Cơ quan chức năng Anh khẳng định "thử thách Momo" chỉ là trò bịp, phụ huynh toàn cầu vẫn đòi tẩy chay Youtube vì tác hại đến trẻ em

L.T,
Chia sẻ

Dẫu biết rằng thông tin trẻ tự tử, tự làm hại bản thân vì "thử thách Momo" chỉ là tin giả nhưng nhiều phụ huynh đã bắt đầu cảnh giác cao độ và nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn từ Youtube.

Những ngày gần đây, truyền thông Anh và mạng xã hội khắp nơi sục sôi lên vì con quái vật Momo được cho là xuất hiện trong một số video các bộ phim hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite mà hầu hết trẻ em đều rất thích. Con quái vật đầu người thân gà, mắt lồi đáng sợ đó hướng dẫn cách để một người tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử nên nhiều phụ huynh lo lắng chúng sẽ ảnh hưởng đến con cái của họ. Điều đáng nói là hình ảnh đáng sợ ấy lại xuất hiện trong clip có nội dung trẻ em, bố mẹ lại rất khó kiểm soát bởi nó chỉ xuất hiện thời gian rất ngắn, gây giật mình.

Đáng sợ đến mức mà nhiều phụ huynh buộc phải lên tiếng cảnh báo và các trường học thì cũng liên tục cảnh báo về trào lưu nguy hiểm này. Đầu tuần này, hàng loạt câu chuyện về sự nguy hiểm của Momo đã lan truyền trên mạng xã hội và ngay lập tức chúng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt chia sẻ và dẫn đến một số tờ báo ở Anh đăng tin về chúng. Các bài viết về Momo thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ trên Facebook tại Anh, gây hoang mang cho người đọc.

Cơ quan chức năng Anh khẳng định thử thách Momo chỉ là trò bịp, phụ huynh toàn cầu vẫn đòi tẩy chay Youtube vì tác hại đến trẻ em - Ảnh 1.

Các chuyên gia và tổ chức xã hội ở Anh khẳng định thông tin trẻ tự tử, tự làm hại bản thân vì quái vật Momo chỉ là tin giả nhưng nhiều phụ huynh đã bắt đầu cảnh giác cao độ và nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn từ Youtube.

Tuy nhiên, sau vài ngày Momo gây hoang mang, các tổ chức xã hội ở Anh cho biết không có bất cứ báo cáo về bất kỳ ai nhận được tin nhắn hoặc làm hại chính bản thân mình như những tin tức đang lan truyền trên mạng. Một số chuyên gia cho biết chưa có báo cáo nào về hậu quả từ "Thử thách Momo" đối với trẻ nhỏ và đây thực chất chỉ là sự hoang mang được chính người lớn phát tán. "Chúng là tin giả, đã được chỉnh sửa và đăng lên YouTube", đại diện Trung tâm An toàn Internet Anh (SIC) nói với tờ Guardian.

Theo website kiểm tra thực tế Snopes, vụ việc dường như đã bị "thổi phồng lên quá mức" và có đứng sau giật dây để dọa người khác hoặc nhằm mục đích lan truyền trên mạng xã hội.

Mới đây, đại diện của Youtube cũng phải lên tiếng: "Chúng tôi muốn khẳng định một điều rằng chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về các video khuyến khích tham gia Thử thách Momo trên YouTube. Các video khuyến khích người xem thực hiện các hành vi nguy hiểm và bạo lực luôn bị cấm trong chính sách của chúng tôi".

Cơ quan chức năng Anh khẳng định thử thách Momo chỉ là trò bịp, phụ huynh toàn cầu vẫn đòi tẩy chay Youtube vì tác hại đến trẻ em - Ảnh 2.

Một trường học ở Anh cảnh báo về thử thách tự sát Momo.

Tổ chức từ thiện Samaritans cho biết, không có bất kỳ bằng chứng xác minh nào cho thấy "Thách thức Momo" liên quan đến việc trẻ tự làm hại mình hoặc tự tử. 

Hiệp hội quốc gia ngăn ngừa nạn ngược đãi thiếu nhi Anh (viết tắt là NSPCC) cũng cho biết họ nhận được rất thông báo hay phàn nàn, thắc mắc về trào lưu "thử thách tự sát" này từ phụ huynh. Vậy mà giới truyền thông và mạng xã hội lại "thổi phồng" câu chuyện lên quá mức gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng đến cả tâm lý của trẻ em.

Cảnh sát Anh cũng xác nhận họ chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em tự hành hạ bản thân liên quan đến Momo. Tuy nhiên, hình ảnh kinh dị của Momo vẫn có thể gây đau khổ và ám ảnh cho trẻ em nếu chúng cứ tiếp tục xuất hiện tràn lan như vậy. 

Các tổ chức từ thiện của Anh cũng lên tiếng cảnh báo việc các bậc phụ huynh phản ứng thái quá và khẳng định chưa có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa "Thử thách Momo" và các vụ trẻ em tự tử ở Anh. Họ cũng lo ngại rằng, việc chia sẻ hình ảnh về quái vật kinh dị Momo tràn lan có thể gây tổn thương nhiều hơn đối với những người chưa từng biết đến nó.

Anh Andy Robertson, một người làm nội dung cho YouTube, cũng cho rằng người lớn không nên chia sẻ những cảnh báo gây hoang mang và cường điệu hóa câu chuyện. 

Cơ quan chức năng Anh khẳng định thử thách Momo chỉ là trò bịp, phụ huynh toàn cầu vẫn đòi tẩy chay Youtube vì tác hại đến trẻ em - Ảnh 3.

Thay vì làm vậy, họ nên đưa ra lời khuyên tích cực cho trẻ em, thiết lập công nghệ phù hợp và quan tâm đến tương tác trực tuyến của chúng. "Chính những lo ngại của người lớn có thể khiến trẻ tò mò và tìm hiểu dẫn tới hậu quả tiêu cực", Robertson nói.

Dẫu biết rằng thông tin trẻ tự tử, tự làm hại bản thân vì quái vật Momo chỉ là tin giả nhưng nhiều phụ huynh đã bắt đầu cảnh giác cao độ và nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn từ Youtube. 

Đến nỗi mà, tác giả tên Keza MacDonald đã lên tiếng kêu gọi rằng: "Giải pháp đơn giản nhất cho tất cả các bậc phụ huynh là hãy nhanh chóng "thanh lọc" YouTube ra khỏi mọi thứ - điện thoại, TV, máy chơi game, iPad. Đây là cách chúng tôi đã áp dụng trong chính gia đình mình. Dù không phải là một người am hiểu về công nghệ bạn cũng có thể nhận ra Youtube Kids thực sự rất vô dụng. Không thiếu những trò giải trí dành cho trẻ em cực tốt và hấp dẫn có sẵn trên Netflix, hay những kênh truyền hình được sản xuất riêng cho trẻ em. Và ở đó, ít ra bạn cũng sẽ yên tâm là con mình không bao giờ gặp phải lời khuyên tự tử như Momo".

Cơ quan chức năng Anh khẳng định thử thách Momo chỉ là trò bịp, phụ huynh toàn cầu vẫn đòi tẩy chay Youtube vì tác hại đến trẻ em - Ảnh 4.

Dù không có Momo thì Youtube có quá nhiều nội dung "bẩn" mà phụ huynh không thể kiểm soát hết được.

Rất nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự hoang mang và không còn tin tưởng vào Youtube để cho con trẻ vui chơi, giải trí nữa. 

Cơ quan chức năng Anh khẳng định thử thách Momo chỉ là trò bịp, phụ huynh toàn cầu vẫn đòi tẩy chay Youtube vì tác hại đến trẻ em - Ảnh 5.

Một vài phụ huynh người Việt lên tiếng tẩy chay Youtube.

Dù chưa chứng kiến bất kỳ trường hợp nào ở Việt Nam nhưng các bậc phụ huynh Việt cũng đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi các gia đình có con nhỏ hãy cẩn thận hoặc tốt nhất là gỡ bỏ ứng dụng YouTube và YouTube Kids, sau khi họ phát hiện rất nhiều video hướng dẫn trẻ em làm hại bản thân trên 2 nền tảng này.

(Tổng hợp)

Chia sẻ