Con gái mới 9 tuổi đã bị cận 10 độ, bố mẹ ngỡ ngàng khi biết lý do được di truyền từ mình
Lần đầu tiên khám mắt, Hải Anh (9 tuổi) và Hiền Anh (7 tuổi) được chẩn đoán cận thị lần lượt -10 diop và -7 diop. Nguyên nhân là do hai em bị cận thị bẩm sinh di truyền từ bố mẹ.
Con gái mới 9 tuổi đã bị cận 10 độ
Tranh thủ đưa vợ đi phẫu thuật cận thị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, vợ chồng anh Hùng (Thái Nguyên) cũng muốn kiểm tra mắt cho hai cô con gái. Anh Hùng cho biết: “Từ bé, Hải Anh và Hiền Anh chưa bao giờ kiểm tra thị lực. Nay trong lúc chờ vợ làm thủ tục phẫu thuật nên vợ chồng tôi muốn kiểm tra mắt hai cháu có tốt không”.
Kết quả đo khúc xạ khiến anh Hùng vô cùng bất ngờ. Hải Anh (9 tuổi) bị cận thị cả hai mắt đến -10 diop, còn Hiền Anh (7 tuổi) cũng bị cận đến -7 diop. Anh Hùng chia sẻ: “Hai cháu hiện đang học lớp 1 và lớp 3 nhưng chưa bao giờ thấy kêu ca về mắt. Hai vợ chồng tôi đều bị cận nhưng tôi cận rất nhẹ, chỉ -1,5 diop còn vợ tôi cận -4 diop, không ngờ 2 con lại cận nặng như vậy".
Chị Thuỳ Dung (30 tuổi, Hà Nội) cũng gặp trường hợp giống với gia đình anh Hùng. Có cô con gái 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 nên chị Dung cũng đưa con đi kiểm tra thị lực trước thềm năm học mới. Kết quả, con gái chị bị cận thị bẩm sinh, độ cận hiện tại là -5 diop. Bản thân chị Dung cũng bị cận -3 diop, chồng không bị cận.
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cho biết: Cả 3 bệnh nhi trên đều bị cận thị bẩm sinh. Đây là nguyên nhân dẫn đến độ khúc xạ ở mắt trẻ khá cao dù mới đo lần đầu.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em mắc các tật khúc xạ ở mắt ngày càng tăng, một trong những nguyên nhân chính được xét đến là yếu tố di truyền. Trong gia đình đã có tiền sử người mắc tật khúc xạ, đục thuỷ tinh thể, lác hay các bệnh lý khác ở mắt thì nguy cơ cao dẫn đến thế hệ con, cháu cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, riêng đối với tật khúc xạ, rất ít bệnh nhân nhận thấy được mức độ nguy hiểm của yếu tố di truyền, chủ quan cho rằng đó là do tác động của ngoại cảnh như xem nhiều ti vi, điện thoại,… nên không đưa trẻ đi khám mắt định kỳ. Từ đó, dẫn đến việc khi phát hiện ra thì bệnh đã trở nặng, tật khúc xạ với chỉ số cao.
Bố mẹ cận thị khiến con có nguy cơ gấp 6 lần
Theo Ths.Bs Hoàng Thanh Nga, cận thị bẩm sinh gây ra bởi yếu tố gen di truyền từ bố hoặc mẹ, khiến thị lực của trẻ từ lúc mới sinh hoặc khi tuổi còn nhỏ rất kém. Cận thị bẩm sinh có đặc điểm là độ cận khá cao, nhiều trường hợp có thể bị cận trên -10 diop, tăng độ nhanh. Thậm chí, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ngay từ khi trẻ còn nhỏ, đặc biệt đối với gia đình đã có tiền sử bệnh lý ở mắt. Cận thị nếu được phát hiện sớm, có hướng điều chỉnh phù hợp sẽ kiểm soát được tốc độ tăng của cận thị và hạn chế các biến chứng nguy hiểm sau này.
Cha mẹ có thể quan sát kỹ dấu hiệu thường dưới đây để nhận biết sớm tình trạng cận thị bẩm sinh.
- Trẻ thường xuyên dụi mắt.
- Nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn.
- Trẻ nhạy cảm với ánh sáng.
- Trẻ xem sách, học bài luôn cúi sát vào sách vở, xem tivi ở khoảng cách gần.