cần không?", "nếu không có thì điều gì sẽ xảy ra?". Việc giúp con hiểu rõ động cơ sẽ giúp con học cách kiểm soát ham muốn nhất thời.
Cha mẹ cũng cần cẩn trọng trong chính hành vi của mình. Khi đi siêu thị, nếu chen lấn, bon chen mua hàng khuyến mãi; khi lái xe, nếu tranh đường, vượt đèn đỏ chỉ để đi nhanh hơn, tất cả đều là những bài học vô hình trẻ ghi nhận mỗi ngày. Đừng quên, cha mẹ chính là tấm gương đầu tiên và mạnh mẽ nhất của con.
Dạy con không ham lợi nhỏ là đang gieo mầm cho một nhân cách lớn. Một đứa trẻ biết nhường nhịn, biết nghĩ cho người khác, sẽ là một người lớn có trách nhiệm, có đạo đức. Không cần phải quá thành đạt, chỉ cần con biết sống tử tế, biết yêu thương, biết hiếu thuận – ấy đã là món quà lớn nhất cho cha mẹ rồi.
Giáo dục không phải là việc của một ngày. Nhưng mỗi ngày, mỗi việc nhỏ đều là cơ hội để nuôi dưỡng một tâm hồn. Hãy bắt đầu từ hôm nay, dạy con biết lùi một bước để mai này, con có thể tiến xa hơn người.