Con dâu khiến bố chồng bạt vía
Có những ông bố chồng với vợ con thì hoặc quát lác oai phong, hoặc phiền hà nhũng nhiễu, nhưng với con dâu thì sợ một phép.
“Nếu con Vân bảo thế thì… OK!”
Chị Vân 38 tuổi, gầy gò, nhỏ nhắn, ăn nói ngọt ngào, đảm đang khéo léo. Nhìn Vân, ít ai nghĩ chị là “con ngáo ộp” đối với ông Vinh, ông bố chồng tuy đã 65 nhưng vẫn trẻ trung, phong độ. Nếu cả nhà thuyết phục ông chuyện gì đó không được, ông cứ kiên quyết bắt phải theo ý mình, chỉ cần nhắc đến chị Vân, dù vẻ ngoài vẫn tỏ ra đàng hoàng nhưng trong bụng ông đã run lắm. Ông sẽ bảo vợ con rằng thôi tôi ghi nhận ý kiến của bà và các con, để tôi suy nghĩ thêm. Và kết quả của sự suy nghĩ thêm dĩ nhiên là đồng ý.
Như lần cách đây một tháng, ông Vinh bàn với vợ con và em út chuyện bốc mộ cho bố ông. Mọi người đều nói cứ để cụ ở Hà Nội, vì con cháu đều sống ở đây cả, chứ đưa về quê ở tận Long An thì may lắm mỗi năm mới vào thắp hương được một lần.
Ông Vinh giận dữ: “Chúng mày toàn đồ vừa vô trách nhiệm vừa thiếu hiểu biết? Sinh thời cụ vẫn nói cụ sống xa cha mẹ, tổ tiên, chỉ ước chết được về bên cạnh. Vả lại phong tục của người Việt mình là cải táng rồi phải quy về với tổ tiên ở quê nhà, chứ nắm xương tàn mà phải gửi nơi đất khách quê người thì tủi lắm. Nếu chúng mày ngại, một mình tao cũng đưa được cụ về quê”.
Hôm ấy chị Vân đi công tác vắng. Cậu con trai út của ông Vinh nhẹ nhàng bảo: “Hôm trước con thấy chị Vân bảo, ai chả muốn về với ông bà tổ tiên, nhưng đưa ông vào trong kia, con cháu không vào thăm được, đành rằng những người trong họ mỗi lần ra mộ tổ cũng sẽ thắp cho ông nén hương, nhưng ông vẫn tủi thân là chỉ được hưởng ké của mấy đứa cháu họ, chứ con ruột cháu ruột thì chả thấy đâu. Nếu để ông ngoài này, con cháu thăm nom luôn, ông mới ấm lòng. Còn ông xuống dưới âm rồi, lo gì chả gặp các cụ suốt ngày. Đấy chị Vân bảo thế đấy”.
Không phải cái lý luận dông dài kia mà chính mấy chữ “chị Vân bảo thế” đã khiến cho ông bố đang hùng hổ bỗng dịu xuống, bảo: “Thế hả? Nếu con Vân bảo thế thì bố cũng OK. Con Vân được cái nói gì cũng có lý có lẽ, chứ không nói ngang như chúng mày”.
Bạn bè Vân phục lăn vì cái uy của chị đối với bố chồng, ai cũng hỏi chị có bí quyết ăn ở hay tài thuyết phục thế nào mà bố chồng tâm phục khẩu phục như vậy. Chị cười: “Tài gì đâu? Mấy đứa con trai, con gái của cụ còn lý lẽ sắc sảo, thuyết phục bằng mấy tôi. Uy tín của tôi đối với cụ chẳng qua cũng chỉ ở chữ ‘tiền’ chứ không gì khác”.
Bị con dâu nắm “thóp”
Những năm mới về làm dâu, chị Hương cũng bị bố mẹ chồng bắt ne bắt nét ra trò. Hai ông bà đều là cựu giáo chức nên rất nghiêm khắc với con cái, với con dâu lại càng đòi hỏi khắt khe. Dù công việc cơ quan bận bịu và áp lực nhất nhà (bố mẹ chồng đã về hưu, chồng làm nhà nước) nhưng chị Hương chẳng những phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng mà trưa còn phải về nấu cơm, cho dù chị chỉ nghỉ trưa được 90 phút, nhà không phải là gần. Kể cả muộn giờ làm chiều, chị cũng phải rửa bát xong mới được đi.
Những hôm công việc vào đợt cao điểm nên buổi chập tối Hương về muộn thì y như rằng bố mẹ chồng cằn nhằn khó chịu, bảo làm vợ, làm dâu là phải lo về sớm cơm nước, rằng lẽ ra chị phải kiếm công việc khác hợp lý hơn.
“Ông bà biết thừa nếu mình chọn việc chỉ làm giờ hành chính thì tiền đâu mà lo cho gia đình, nhưng vẫn cứ bẻ hành bẻ tỏi như vậy. Lại còn đêm thức khuya làm bù nữa chứ, ông cứ kêu tốn điện mới cả ảnh hưởng đến sức khỏe con trai ông, cháu nội ông, khiến mình cũng muốn phát điên vì không biết phải làm thế nào để vẫn về trưa nấu cơm, chiều về đúng giờ mà vẫn giữ được công việc”, chị Hương kể.
Nhưng hơn một năm trở lại đây, thái độ của bố chồng Hương với con dâu thay đổi 180 độ. Ông tỏ ra quan tâm, thông cảm với sự vất vả của con dâu. Chẳng những ngừng hẳn chuyện bắt bẻ, ra oai với chị, ông còn bảo vợ “vừa vừa cho con nó thở với”.
“Con Hương nó đi làm vất vả bằng mấy thằng Thắng nhà mình, bà ở nhà rỗi việc cũng nên giúp nó một chút chuyện chợ búa cơm nước. Bọn nó bây giờ đi làm công ty, giờ nghỉ trưa ngắn lắm, chỉ kịp ăn là đến giờ làm việc, nếu lại về nhà nấu cơm nữa thì muộn là cái chắc, thôi từ giờ tôi với bà tự lo lấy, vì thằng Thắng có bao giờ về ăn trưa đâu”, lời ông làm bà vợ cũng thấy sốc, vì những điều ấy, chính nàng dâu trước đây cũng từng nói để phân bua, nhưng kết quả là càng bị ông mắng thêm.
Bây giờ, Hương thoải mái về muộn, thậm chí có những hôm không phải vì công việc mà vì đi ăn ốc với đồng nghiệp. Mẹ chồng khó chịu thì đã có bố chồng đỡ: “Con nó cũng vì công việc cả, nó làm vất vả bà không thương thì thôi lại còn hoạnh họe nó. Bà xem thằng Thắng kìa, 5 giờ đã được về rồi mà còn đi nhậu đến 9 – 10 giờ, bà có nói nó câu nào đâu”.
Bố chồng Hương bỗng nhiên tốt như vậy không phải ông “giác ngộ” để hiểu nỗi vất vả của nàng dâu mà thông cảm, thương xót hơn. Chẳng qua chị tình cờ bắt quả tang ông đưa một cô mắt xanh mỏ đỏ vào nhà nghỉ, rồi điều tra ra ông là khách quen của mấy cô cave rẻ tiền, tóm lại là một sự thật trái ngược hoàn toàn với vẻ đạo mạo của ông. Ông bố đã khóc lóc kể khổ về sự “khô khan lãnh đạm” của vợ, bà không đếm xỉa đến nhu cầu rất con người của chồng, rồi van xin con dâu giữ kín vì danh dự gia đình.
Nắm bí mật của bố chồng trong tay, đời làm dâu của chị Hương trở nên dễ chịu không ngờ. Giờ đây, nếu mẹ chồng có gì “không nên không phải”, chị chỉ cần “góp ý” với bố chồng để ông “điều chỉnh” bà. Ngay cả chồng Hương cũng chỉ nghĩ bố mình đầu óc đã khoáng đạt hơn mà không hề biết sự “rộng lượng” của ông cũng có lý do.