Con học mẫu giáo về liên tục hát, mẹ tưởng thông minh nhưng nghe rõ lời thì mới tá hỏa, vội gọi cô giáo để chất vấn ngay
Sau khi ngẫm ra lời bài hát của con, người mẹ được phen tá hoả.
Khi đi học mẫu giáo, trẻ bắt đầu được dạy nhều bài học để trau dồi các năng khiếu như ca hát, nhảy múa. Lúc này, cha mẹ dễ bắt gặp con mình hay ngân nga theo một điệu nhạc, bài hát quen thuộc hay làm các động tác nhảy nhót được cô giáo chỉ trên lớp. Điều này sẽ làm nhiều bậc phụ huynh thích thú và hy vọng con có thể phát triển các năng khiếu này trong tương lai.
Đồng Đồng vừa được mẹ đăng ký cho đi học mẫu giáo cách đây không lâu. Em tỏ ra bắt nhịp với môi trường mới khá nhanh, dễ dàng làm quen với cô giáo và bạn bè khiến bố mẹ cực kỳ yên tâm. Ngoài ra, đứa trẻ này còn rất hoạt bát, thông minh và tiếp thu các bài học được dạy một cách nhanh chóng, nhất là khi được cô dạy cho các bài hát, bài thơ hay điệu múa.
Nhà trẻ ở Trung Quốc vốn rất thịnh hành bài đồng dao "Em đi mẫu giáo" với nội dung liên quan tới việc trẻ con đi học mẫu giáo không khóc và quậy phá để bố mẹ yên tâm đi làm. Với ý nghĩa đáng yêu và mang tính giáo dục cao nên không ít trường học đưa bài đồng dao vào giảng dạy. Đồng Đồng cũng nhanh chóng học thuộc bài hát và luôn ngân nga theo.
Về đến nhà, em vẫn thường xuyên hát đi hát lại bài đồng dao này cho bố mẹ nghe. Họ vẫn không để ý lắm đến những gì con hát mà chỉ cảm thấy rất vui vì con bắt nhịp bài học nhanh lại thích hát hò.
Nhưng sau đó, khi lắng nghe cẩn thận hơn những gì con hát, người mẹ không khỏi giật mình. Theo đó, lời bài đồng dao gốc ban đầu không biết vì lý do gì đã chuyển thành: "Ba mẹ không đi làm, con không đi nhà trẻ, chơi điện thoại di động, xem TV, thật là một cuộc sống tuyệt vời!".
Đồng Đồng vẫn ngân nga bài hát này một cách thích thú mỗi ngày nhưng đến nay bố mẹ mới phát hiện ra chi tiết sai sai này. Em cho biết, bài hát do các bạn trong lớp truyền tai nhau rồi em cũng học thuộc theo các bạn. Mẹ của cậu bé tỏ ra vô cùng tức giận khi biết điều đó, chị cho rằng lời bài hát mất đi tính giáo dục đúng đắn và rất nguy hiểm để một đứa trẻ hát theo.
Mẹ của Đồng Đồng ngay lập tức gọi điện cho cô giáo để đề cập vấn đề này và mong cô giáo phải để ý những gì các con hát trên lớp mà có cách điều chỉnh cho phù hợp. Chị cũng cố gắng dạy con chỉnh sửa lời bài đồng dao trở về bản gốc với ý nghĩa hay ho của nó.
Giai đoạn đi học mẫu giáo là giai đoạn trẻ nhanh chóng được hoàn thiện khả năng ngôn ngữ. Lúc này, khả năng bắt chước rất nhạy bén, các em có thể học theo được bất cứ thứ gì diễn ra trước mắt nhưng không thể phân biệt được điều đó tốt hay xấu, có phù hợp với lứa tuổi hay không. Vì vậy, khi nhận thấy trẻ tiếp thu kiến thức chưa tốt hoặc hình thành thói quen xấu, chúng ta phải kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn trẻ sửa chữa.
Theo Sohu