Có phải tháng Giêng không bao giờ nhuận?
"Soi" Âm lịch Việt Nam thế kỷ 20 - 21 không thấy tháng Giêng là tháng nhuận, nhiều người tin rằng không bao giờ có nhuận tháng Giêng, chuyên gia nói gì về điều này?
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ thông tin rằng tháng nhuận Âm lịch không bao giờ rơi vào tháng Giêng, coi đó là một hiện tượng kỳ lạ và thú vị.
Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, ThS Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tác giả cuốn "Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI" phủ nhận điều này. Ông cho biết tháng Âm lịch nào trong năm cũng có thể là tháng nhuận. Tuy nhiên, tháng Giêng rất hiếm khi nhuận và điều này dẫn đến ngộ nhận kể trên.
Thực tế, Âm lịch Việt Nam thế kỷ 20 - 21 không thấy tháng Chạp hay tháng Giêng nhuận, vì vậy nhiều người tin rằng tháng Giêng không thể là tháng nhuận. Tuy nhiên, lùi về quá khứ xa hơn, ta sẽ thấy năm Quý Hợi (1803) có nhuận tháng Giêng. Sang thế kỷ 22, hiện tượng nhuận tháng Giêng xuất hiện vào năm Mậu Thân - 2148. Năm đó sẽ có 2 ngày mùng 1 tháng Giêng là Chủ nhật 21/1/2148 và thứ Ba 20/2/2148 Dương lịch.
Tương tự, nhiều người cũng tưởng rằng tháng 11 Âm lịch không thể là tháng nhuận. Thế nhưng lịch năm 2033 sẽ có 2 tháng 11 Âm lịch.
Lý giải về cách tính tháng nhuận, ThS Trần Tiến Bình cho biết, một tháng Âm lịch chính xác có 29,53 ngày, tuy nhiên năm Âm lịch được làm tròn thành 354 ngày, ít hơn một năm Dương lịch 11 ngày, cứ 3 năm lại ít hơn 33 ngày.
Để cân bằng thời gian giữa 2 loại lịch này, các nhà làm lịch tính toán cứ 3 năm Âm lịch phải cho thêm một tháng nhuận. Tuy nhiên, dù có nhuận thì năm Âm lịch vẫn luôn chậm hơn so với năm dương lịch. Để khắc phục tình trạng trên, họ quy ước cứ 19 năm lại có thêm một tháng nhuận. Năm nhuận là năm có 13 tháng Âm lịch nằm giữa 2 ngày Đông chí (khoảng 21/12 Dương lịch, luôn rơi vào tháng 11 Âm lịch).
Dựa vào đâu để xác định tháng nào là tháng nhuận? Các nhà làm lịch tính các điểm Trung khí. Giữa 2 ngày Đông chí có 12 Trung khí là: Đông chí, Đại hàn, Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng và Tiểu tuyết. Các điểm này thường cách nhau khoảng 1 tháng.
Năm nhuận Âm lịch có 13 tháng nhưng số điểm Trung khí luôn luôn chỉ có 12, do đó trong năm nhuận sẽ có tháng không chứa điểm Trung khí nào. Tháng nào không chứa điểm Trung khí chính là tháng nhuận, có tên trùng với tháng Âm lịch trước nó.
Thế nhưng việc tính toán năm nhuận cũng cần quan sát dựa vào thay đổi thực tế. Bởi lẽ, các điểm Sóc (thời điểm không trăng) dùng để xác định ngày mồng 1 Âm lịch và các điểm Trung khí cần phải tính lại thật chính xác, nhiều khi chỉ lệch vài phút đã sang ngày khác và điều này ảnh hưởng đến việc xác định tháng nhuận.
Chẳng hạn theo giờ Việt Nam, điểm Đông chí năm 1984 vào 23 giờ 23 phút ngày 21/12 và theo giờ Trung Quốc là 0 giờ 23 phút ngày 22/12; điểm Xuân phân ở Việt Nam là 23 giờ 14 phút ngày 20/3/1985 và ở Trung Quốc Xuân phân là 0 giờ 14 phút ngày 21/3/1985 (do múi giờ khác nhau, Việt Nam là GMT+7, còn Trung Quốc là GMT+8).
Vì thế mà Âm lịch Trung Quốc có tháng 10 nhuận vào năm 1984, còm Âm lịch Việt Nam lại có tháng 2 nhuận năm 1985; khiến Tết Nguyên đán giữa 2 lịch lệch nhau 1 tháng.
Trở lại vấn đề hiếm khi có nhuận tháng Giêng, ThS Trần Tiến Bình khẳng định đây là do sự vận hành của lịch theo cách tính quy ước chứ không phải ý muốn chủ quan của các nhà làm lịch.