"Con dâu toàn đổ tiếng oan"
"Con dâu được mẹ chồng chỉ bảo cách ăn, ở, cư xử nhưng rồi quay ngoắt lại bảo mẹ chồng tác oai tác quái. Tôi thật đau lòng!".
Đó là những lời "gan ruột" của một người phụ nữ khi đã trải qua vài năm ở chức mẹ chồng. Bà đã chia sẻ một cách thẳng thắn và khách quan xung quanh chuyện mẹ chồng nàng dâu - mối quan hệ xưa nay vốn được coi là khá nhạy cảm.
Nhà thêm con, thêm cháu ai chẳng vui. Từ ngày có con, nuôi con lớn, rồi nó lấy vợ, lại có con… tôi cảm thấy như lại được sống lại một lần nữa cảm giác làm mẹ.
Cháu hiểu đó là cảm giác máu thịt giữa những người thân. Cháu nói hơi tế nhị, cảm giác đó chắc hạnh phúc hơn nhiều khi đón một cô con dâu về chứ ạ?
À, cô đang “gài bẫy” tôi vào câu chuyện của mình. Cô định cho tôi vào cái vòng xoáy mẹ chồng nói xấu nàng dâu sao? Tôi không nói con dâu sau lưng, có gì tôi nói thẳng với nó rồi.
Ý cháu không phải như vậy. Thật lòng, cháu cũng đã từng làm dâu. Cháu chỉ muốn biết những suy nghĩ của một người từng làm mẹ chồng về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thôi ạ!
Nếu cô đã là con dâu, tôi sẽ nói chuyện với cô như một người mẹ chồng nói chuyện với con dâu. Đây là sự chia sẻ cuộc sống, có cả sự dạy bảo. Mà dạy bảo giữa mẹ chồng và nàng dâu bao giờ cũng khô cứng, con dâu sẽ không thích. Con dâu quen được mẹ đẻ chiều chuộng và bỏ qua mọi lỗi trong cuộc sống mà.
Cháu đang rất hứng thú nghe bác nói.
Tôi cần khẳng định rằng: Giữa mẹ chồng và nàng dâu không thể như mẹ đẻ và con gái được. Tôi có nghiêm khắc đến mấy với con gái thì nó cũng không sợ. Người ta nói khác máu tanh lòng, hơi nhẫn tâm nhưng tôi cho rằng nên nhìn thẳng vào thực tế.
Con gái có mối quan hệ máu thịt với mẹ, nhưng con dâu lại bắt đầu mối quan hệ với mẹ chồng bằng quan hệ xã hội. Cả mẹ chồng, nàng dâu đến với nhau qua một người trung gian. Chúng ta chấp nhận nhau trước, sống với nhau sau.
Ở mỗi gia đình, nếp ăn, nếp ở, việc dạy dỗ con cái… đều có sự khác biệt. Mẫu số chung là đạo đức không nói, nhưng cách sinh hoạt là khác nhau.
Thường, trong đám cưới truyền thống, khi đưa dâu, bên nhà gái luôn nói với gia đình nhà trai: Cháu nó dại nhiều thì gia đình dạy nhiều, cháu nó dại ít thì gia đình dạy ít, mong gia đình dạy bảo cháu thêm. Nghĩa là không bố mẹ nào “quẳng” con về nhà khác lại tự tin nói rằng con tôi hoàn hảo và có không cần học hỏi gì ở nhà chồng.
Việc dạy bảo, chia sẻ kinh nghiệm sống từ mẹ chồng sang nàng dâu là một chuyện rất bình thường, hợp với quy luật tự nhiên. Cô con dâu nào lấy chồng mà mẹ chồng không nói gì, thích làm gì, thích sống thế nào cũng được là cô con dâu đó thiệt thòi.
Việc dạy bảo, chia sẻ kinh nghiệm sống từ mẹ chồng sang nàng dâu là một chuyện rất bình thường, hợp với quy luật tự nhiên (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, nhiều cô con dâu lại thích bố mẹ chồng không “động chạm” gì tới mình. Bác nghĩ sao về điều này?
Người ta nói: Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già. Điều đó không đánh giá thấp năng lực, sự thông minh của người trẻ. Nhưng kinh nghiệm sống thì những người trẻ không thể có, bao giờ cũng thế, không ai cãi được điều này.
Mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tôi khác con dâu tôi ở chỗ: Tôi làm dâu được mấy chục năm, trong khi con dâu tôi mới làm dâu được một vài năm. Sự dạy bảo giữa mẹ chồng đối với nàng dâu chỉ đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm sống ở nhà chồng.
Cái cách các bà mẹ chồng hay nói với con dâu là con phải sửa cái này, con nên làm thế kia... Và khi nói, hầu hết các nàng dâu sẽ làm, không ỉ lại như ở nhà đẻ được. Tôi chắc chắn là cô con dâu nào bị nhắc nhở cũng khó chịu thôi. Có người cầu tiến thì khó chịu ít, người bảo thủ thì khó chịu nhiều.
Các cô con dâu không thể đòi hỏi mẹ chồng đối xử như mẹ đẻ, vì tình cảm phải đến từ từ, mấy chục năm mới xây dựng được. Tôi biết con dâu nhiều khi chống đối mình, nhưng tôi hiểu thời gian như nước chảy đá mòn.
Tâm lý không thích “động chạm” của con dâu chỉ là tâm lý của người trẻ, khi cái tôi cá nhân còn quá cao. Cũng có bà mẹ chồng không kiên nhẫn được với con dâu, vì như nói ngay từ đầu rõ ràng có sự khác máu tanh lòng. Chính vì vậy nên có sự kỳ thị.
Nếu cô con dâu yêu chồng, là con trai tôi, mong muốn một cuộc sống hạnh phúc thật thì cô ấy dần đủ chân thành hiểu mẹ chồng và đủ sức hạ cái tôi xuống để hòa nhập cuộc sống nhà chồng.
Vậy theo bác, việc xích mích mẹ chồng, nàng dâu là lỗi ở đâu?
Nó là chuyện tự nhiên chứ không phải lỗi tại ai. Tôi nhìn nhận ở góc độ hiểu và không hiểu. Càng nhiều chuyện không hiểu, càng nảy sinh mâu thuẫn.
Không có mẹ chồng xấu, cũng không có nàng dâu không tốt. Chỉ có cách xử lý ứng xử chưa tốt nên mọi người không hiểu nhau. Mẹ chồng thì có kinh nghiệm, nàng dâu thì có lý.
Nhiều lúc nhìn vào những mối quan hệ sứt mẻ giữa mẹ chồng, nàng dâu, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: Giá mà mẹ chồng nàng dâu dung hòa được kinh nghiệm và lý với nhau sẽ được kết quả là cái tình. Tình mẹ chồng, nàng dâu rất quý cô ạ!
Cháu cũng thích những gì bác nói. Cháu nghĩ đó phải là cả một quá trình dài. Bản thân cháu, thú thật nhiều khi bị mẹ chồng nhắc nhở, cháu cũng ngại lắm. Giờ bác nói cháu mới vỡ lẽ. Bác có thể có lời khuyên nào cho các cô con dâu trẻ không?
Tôi chỉ muốn nói với các cô con dâu là: Phụ nữ hầu như ai cũng trải qua thời kỳ làm dâu. Nền tảng gia đình là quan trọng. Cha mẹ nào cũng yêu quý và muốn dạy bảo con cái, bất kể trai, gái, dâu, rể. Các con có thể coi trọng ý kiến bố mẹ, có thể không nhưng hãy bình tĩnh lắng nghe. Có mẹ chồng tác oai tác quái, nhưng tôi nghĩ đó là cá biệt.
Các nàng dâu đừng nghĩ mẹ chồng ghét bỏ mình, soi mói mình. Đó là đổ oan ngược cho những người mang phận mẹ chồng như chúng tôi đấy. Nền tảng gia đình quý nhất là tình cảm. Trong ấm, ngoài mới êm, làm dâu nên nghĩ đến điều đó. Còn mọi chuyện khó khăn trong gia đình, nếu có thành ý thì tất cả sẽ được giải quyết êm đẹp thôi!
Cháu cảm ơn bác! Chúc bác luôn mạnh khỏe để chăm sóc, dạy bảo con cái thật tốt ạ!
Nếu như nhiều nàng dâu coi chuyện mẹ chồng già nua tuổi tác bỗng đòi "đi bước nữa" là điều đáng xấu hổ thì với một số nàng dâu khác, đó lại là cơ hội trời cho