Cô sai hay trò sai: Bài toán cộng trừ khiến dân tình chia làm 2 phe, chỉ ra được vấn đề IQ không phải dạng vừa
Một bài toán tiểu học bỗng dưng làm mưa làm gió trên mạng xã hội vì kết quả không giống nhau.
Toán học tưởng khô khan nhưng thực ra vô cùng thú vị và chứa vô vàn những câu hỏi tư duy logic, đòi hỏi người học cần phải có IQ cao, cộng thêm khả năng phân tích, quan sát chặt chẽ. Nhiều câu đố Toán học đưa ra những dữ liệu "bẫy" và chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ mới đưa ra được đáp án đúng.
Bên cạnh đó, cũng có những bài Toán nhìn qua tưởng sẽ hoàn thành trong 1 nốt nhạc nhưng vẫn khơi mào tranh cãi gay gắt. Chẳng hạn mới đây, một bài toán được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội hoàn toàn không cao siêu mà chỉ đơn giản là phép cộng trừ nhân chia dành cho các bạn học sinh tiểu học. Cư dân mạng chia sẻ bài toán này kèm chú thích "cô hay trò sai". Đề bài yêu cầu tính nhanh như sau: 66 - 6 + 7 + 23 - 18 + 2 = ?
Đáp án học sinh đưa ra là 74 sau khi thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái qua phải. Tuy nhiên, phần sửa mực đỏ được cho là của giáo viên lại nhóm các phép tính với nhau để có kết quả tròn (phù hợp với yêu cầu tính nhanh), đáp án là 70. Con số 70 và 74 đưa ra đã khiến dân tình tranh cãi gay gắt.
Hầu hết các ý kiến đều nghiêng về kết quả 74, bởi đây là kết quả theo cách tính thông thường trong một phép tính không có nhân chia. Giáo viên dạy môn Toán tại một trường tiểu học ở TP.HCM cũng đồng tình với ý kiến này. Cô cho rằng, đối với biểu thức không có dấu ngoặc, nếu chỉ có phép cộng, trừ hoặc nhân, chia, ta thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái sang phải. Đây là điều mà sách giáo khoa cũng nói rất rõ.
Trên thực tế, HS lớp 2 và 3 chưa học tính chất kết hợp nên các em hoàn toàn có thể tính 66 - 6 và 7 + 23 trước, sau đó cộng hai kết quả lại với nhau, rồi trừ đi 18, cộng với 2. Cụ thể như sau: 66 – 6 + 7 + 23 – 18 + 2 = 60 + 30 – 18 + 2 = 90 – 18 + 2 = 72 + 2 = 74. Như vậy, tính nhanh trong biểu thức này là ở việc thực hiện phép trừ và phép cộng có kết quả tròn chục trước.
Trong trường hợp này, cô giáo sai ở việc ngộ nhận (- 18 + 2). Phía trước 18 có dấu trừ mà cô giáo cứ lấy 18 cộng với 2 (cô không nhận ra rằng 18 mang dấu âm). Xét theo đại số, số 2 mang dấu dương, đưa vào trong ngoặc mà phía trước ngoặc có dấu âm thì số 2 phải đổi dấu (ở đây chỉ mới đổi dấu số 18 một cách ngoài ý định). Như vậy, cô giáo sai vì nguyên nhân cơ bản là cô không nhớ quy tắc đổi dấu trong phép cộng đại số.
Bài toán "cô hay trò sai” có vô số bình luận. Vấn đề cô hay trò sai không quan trọng, mà điều đáng nói là phụ huynh nhìn nhận cô giáo qua một bài toán đơn giản. Vì thế, nhiều ý kiến khác cho rằng vì bài toán chia sẻ trên mạng nên phải tìm hiểu kỹ có đúng giáo viên sửa bài hay học thêm ngoài trung tâm, gia sư, thậm chí bố mẹ sửa cho con... Thậm chí không loại trừ các trường hợp "tạo tình huống giả định" rồi gắn cho cô giáo.