Cơn giông không báo trước...
Làm sao tôi có thể bình tĩnh nhìn hắn ôm ghì vợ tôi ngay trước cửa quán cà phê khi em vừa bước vào? Làm sao tôi có thể không nổi điên khi vợ tôi cười nói với hắn...
Thằng Tuấn nghệch mặt ra nhìn chúng tôi. Bởi vì nó chưa bao giờ thấy ba mẹ to tiếng, giận dữ với nhau như thế. Có lẽ điều nó ngạc nhiên nhất là những điều vừa nghe thấy từ tôi - cái người mà bao nhiêu năm nay nó gọi bằng “ba”.
Trong cơn giận dữ, tôi đã gọi Ngọc Lan, vợ mình bằng tên của những giống loài xấu xa, đê tiện. Tôi đã sử dụng tất cả những ngôn từ hèn hạ nhất mà tôi có thể biết được để dành cho em. Lúc đầu vợ tôi còn trả lời; nhưng sau đó, em không nói gì, chỉ ôm mặt khóc. “Chúng mày cút đi!”. Thằng Tuấn giật thót người khi nghe tôi gầm lên. Nó nhào tới ôm chặt lấy mẹ: “Sao ba đuổi mình hả mẹ?”...
Tại sao tôi đuổi hai mẹ con em? Điều đó thì chỉ có tôi biết, em biết...
Sau cơn cuồng nộ của tôi, tối đó, hai mẹ con không dám lên nhà trên mà ngủ dưới bếp. Đến khuya, tôi rón rén đi tìm. Trong bóng tối lờ mờ len qua mấy cái khuôn bông của nhà vệ sinh, tôi thấy cái bàn ăn hằng ngày được kéo qua một bên. Vợ tôi trải chiếu dưới sàn nhà. Thằng Tuấn lăn qua, trở lại không chịu ngủ. Tôi biết sàn nhà quá cứng khiến nó không ngủ được...
Ngọc Lan ngồi quạt cho con. Em quay lưng lại nên tôi không nhìn thấy nét mặt em lúc đó. Thằng Tuấn rủ rỉ: “Sao bữa nay ba hung dữ quá vậy mẹ? Sao ba không muốn cho mình ở với ba nữa? Rồi mình đi đâu hả mẹ? Không ở đây nữa, làm sao con đi học được?”.
Những câu hỏi liên tục của con khiến tôi nhói lòng. Vợ tôi cúi xuống gần con, em nói khẽ khàng nhưng những âm thanh ấy vẫn lọt vào tai tôi: “Ba giận thì nói vậy thôi chớ ba thương con lắm”. Thằng bé lại hỏi: “Nhưng tại sao ba lại giận mình? Con với mẹ đâu có làm gì cho ba giận đâu? Ba nói ai ăn ốc, ai đổ vỏ? Con đâu có thấy ai ăn đâu? Sao ba lại gọi con là con tu hú hả mẹ? Thường ngày ba vẫn gọi con là con trai của ba mà...”. Tôi nghe giọng vợ tôi khàn khàn: “Ừ, con không có làm gì cho ba giận hết. Thôi, con ngủ đi, để mẹ làm việc”.
Mãi một lúc sau, thằng Tuấn mới ngủ. Nghe tiếng con thở đều, vợ tôi đứng lên. Tôi giật mình bước lùi lại rồi đi nhanh về phòng mình. Sau đó, tôi thấy đèn phòng khách bật lên nhưng không biết vợ tôi làm gì ở đó.
Sáng hôm sau khi tôi thức dậy thì đã không thấy mẹ con Ngọc Lan ở nhà. Tôi chạy tìm khắp các phòng, lục lọi trong phòng tắm, nhà vệ sinh. Rồi tôi chạy vào phòng riêng của vợ. Cửa không khóa. Tôi xô cửa bước vào. Mọi thứ vẫn y nguyên. Tôi chạy xuống phòng khách. Vẫn chỉ là một không gian vắng lặng.
Ngày hôm đó đối với tôi thật dài. Buổi trưa tôi lại lấy điện thoại ra. Cái số mà tôi định gọi được cài đặt là “vợ yêu”. Nhưng rồi tôi lại không dám gọi. Tôi thấy hổ thẹn khi nhớ lại những lời lẽ thô tục mà mình đã nói với vợ trước mặt con.
Cả ngày hôm đó tôi chờ đợi... Tôi mong em sẽ gọi trước cho tôi, dù chỉ là để trách móc. Nhưng tuyệt nhiên không có. Buổi chiều, tôi thất thểu ra về. Chờ đón tôi ở nhà không có vợ con mà chỉ có tờ đơn ly hôn và một lá thư. “Em đã suy nghĩ rất nhiều. Chúng mình chia tay thôi anh ạ. Tình yêu của anh vẫn chưa đủ bao dung để xóa hết mặc cảm trong lòng em. Cảm ơn anh những năm tháng qua đã cưu mang, chở che cho em, cho con. Không có em và con, anh nhớ giữ gìn sức khỏe...”.
Tôi chỉ đọc được bấy nhiêu rồi gục xuống như một tên quân bại trận. Vợ tôi nói đúng. Tình yêu của tôi chưa đủ bao dung để xóa hết mặc cảm trong lòng em. Chính vì vậy, khi nó bộc phát thành những lời phỉ báng, nhục mạ thì trái tim nhạy cảm của em không thể nào chịu đựng được...
Gần 10 năm trước, có một gã đàn ông đã thề non, hẹn biển với vợ tôi. Thế nhưng, sau đó, hắn đã lẳng lặng theo gia đình đi định cư ở nước ngoài, bỏ em ở lại cùng cái bào thai vô thừa nhận. Hắn không biết. Nhưng tôi biết. Và tôi đã tỏ ra mã thượng khi nhận lãnh trách nhiệm về mình. Vì tôi cũng yêu em. Việc em bị gã kia phụ tình hóa ra lại cho tôi cơ hội mà trước đây đã bị tước mất. Tôi thề sẽ yêu thương mẹ con em với tất cả tấm lòng...
Gần 10 năm qua, tôi đã làm được điều đó. Sống với em, tôi cảm thấy hạnh phúc dù tôi không thể cho em những đứa con bởi di chứng của căn bệnh quai bị quái ác. Có hề gì. Thằng Tuấn đã là con tôi từ khi nó còn trong bụng mẹ. Và em, với lòng biết ơn chân thành và sự quý trọng dành cho người đã cưu mang mình, em đã tận tụy làm tròn bổn phận một người vợ. Tôi không hề lăn tăn bởi ý nghĩ mình là chú quạ đen đủi đang nuôi con của một gã tu hú phụ tình...
Thế nhưng, thật trớ trêu là giờ đây, khi ký ức đau buồn tưởng đã ngủ yên thì hắn lù lù vác xác về trong một bộ dạng sang trọng, giàu có. Hắn dò tìm được vợ tôi và hai người lại hẹn hò với nhau. Nếu như hôm đó tôi không có cuộc gặp với khách hàng ở quán cà phê cạnh Nhà hát Thành phố thì tôi đã trở thành một gã khờ trong mắt vợ tôi. Làm sao tôi có thể bình tĩnh nhìn hắn ôm ghì vợ tôi ngay trước cửa quán cà phê khi em vừa bước vào? Làm sao tôi có thể không nổi điên khi vợ tôi cười nói với hắn y như thể em chưa bao giờ oán hận vì bị hắn bỏ rơi...
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã khiến cái mặc cảm của kẻ đến sau trong tôi bùng dậy. Như một cơn giông không báo trước, tôi xông tới túm áo kẻ đã ăn ốc nhưng bắt tôi đổ vỏ...
Chưa đã, tôi tiếp tục trút tất cả sự giận dữ lên vợ con mình. “Tụi em chỉ xem nhau như bạn bè. Anh ấy biết em đã có gia đình...”- em phân bua. Tôi giận dữ cắt ngang: “Biết có gia đình mà sao còn lén lén, lút lút hẹn hò? Nếu tôi không vô tình biết được thì các người còn làm trò gì nữa? Thật bỉ ổi!”. “Anh ấy hỏi thăm tình hình vì muốn về TPHCM làm ăn. Em không lén lút nhưng em biết anh không ưa anh ấy nên không mời về nhà mình...”.
Đó là lỗi lầm duy nhất của vợ tôi. Dù em phân trần như vậy nhưng tôi vẫn khăng khăng rằng mình lại bị lừa dối. Đúng hơn, chính sự sợ hãi đã khiến tôi không còn sáng suốt. Tôi sợ khi hắn trở về thì tôi phải ra đi...
Hôm sau rồi hôm sau nữa, không thấy em về, tôi bồn chồn, lo lắng. Tôi gọi điện thoại thì lần nào cũng nghe cái câu đáng nguyền rủa “tạm thời không liên lạc được”. Tôi đến cơ quan, người ta nói em xin nghỉ phép. Tôi ghé trường thằng Tuấn thì cô giáo nói mẹ nó đã rút hồ sơ để chuyển trường. Tôi lại gọi về quê. Hai mẹ con em không về dưới đó.
Tôi nhớ em, nhớ thằng Tuấn quay quắt. Đến lúc này đây, tôi mới biết, thằng Tuấn quan trọng đối với tôi như thế nào. Bao nhiêu năm gần gũi, săn sóc, chăm bẳm nó, tôi đã thật sự cho nó tình thương của một người cha. Tôi không thể nào chịu nổi ý nghĩ, từ nay tôi sẽ chỉ còn lại một mình; từ nay tôi không còn vợ, còn con...
Cuối cùng thì tôi cũng tìm được hai mẹ con sau hơn 10 ngày lùng sục. Vợ tôi thuê căn phòng nhỏ trong một xóm lao động nghèo ở quận Bình Thạnh. Thằng Tuấn vừa trông thấy tôi đã nhào tới: “Ba! Ba tới rước mình nè mẹ ơi...”. Em không nói gì, chỉ đứng nhìn tôi. Rồi em khóc. Tôi cũng khóc. Thằng Tuấn mếu máo theo: “Mẹ, mình về nhà đi mẹ. Con nhớ ba...”.
Vợ tôi lau nước mắt, lắc đầu: “Mình chưa về được đâu con. Ba mẹ còn một số việc phải giải quyết”.
Em vẫn sắt đá mặc tôi hết nài nỉ rồi đe dọa sẽ “nhậu đến chết”... Tôi hiểu những xúc phạm quá lớn của tôi đã gây ra một vết thương sâu hoắm trong lòng em. Phải có thời gian cho nó lành miệng... Điều an ủi lớn nhất đối với tôi là điện thoại của em lại đổ chuông và có người nghe máy khi tôi gọi đến...
Giờ đây, mỗi sáng chiều tôi vẫn vào ra thui thủi một mình. Mỗi tối lên giường, cái khoảng vắng mênh mông bên cạnh khiến tôi lạnh lẽo, cô đơn đến chảy nước mắt. Tôi để lá đơn ly hôn của em và bức thư ở đó như một lời sám hối...
Hi vọng đến một lúc nào đó, vợ tôi sẽ hiểu và tha thứ cho tôi...