Cõi riêng của vợ

Theo PNO,
Chia sẻ

Những bài viết đầy tâm trạng (của chị hay của ai khác) mà đọc qua, anh thấy thấp thoáng bóng mình trong đó, có gì đó như là hờn dỗi, như là trách móc về sự hờ hững, thờ ơ của người đàn ông trong gia đình.

Nghe nhỏ đồng nghiệp hỏi: “Trang facebook của chị Mi hấp dẫn quá, nhưng sao chẳng thấy anh xuất hiện trên đó vậy?”. Làm ra vẻ hờ hững, anh trả lời: “Anh lu bu muốn chết, thời gian đâu mà xem mấy cái đó!”, nhưng trong thâm tâm, anh thấy có gì đó bất ổn, anh không hề biết vợ mình cũng là một tín đồ trung thành của facebook.

Không khó lắm để anh thâm nhập vào “cõi riêng” của vợ, vì vợ không giới hạn đối tượng truy cập trang của mình. Đập ngay vào mắt anh là bức ảnh profile chụp hai cục cưng của anh cười toe toét trong dịp Giáng sinh. Kế đó là bức ảnh cover chụp cả gia đình anh hồi Tết. Tất cả hình ảnh gia đình được sắp xếp trật tự trong những folder riêng với ngày tháng, sự kiện cụ thể, một cách đầy trân trọng.

Mặc dù vậy, trong vô số những lời comment, status, trao đổi qua lại với bạn bè, người thân, ít thấy chị nhắc đến anh, nếu có, cũng chỉ là thoáng qua, rất khẽ. Friend list của chị chẳng có gì “khả nghi”. Chị nhiệt tình khuyên nhủ một cô em hay chú em nào đó gặp trục trặc trong cuộc sống, chị hào hứng bình luận trên những dòng tâm trạng của bạn bè, chị upload nhiều bức ảnh phong cảnh trữ tình và lãng mạn (những bức ảnh tuyệt nhiên không một bóng người). Những thứ này làm vợ anh thấy thư giãn, yêu đời hơn sao?

Còn nữa, những bài viết đăng trên các báo của chị cũng được upload với những bình luận sôi nổi của bạn bè (có lẽ là những “độc giả” riêng của chị). Đây có lẽ là cái mà nhỏ đồng nghiệp của anh bảo “hay” khi vào trang facebook của chị. Những bài viết đầy tâm trạng (của chị hay của ai khác) mà đọc qua, anh thấy thấp thoáng bóng mình trong đó, có gì đó như là hờn dỗi, như là trách móc về sự hờ hững, thờ ơ của người đàn ông trong gia đình.

Cõi riêng của vợ 1

Ảnh minh họa.

Chợt nhớ, thuở mới yêu, biết chị hay viết báo, anh hớn hở đọc và nhận xét mỗi khi chị khoe có bài mới đăng. Có những điều muốn bày tỏ với anh, chị không nói bằng lời mà trút hết vào những bài viết rồi đưa anh đọc. “Kênh giao tiếp” ấy vậy mà hiệu quả, anh vẫn là độc giả đặc biệt và nhiệt tình của chị cho đến sau ngày cưới, thói quen ấy dường như không còn. Dạo sau này, những khi chị khoe anh bài viết mới đăng, anh hay bảo: “Anh đang bận, để lúc khác xem…” Và rồi sự bận rộn (hay vô tâm?) khiến anh chẳng còn nhớ tới. Có lẽ vì vậy mà chẳng thấy chị khoe với anh bài viết nào nữa, và chọn facebook để giải tỏa tâm trạng của mình.

Trên facebook, vợ anh là một người hoàn toàn khác: nồng nhiệt, lãng mạn, cởi mở nhưng cũng đầy tâm trạng. Trong khi, bên anh mỗi ngày, anh chẳng thấy gì khác ở vợ ngoài hình ảnh của “mụ gia sư” bẳn gắt khi dạy con học, trong lúc anh duỗi thẳng người trên sofa xem đá banh, là “mụ ô-sin” cáu kỉnh khi đút con ăn, mặt nặng như chì khi phải khiêng thau áo quần nặng trịch lên sân thượng, trong lúc anh thảnh thơi lướt web; là sự bải hoải, rã rời khi vợ ngả lưng xuống giường mỗi đêm…

Trái với anh lúc nào cũng khỏe khoắn, phong độ, nhàn nhã, chị lúc nào cũng hối hả, bơ phờ. Anh từng tự nhủ: lương bổng đều đặn, không ăn chơi bậy bạ, thỉnh thoảng đưa vợ con đi chơi đó đây là đã đủ để anh an tâm về cái khoản cân bằng giữa “vật chất” và “tinh thần” cho vợ con. Nhưng sau chuyến ghé thăm không chính thức “ngôi nhà riêng” của chị, anh thấy mình cần ngẫm lại ít nhiều.

Là đàn ông, dĩ nhiên anh cũng có “cõi riêng” của mình. Đó là những buổi rong chơi cùng bạn bè (thậm chí có khi hơn cả “bạn bè”) sau giờ làm việc, nhưng “cõi riêng” của anh, chị không hề biết đến, và anh cũng không muốn chị quấy rầy bằng những cuộc gọi, tin nhắn hối thúc giờ về hay bằng sự lục vấn đầy hồ nghi.

Anh cho mình quyền “tự sướng” sau những giờ làm việc căng thẳng, mà quên rằng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi ở vợ có khi còn gấp đôi anh, bởi vợ không chỉ lo mỗi việc nhà. Anh khó chịu khi chị về trễ dăm phút do kẹt xe, công việc hay có khi chỉ vì tình cờ gặp một người bạn cũ trên đường. Anh cau có khi về nhà mà chưa có cơm canh dọn sẵn. Anh cho rằng là vợ, là mẹ thì đâu nhất thiết phải có nhu cầu giải trí, gặp gỡ bạn bè, thư giãn? Giờ anh mới hiểu rằng, facebook chính là nơi duy nhất để vợ anh xả stress, sống thật với mình, cũng là nơi vợ anh tìm thấy chút năng lượng hiếm hoi để có thể duy trì cuộc sống gia đình mỗi ngày, bởi anh, dù vẫn nằm cạnh vợ mỗi đêm, vẫn đối diện với vợ ít nhất hai lần mỗi ngày (trong bữa ăn sáng và tối) cũng chẳng chia sẻ với vợ được gì ngoài dăm câu hời hợt.

Nếu anh bớt đắm chìm trong “cõi riêng” của mình, dành thời gian hỏi han, chia sẻ với chị nhiều hơn thì anh tin rằng, chị sẽ chẳng cần “riêng một góc trời” làm gì nữa.

Lặng lẽ rút lui khỏi thế giới riêng của vợ, tâm trạng anh như một kẻ trộm vừa lén lút vào nhà ai đó ngó nghiêng. Anh muốn giữ nguyên “hiện trường”, không để lại chút dấu vết nào về cuộc viếng thăm để “gia chủ” không biết “nhà” mình vừa có kẻ lạ xâm nhập. Thế cũng hay, có vậy vợ mới vô tư sống thật với mình, nếu biết “nhà” mình có người “đột nhập”, “canh me”, biết đâu vợ lại đề phòng, và anh cũng không có cơ hội hiểu hết nửa riêng bí ẩn của vợ. Tối nay, cơm nước xong, câu đầu tiên anh nói với vợ nhất định sẽ là: “Lâu nay có bài nào được đăng báo không, sao không thấy em khoe với anh?”.




Để hôn nhân khỏi là "mồ chôn của tình yêu", Long và Giang thỏa thuận sẽ tôn trọng tự do, sở thích của người kia, đồng thời tiền ai nấy tiêu, việc ai nấy làm, không căn vặn nhau
Cõi riêng của vợ 2
Chia sẻ