Coi chừng trời lạnh dễ tử vong do rượu
Theo các chuyên gia y tế, khi uống rượu, các mạch máu giãn ra. Gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng vọt gây tai biến, dễ dẫn đến tử vong.
Theo TS.Tuấn, trong thời tiết này, khi nhiệt độ ngoài trời buổi tối ở miền Bắc thường dưới 10 độ C, trong các nhà hàng chỉ nên để nhiệt độ khoảng 15-16 độ C, không nên để ấm 25-26 độ C, vì khi có chút men, ra đường đột ngột trong khi nhiệt độ chênh lệch lớn, rất dễ bị cảm. Không ít trường hợp đã bị trụy tim cấp, viêm phổi cấp sau khi ở phòng ấm ra ngoài.
Theo BS.Lê Quang Hồng - Trung tâm tư vấn 1088, khi nhậu, đồ ăn có nhiều thịt, chất béo... sẽ làm láng niêm mạc ruột. Nếu nhậu ở nhà, sau đó đi nằm luôn thì không sao, vì rượu sẽ ngấm vào từ từ, ngấm nhẹ. Nhậu ngoài đường, sau khi ăn xong vận động trong trời lạnh khiến các màng mỡ bao phủ niêm mạc ruột có thể vỡ ra, rượu có thể ồ ạt thấm qua niêm mạc vào máu gây ngộ độc rượu.
Kể cả với người bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh nan y, việc nhậu khi trời rét rồi đột ngột ra đường, hoặc nhậu ngoài trời lạnh cũng đã nguy hiểm. Người tuổi cao (trên 50 tuổi), có bệnh mãn tính, sự nguy hiểm càng tăng cao. Vì vậy, cách tốt nhất để hạn chế nguy hiểm là uống có mức độ, hạn chế ăn nhậu ngoài đường, uống xong - khi người vẫn đang ngà ngà, lâng lâng - không nên ra đường ngay.
Tuy nhiên trong thực tế, các chuyên gia đánh giá, việc kiểm soát để biết thế nào là “mức độ” rất khó, bởi khi đã vào cuộc nhậu, người ta hay đua, kích nhau uống, thậm chí “không say, không về”. Người nào không uống, uống ít thì bị cho là “kém nhiệt tình”, “sống không hết mình” bất kể mọi thời tiết. Để rồi, “tiền mất, tật mang”, nguy hiểm cận kề...