Phút tỉnh ngộ của một người mẹ: Nếu được nuôi con lần nữa, tôi sẽ tránh 4 sai lầm "CHẾT NGƯỜI" này

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nghe xong, tôi thấm thía vô cùng.

* Bài viết của mẹ Cà Chua (Trung Quốc)

Một người bạn thân lâu năm tâm sự với tôi: "Giá như thời gian quay trở lại thì tốt biết mấy". Con trai chị ấy đã vào đại học, cuối cùng cũng có chút thời gian cho bản thân, nhưng chị lại không thể vui: "Ngày nó rời nhà, thậm chí còn chẳng ôm mẹ một cái. Mẹ gọi nó quay lại nhìn mẹ thêm lần nữa, nó chẳng thèm ngoảnh đầu".

Chị dừng lại, hít một hơi rồi cười gượng: "Không phải nó vô tâm, là do lỗi của mẹ. Nếu được làm lại, mẹ nhất định sẽ không nuôi dạy nó như thế". Chị kể cho tôi nghe hành trình sai chồng sai trong suốt hơn chục năm làm mẹ. Nghe xong, tôi thấm thía vô cùng.

Phút tỉnh ngộ của một người mẹ: Nếu được nuôi con lần nữa, tôi sẽ tránh 4 sai lầm

Ảnh minh hoạ

1. Nhầm lẫn kiểm soát là yêu thương, kết quả nuôi dạy một đứa trẻ "chỉ biết vươn tay đòi hỏi"

Con trai chị hồi nhỏ rất đáng yêu, trắng trẻo bụ bẫm, từ nhỏ đã thông minh hơn người. Chị cũng vô cùng chu đáo, tự tay lo liệu mọi thứ từ ăn mặc đến sinh hoạt, quần áo phối còn tinh tế hơn cả chị, bữa ăn phong phú hơn cả nhà hàng năm sao. "Hồi đó tôi tự hào lắm, nghĩ mình là siêu nhân mẹ, con trai là kiệt tác của mình".

Nhưng vấn đề bắt đầu từ khi nào?

Hồi tiểu học, có lần cô giáo ra bài luận nhỏ, cả lớp đang bận tra cứu tài liệu, con trai chị ngồi thẫn thờ. Hỏi sao không viết, nó buột miệng: "Đợi mẹ con đến". "Lúc đó tôi còn chẳng nhận ra vấn đề" chị nói. "Tôi nghĩ nó ngoan, biết mẹ sẽ giúp". Cho đến khi sau này, việc gì nó cũng không tự làm.

Giặt quần áo không biết, nấu mì còn phải gọi video hỏi mẹ. Ngay cả việc chọn nguyện vọng đại học cũng phó mặc: "Mẹ thấy ngành nào tốt thì con chọn". "Lúc đó tôi mới hiểu, mình tưởng đang dọn đường cho con, hóa ra lại nhốt con trên chính con đường ấy".

Chị cười đắng: "Mặt trái của kiểm soát không phải tự do, mà là bất lực".

Nếu được làm lại, chị sẽ để con tự thử nghiệm, tự chậm rãi, tự mắc sai lầm, chứ không muốn trở thành người mẹ "thay con suy nghĩ" nữa.

Chị nói: "Con trẻ không phải một nhiệm vụ cần hoàn thành xuất sắc. Mẹ phải học cách buông tay, để con tự viết nên cuộc đời mình".

2. Mở miệng toàn "sao con lại...", nhưng chẳng bao giờ khen ngợi

Chị tự nhận mình từng là "người mẹ chỉ biết bới lỗi". Dù con đạt điểm cao thế nào, thể hiện tốt ra sao, chị vẫn có thể bắt bẻ: "Sao con lại sai câu này?"; "chữ viết lần này sao cẩu thả thế?"; "con lại quên học bài rồi phải không?".

Kể lại, chị đỏ mặt xấu hổ: "Miệng tôi như cầm kính lúp, chỉ nhìn thấy khuyết điểm". 

Có lần, con trai đạt top 3 toàn khối, hớn hở mang giấy khen về khoe. Chị liếc nhìn, câu đầu tiên thốt ra: "Bạn gái hàng xóm không phải nhất sao? Bạn ấy học muộn hơn mà còn giỏi hơn con?". Tối hôm đó, cậu bé cất giấy khen vào ngăn kéo, không bao giờ nhắc lại.

"Tôi tưởng mình đang động viên, hóa ra lại là phủ nhận nỗ lực của con".

Một ngày, chị vô tình đọc nhật ký con thấy dòng chữ: "Mẹ chỉ thấy những gì con không làm được, chưa bao giờ thấy con đã cố gắng bao lâu". Khoảnh khắc ấy, chị suy sụp. Chị nói, nếu được làm lại, chị sẽ bớt một câu "sao con lại...", thêm một câu "lần này con giỏi quá".

Khen ngợi không phải dỗ dành trẻ con, mà là tôn trọng nỗ lực.

Thứ khiến trẻ trưởng thành thực sự không phải áp lực, mà là cảm giác thành tựu.

3. Luôn nhắc đến "con nhà người ta"

"Tôi thật sự không biết nói chuyện" chị thừa nhận. "Hai chữ 'con nhà người ta', tôi gần như đã nói từ lúc con 3 tuổi đến 18 tuổi".

Mỗi lần con thi không tốt, chị lại lướt facebook, chọn vài tin tức về "con nhà người ta" đọc cho con nghe. Ban đầu, cậu bé còn cãi lại; sau đeo tai nghe coi như không nghe. Một lần, chị lén xem tin nhắn con trai với bạn, thấy dòng chat: "Dù làm gì mẹ mình cũng không hài lòng, mình không phải đứa con lý tưởng của bà ấy".

Đêm đó, chị ngồi khóc một mình trong phòng khách.

"Tôi cứ so sánh con với người khác, quên mất con có nhịp độ riêng, sở thích riêng và cá tính riêng. Đứa trẻ bị so sánh nhiều, cuối cùng sẽ thành kẻ xu nịnh hoặc buông xuôi". Chị nói, nếu được làm lại, chị sẽ chỉ tập trung vào con, dù chậm hay khó khăn cũng không so sánh.

Con đã đủ vất vả để trở thành chính mình rồi, đừng ép con thành bóng hình ai khác.

4. Nổi giận rất dễ dàng, nhưng hậu quả khó lường

"Tôi đúng là kiểu mẹ núi lửa" chị nói với vẻ mặt đầy hối hận. Tính chị không nóng, nhưng dễ bùng nổ vì chuyện của con. Bài tập chưa làm xong, cặp sách bừa bộn, phòng không dọn dẹp - chị có thể lập tức suy diễn thành "lớn lên làm nên trò trống gì".

"Tôi giỏi dự đoán tình huống xấu nhất quá" chị cười khổ.

Một lần, con mải chơi game quên ăn cơm, chị xông thẳng từ bếp vào phòng, rút dây nguồn máy tính. Chị mắng suốt nửa tiếng, xong mới nhận ra con không khóc, không cãi, chỉ im lặng ngồi như tượng đá.

Từ hôm sau, cậu bé không chia sẻ bất cứ điều gì với mẹ. "Tôi không thắng trận cãi vã, mà đánh mất sự kết nối".

Nhìn lại, chị nhận ra: Trẻ con không phải không hiểu chuyện, mà là không thể tiếp thu khi bị cảm xúc bủa vây. Khi người lớn mất kiểm soát, chính là lúc thất bại trong giáo dục.

Giá như có thể làm lại, chị sẽ vào phòng tĩnh tâm 10 phút, chứ không để con thấy mình trở thành nô lệ của cảm xúc.

Câu nói cuối cùng của chị khiến tôi nhớ mãi:

"Cha mẹ có thể mắc sai lầm, nhưng đừng dùng 'mẹ làm thế vì con' để biện minh cho tổn thương mình gây ra".

Cuối buổi trò chuyện, chị nở nụ cười nhẹ nhàng: "Tôi đã hiểu ra, nuôi dạy con không phải tạo ra bản sao của mình, mà là đồng hành để con trở thành chính con".

Chị nói thêm, như tự nhủ: "Dù con đã trưởng thành, tôi vẫn có thể trở thành người mẹ tốt hơn - không phải vì con, mà vì chính tôi trong tương lai".

Đó cũng là điều tôi muốn gửi đến những ai đang từng ngày vất vả làm cha mẹ: Con không sợ bạn sai, mà sợ bạn không sửa. Nhân cách bạn hôm nay, chính là tay lái định hướng tương lai con.

Chia sẻ