Con gái 11 tuổi đang làm móng, mẹ nghe tiếng hét đau đớn chạy vào thì thấy con bị bỏng và vội vàng đưa đi cấp cứu

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Vết thương nghiêm trọng trên chân của Millie do các hóa chất trong loại keo dán móng giả mà cô bé dùng.

Millie Jones đang lúi húi làm móng trong phòng mình. Bỗng mẹ bé, Beth Jone, nghe thấy tiếng hét đau đớn của con gái. Cô vội chạy vào và phát hiện vết bỏng nặng trên chân Millie.

Sự cố xảy ra vào dịp nghỉ lễ Phục sinh vừa qua ở Camarthen, miền Nam xứ Wales. Vết thương nghiêm trọng trên chân của Millie do các hóa chất trong loại keo dán móng giả mà cô bé dùng. Chúng đã "ăn" thủng lớp quần bò cotton sau khi Millie lỡ tay làm đổ lên chân. Hậu quả là một mảng da bị bỏng, tấy đỏ lên với phần giữa nhìn rất "kinh dị".

Sau khi ngâm chân Millie vào nước lạnh, mẹ cô bé mới đủ thời gian xem xét mức độ nghiêm trọng của vết thương. Một mảng lớn màu trắng xuất hiện trên cẳng chân trái của Millie. 

Mẹ Millie dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh vết thương ở chân con gái rồi nhanh chóng đưa cô bé tới Bệnh viện Morriston. Được chỉ dẫn thẳng tới khoa bỏng, tại đây, Millie nhanh chóng được rửa vết thương và băng bó. Sau đó, bác sĩ xác nhận, cô bé bị bỏng độ 3.

Millie được mẹ đưa tới phòng cấp cứu ngay lập tức. Các bác sĩ giải thích rằng, mặc dù thường vô hại, một số loại keo dính tác dụng nhanh, được biết đến với tên gọi cyanoarcrylate, bao gồm cả keo dán móng, có thể tạo nên phản ứng mạnh nếu tiếp xúc với cotton.

Qua thăm khám, bác sĩ kết luận Millie bị bỏng cấp độ 3 và cô bé có thể cần phải thực hiện một ca ghép da.

Mẹ cô bé kể lại: "Thực sự rất khủng khiếp. Da Mille lúc đó cháy xèo xèo theo đúng nghĩa đen luôn. Con bình thường vốn là một cô bé rất mạnh mẽ. Vậy nên, nghe tiếng con khóc và kêu thét lên như vậy, tôi hiểu tình hình rất tệ.

Tôi chẳng biết gì về phản ứng hóa học đó. Và giờ, tôi không muốn chuyện tương tự xảy ra với bất cứ ai. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh lớn.

Tại bệnh viện, bác sĩ nói với chúng tôi rằng, khi một hóa chất trong keo dán móng tiếp xúc với cotton, nó sẽ gây ra phản ứng toả nhiệt. Bác sĩ giải thích, phản ứng tỏa nhiệt tương tự như thể con bị axit đổ vào da".

Thổ lộ thêm về cô con gái 11 tuổi, mẹ Millie cho biết: "Millie thực sự rất thích làm đẹp. Con cũng giỏi việc đó nữa. Con đã từng vài lần trang điểm cho tôi. Millie luôn xem các video hướng dẫn trên YouTube. Chúng tôi lại có một người họ hàng có bằng chuyên viên làm đẹp nữa. Thành ra, Millie hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn với các loại mỹ phẩm. Hôm xảy ra sự cố là vào kỳ nghỉ. Trước đây, có phải con cũng đã từng làm nên tôi cũng không bận tâm nhiều việc con tự làm móng.

Hóa ra, sau khi bày hết đồ làm móng lên bàn, con với tay lấy thứ gì đó và vô tình làm đổ lọ keo vào chân. Thời điểm ấy, chúng tôi không biết gì cả nhưng chắc chắn keo dán đã phản ứng với chất liệu cotton của chiếc quần jeans con mặc và bắt đầu nóng lên rồi làm bỏng da.

Theo một số nghiên cứu trong Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, cotton, cùng với một số loại vải nhất định khác, hoạt động như một chất xúc tác khi tiếp xúc với keo chứa cyanoacrylate. Kết quả là phản ứng tỏa nhiệt - khi năng lượng được giải phóng dưới dạng tia lửa hay nhiệt.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, một giọt cyanoacrylate to sẽ làm bỏng da hoặc gây kích ứng. Có thể gây ra phản ứng dị ứng nhưng thực tế, do loại keo này đặc lại rất nhanh trên bề mặt da, phản ứng dị ứng cũng là hiếm gặp.

Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng cũng có thể dẫn tới tình trạng tổn thương dây thần kinh. Điều này đồng nghĩa với việc, nạn nhân, như cô bé Millie, lúc đầu, không hề cảm thấy đau.

Con gái 11 tuổi đang làm móng, mẹ nghe tiếng hét đau đớn chạy vào thì thấy con bị bỏng và vội vàng đưa đi cấp cứu - Ảnh 3.

Hàng ngày, vết bỏng của Millie vẫn được tẩy trùng và thay băng. Vấn đề hiện giờ là liệu cô bé có phải trải qua ghép da hay không.

Chia sẻ câu chuyện của con gái lên Facebook, mẹ Millie mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về mối nguy hiểm từ keo dán móng. Bà mẹ 34 tuổi tâm sự: "Tôi đã nhận được cả những bình luận tiêu cực. Họ nói tôi lẽ ra không nên cho con tự làm móng như vậy. Nhưng phần lớn bình luận đều bày tỏ thái độ tích cực. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn kể rằng, họ cũng gặp chuyện tương tự. Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của con, tôi chỉ đơn giản là bỏ qua và quy cho lỗi của mình đã quá vụng về. Nhưng Millie chỉ là một đứa trẻ. Và tôi thực lòng không muốn bất cứ ai bị thương như thế nữa".

Keo dán móng có thể gây bỏng như thế nào?

Loại keo là chất kết dính cyanoacrylate – ví dụ, keo dán móng – có thể gây kích ứng da, kích ứng mắt nghiêm trọng, phản ứng dị ứng trên da và phản ứng hô hấp.

Nó có thể kính vào da trong vài giây. Nhưng không nên dứt ra nếu keo dính vào môi hoặc làm cho các phần da khác dính vào nhau.

Cyanoacrylate tỏa nhiệt tại vị trí đông đặc. Do quá trình đông đặc rất nhanh trên bề mặt da, phản ứng dị ứng là hiếm gặp. Nhưng trong một số ít trường hợp, một giọt to có thể làm bỏng da.

Nếu keo siêu dính rớt trên da ở phần không nguy hiểm trên cơ thể, cách xử trí có thể là để nguyên tình trạng như vậy và nó sẽ bong ra trong vong 1-2 ngày mà không gây hậu quả gì. Ngâm hay thấm bằng nước chứa xà bông ấm là cách tốt nhất để làm mềm keo.

Theo một nghiên cứu do Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ đăng tải, nếu cyanoacrylate – bao gồm keo dán móng - tiếp xúc với các loại vải như cotton, nó sẽ hoạt động như một chất xúc tác và gây ra phản ứng tỏa nhiệt mạnh. Năng lượng được giải phóng dưới dạng tia lửa hay nhiệt. Hậu quả là nhiệt cao, gây bỏng hoặc cháy vải.

Nguồn: National Centre for Biotechnology Education, University of Reading

 

Chia sẻ