Có những điều nếu bạn không dạy con, cả đời sẽ chẳng ai nói cho chúng biết!
"Trẻ nhỏ, lớn lên rồi sẽ ổn thôi" – Câu nói này, các bậc phụ huynh thường xuyên nói. Nhưng nếu bạn thực sự tin vào câu nói đó và để con lớn lên như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng những vấn đề phía sau sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Đặc biệt là với ba điều dưới đây, nếu bạn không dạy cho con, sau này rất ít người sẽ kiên nhẫn để nhắc nhở trẻ.
Sẽ không ai nói với trẻ rằng: Chúng không được yêu mến
"Tại sao con tôi học giỏi mà lại không được yêu mến?" - Đây là câu mà một người mẹ từng hỏi.
Sau khi tìm hiểu, người ta phát hiện rằng, con chị quả thực rất xuất sắc. Thành tích học tập luôn nằm trong top đầu của lớp, được các giáo viên khen ngợi là học sinh ưu tú.
Nhưng trong mối quan hệ với bạn bè, lại xảy ra vô số mâu thuẫn. Đứa trẻ này không chỉ làm các bạn nữ khóc, mà còn thường xuyên chọc vào điểm yếu của các bạn khác. Tính cách hiếu thắng mạnh mẽ khiến các bạn trong lớp không thích chơi với em.
Trong cuộc sống tập thể, ngoài thành tích học tập, việc hòa hợp với bạn bè cũng rất quan trọng. Dù là học sinh tiểu học hay sinh viên đại học, các mối quan hệ xã hội đều ảnh hưởng sâu sắc đến trải nghiệm sống của trẻ.
Sau khi bước vào xã hội, những thói quen và thái độ của trẻ càng quyết định mức độ chúng được yêu mến.
Thông thường, những đứa trẻ "không được yêu mến" thường có một số đặc điểm như sau: Quá lấy mình làm trung tâm; không biết đặt mình vào vị trí của người khác, không quan tâm đến cảm xúc của người khác; thích chọc vào vết thương của người khác, hay bóc mẽ điểm yếu của họ; thường xuyên tranh cãi thắng thua bằng lời nói, không biết quan sát ngôn ngữ và thái độ của người đối diện; dễ nóng nảy, bốc đồng, khó kiểm soát cảm xúc.
Tóm lại, có thể gọi những đứa trẻ này là người "thiếu trí tuệ cảm xúc (EQ)".
Những đứa trẻ như vậy sẽ ngày càng trở nên cô đơn trong các mối quan hệ, vì chúng rất khó nhận ra vấn đề của bản thân.
Hãy thử đặt mình vào tình huống đó: Giả sử bạn có một đồng nghiệp hoặc người bạn cũng thiếu EQ như vậy, bạn có sẵn lòng nhắc nhở họ không? Phần lớn chúng ta sẽ chọn cách giữ khoảng cách, vì bạn nghĩ rằng bạn và họ không hợp nhau.
Cha mẹ cần dạy trẻ cách đối nhân xử thế từ sớm
Để tránh tình huống này xảy ra, cha mẹ cần sớm hướng dẫn con cách cư xử trong mối quan hệ với người khác. Không nhất thiết phải khiến trẻ trở thành người "ai gặp cũng yêu mến", nhưng ít nhất đừng để trẻ trở thành người bị xa lánh.
Từ các mối quan hệ của trẻ, chúng ta có thể thấy rằng những đứa trẻ được yêu mến không chỉ dựa vào thành tích học tập. Những trẻ có lòng thấu cảm, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác và có khả năng phối hợp tốt khi xảy ra tranh chấp thường phát triển được các mối quan hệ lành mạnh hơn.
Do đó, để rèn luyện EQ trong giao tiếp cho trẻ, cha mẹ cần bảo vệ những phẩm chất quý giá như sự thuần khiết và lòng tốt trong trẻ. Hãy tìm cách khuyến khích trẻ phát triển lòng thấu cảm, dạy trẻ biết đặt mình vào vị trí của người khác, kiểm soát cảm xúc và tôn trọng người khác.
Trong hầu hết các mối quan hệ, sự chân thành và lòng tốt đã là đủ.
Sẽ không ai nói với trẻ rằng: Khả năng của trẻ còn rất hạn chế
Một người làm trong ngành nhân sự từng kể về một trường hợp thú vị khi phỏng vấn: Anh ấy gặp một nam sinh vừa tốt nghiệp được nửa năm. Khi đi phỏng vấn, cậu ấy được bố mẹ đi cùng, thậm chí mẹ của cậu ấy còn muốn vào phòng phỏng vấn cùng con, nhưng bị từ chối.
Những trường hợp như vậy không hiếm gặp trong công việc của anh ấy.
Anh ấy nói rằng, trong môi trường làm việc hiện nay, không ít bạn trẻ thiếu tính độc lập. Họ làm việc thì kén chọn, không chịu được một chút phê bình nào và thường né tránh trách nhiệm.
Tóm lại, họ "tâm lý yếu và khả năng hạn chế".
Trong cuộc sống, cha mẹ thường quan tâm đến việc học tập của con cái nhiều hơn các kỹ năng khác, với suy nghĩ rằng: "Chỉ cần học tốt, các vấn đề khác có thể từ từ cải thiện sau".
Nhưng đến khi con bước vào xã hội, chúng mới nhận ra rằng việc đánh giá một người không chỉ dựa trên học vấn, mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố toàn diện khác.
Có những đứa trẻ không đủ độc lập, không được rèn luyện khả năng chịu đựng khó khăn hay không có tinh thần trách nhiệm. Điều này khiến một số người trẻ dù có trình độ học vấn cao nhưng lại kém cỏi trong cách đối nhân xử thế.
Sẽ không ai nói với trẻ rằng: Trẻ thiếu giáo dưỡng
Bữa ăn, dù chỉ là chuyện nhỏ, nhưng có thể phản ánh rõ nhất sự giáo dưỡng của một người. Những ấn tượng ban đầu thường được hình thành từ cách một người cư xử trên bàn ăn: Từ cách hành xử trước bữa ăn, thói quen trong lúc ăn uống, cho đến cách đối đãi với nhân viên phục vụ. Những điều này đều phần nào hé lộ phẩm chất và sự giáo dưỡng của một người.
Rất nhiều bậc phụ huynh thắc mắc: "Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ có giáo dưỡng?". Thực ra, giáo dưỡng được thể hiện rõ nhất qua những chi tiết nhỏ trong cách trẻ đối nhân xử thế.
Khi lần đầu trẻ nói bậy trước mặt người lớn, bạn có nghiêm túc phê bình con không? Khi trẻ lần đầu bắt nạt bạn cùng lớp, bạn có yêu cầu trẻ xin lỗi ngay không? Khi trẻ gây ồn ào hoặc làm loạn ở nơi công cộng, bạn có ngăn cản con một cách nghiêm khắc không?
Hầu như không ai ngoài cha mẹ sẽ nói thẳng với bạn rằng: "Con bạn không biết cư xử". Chỉ có cha mẹ kịp thời nhận ra và dạy dỗ, trẻ mới có thể học được các quy tắc ứng xử cơ bản trong cuộc sống.
Kết luận: Giáo dục con cái là trách nhiệm không thể trì hoãn.
Cha mẹ cần dạy con những kỹ năng sống cơ bản, tôn trọng người khác và cách hành xử đúng mực ngay từ nhỏ. Chỉ khi cha mẹ có nguyên tắc, con cái mới có thể trưởng thành thành những người biết cư xử, có quy tắc và lòng tự trọng.