Có những cửa hàng bán tóc giả mà khách chỉ đến mua 1 lần, rồi không bao giờ trở lại...
Có thể trong suy nghĩ của nhiều chị em, bộ tóc giả chỉ là vật “chữa cháy”, làm điệu cho khuôn mặt đỡ nhàm chán, thậm chí là thứ để nghịch cho vui, chụp ảnh cho đẹp... Nhưng với những phụ nữ không may mắc bệnh ung thư, đó là cả một ước mơ mãnh liệt trong chuỗi ngày chống chọi với lằn ranh tử thần.
Con hẻm cạnh bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TPHCM) từ lâu nổi tiếng bởi những dịch vụ cho người mắc bệnh ung thư. Ở đây có xóm trọ ung thư, cơm từ thiện cho người ung thư, thuốc đặc trị ung thư và cả dịch vụ mai táng cho người không chịu nổi sức ép bệnh tật mà ra đi vĩnh viễn. Riêng với các bệnh nhân nữ, thứ được bày bán nhiều nhất dành cho họ là những bộ tóc giả. Nghe có vẻ lạ, nhưng mặt hàng này vẫn được tiêu thụ ngày này qua ngày khác.
Tóc giả bán rải rác tại các hẻm xung quanh bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Đến mua tóc một lần, rồi không bao giờ trở lại
Giải thích cho điều này, chủ tiệm uốn tóc Anh Thư trong hẻm chia sẻ: “Tuỳ từng giai đoạn, người mắc bệnh ung thư phải tiến hành xạ trị, hoá trị. Hậu quả của việc vô hoá chất là tóc của họ sẽ rụng hết. Đối với đàn ông thì việc rụng tóc chẳng hề hấn gì nhưng với chị em phụ nữ thực sự là thảm hoạ”.
Nữ chủ giấu tên nói tiệm mình hoạt động đã được 6 năm. Trước đây tiệm cực kỳ đông đúc khách đến mua, nhưng giờ tương đối vắng, vì khu chợ Bà Chiểu gần đó đã bắt đầu cạnh tranh mặt hàng này. Cộng thêm sự phát triển của công nghệ, nhiều người bán lên mạng chào hàng bằng các hình ảnh đẹp mắt, giá cả lại cực kỳ rẻ nên những tiệm kinh doanh tóc truyền thống ngày càng xuống dốc.
Chỉ vào những chiếc đầu ma nơ canh đặt sát nhau trên bệ kiếng, nữ chủ cho biết đa phần khách hàng đều chọn mẫu tóc dài, bởi họ nghĩ càng dài chừng nào càng che được nhiều khuyết điểm trên khuôn mặt hốc hác chừng đó. Những lần như vậy, chị phải kìm lòng giải thích cho họ hiểu không phải ai cũng đội được đầu tóc dài, còn tuỳ vào sức khoẻ và góc cạnh khuôn mặt nữa. Thường thì những nữ bệnh nhân sẽ cố chấp lấy về đội nhưng mấy ngày sau, người thân lại ngậm ngùi ra đổi. “Đó cũng là lời tự thú cho tình trạng bệnh của họ. Những người sức khoẻ quá yếu, chỉ nằm liệt trên giường bệnh làm sao kham nổi mớ tóc nặng nề, nóng bức” – nữ chủ shop trầm ngâm.
Phía ngã ba đường đối diện bệnh viện, chị Thoa, chủ salon tóc cùng tên đang ngồi cắt gọt cho đều một bộ tóc giả bị rối. Vốn chỉ làm nghề uốn tóc chuyên nghiệp, nhưng nhiều năm trước, chứng kiến quá nhiều bệnh nhân nữ đến hỏi mua tóc với chiếc đầu trọc cùng giọt nước mắt lưng tròng, chị cầm lòng không đặng, nên từ khi nào salon của chị kiêm luôn việc buôn bán mặt hàng này.
Một người phụ nữ đến bán tóc.
Theo chị Thoa, tóc cung cấp cho bệnh nhân ung thư cơ bản có hai loại: Tóc giả làm bằng ni lông và tóc thật. Với loại tóc nhựa ni lông giá bán khá rẻ, chỉ từ 200-300 ngàn đồng, được đặt từ các cơ sở gia công bên quận Phú Nhuận. Còn loại được kết bằng tóc tự nhiên có giá cao gấp 10 lần, thậm chí có bộ phải bỏ ra đến 5-7 triệu đồng mới mua được. Hỏi về nguồn tóc tự nhiên, chị Thoa mỉm cười đáp: “Chủ yếu là của mấy người bao lô số đề hoặc nợ nần, cá độ gì đó chạy đến bán”. Ngay sau tiếng cười, chị Thoa lập tức lắc đầu, bảo đời lắm thứ trớ trêu, người có tóc dài óng mượt lại vô tư cắt bỏ, trong khi ngoài kia, lắm kẻ một cọng tóc cũng không mọc nổi.
5 năm trong nghề bán tóc, chị Thoa chứng kiến rất nhiều thân phận khác nhau. Đa phần họ là những phụ nữ tỉnh lẻ lên thành phố chữa bệnh, việc sắm một bộ tóc tự nhiên quá khó với họ. Khá nhiều lần chị chấp nhận bán lỗ vốn khi trước mặt là một nữ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Bởi chị biết rằng, họ chỉ đến một lần, rồi không bao giờ trở lại nữa.
Phụ nữ, dù bất hạnh hay bạo bệnh, thì cũng luôn mong mình xinh đẹp
Quá trưa, salon Á Đông của chị Lương Thị Chanh mới có người đến hỏi làm tóc. Khách là một phụ nữ tên Thy quê Bình Dương, bị ung thư xương, tháo khớp đầu gối đã hai tháng, mới vừa hoá trị xong. Dù có phần mệt mỏi sau đợt hoá trị, chị Thy vẫn liên tục nhắc nhở chủ tiệm cắt phía sau so le chứ đừng bằng, vì bằng “giống con trai lắm”.
Khi tóc chỉ còn ngắn ngang vành tai, mắt chị Thy chợt đỏ hoe. Dường như gắng kìm cơn xúc động, chị không dám nhìn người chồng đang ở phía sau. Rồi chị quay qua phía chủ quán, hỏi lại một lần nữa: “Kiểu tóc này có đẹp hơn bộ thường không… bộ nào đẹp nhất?”. Chỉ khi chủ quán tên Chanh khẳng định “đẹp nhất”, nữ khách mới nở một nụ cười gượng.
Đó là khoảnh khắc xinh đẹp nhất...
Theo sự chỉ dẫn của chồng chị Thy, chúng tôi vào khoa nội 4 bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Những “đoàn quân không mọc tóc” nằm ngổn ngang nhưng đa phần đều cố gắng để khuôn mặt mình tươi tắn khi có khách đến thăm. Thậm chí với chị Trần Thị Quyên (32 tuổi, quê Tiền Giang), cách để luôn đẹp là không cho người khác thấy vẻ tiều tuỵ của mình. Chị liên tục che mặt lại, xua tay nói đừng chụp hình. Từ ngày nhập viện đến giờ, chị cũng nói với chồng hạn chế dẫn con trai lên thăm, sợ tụi nhỏ sẽ tủi thân khi có mẹ là “ni cô”. Chị Quyên cũng có một bộ tóc giả ngay từ đợt đầu hoá trị, nhưng đã đem về quê vì sức khoẻ yếu, không đội được.
Bệnh tật khiến thần sắc của các chị em trở nên tiều tuỵ nên ai cũng khát khao có một bộ tóc giả phù hợp với mái đầu để cải thiện gương mặt của mình.
Tại Khoa Ung Bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.10, TP.HCM) các nữ bệnh nhân cũng coi bộ tóc giả như nguồn sống của mình. Phạm Thuý Hằng phát hiện mình bị ung thư máu khi đang là sinh viên năm cuối. Sau khoảng thời gian chán nản, tuyệt vọng vì bệnh tật, tình yêu của bạn trai và sự ủng hộ hết mực của gia đình đã giúp cô vượt qua. Giờ đây những lúc khoẻ mạnh, cô không còn tủi thân khi sánh bước cùng bạn trai ra đường, bởi đã có bộ tóc giả che đi vẻ tiều tuỵ.
Cô gái Phạm Thuý Hằng trong một lần đội tóc giả dạo phố cùng bạn trai.
Với chị Phùng Đức Bảo Ngọc, bộ tóc giả luôn sát cánh cùng chị khi đi đám cưới hay lúc dẫn con dạo phố. Năm thứ sáu kể từ ngày chị phát hiện mình bị ung thư cũng là ngần ấy thời gian người chồng tệ bạc bỏ mẹ con chị ra đi. Nhưng người phụ nữ này vẫn lạc quan, bảo còn sống được ngày nào sẽ luôn cố gắng cống hiến hết mình cho cuộc đời.
Chị Ngọc chọn đội tóc giả để luôn thật đẹp trong mắt đứa con trai bé bỏng.
Chỉ vào bức hình chụp cách đây mấy tháng với một người bạn, Phạm Thị Quỳnh Nga (quê Tiền Giang) bảo đó là khoảnh khắc xinh đẹp nhất của mình, dù trên đầu là bộ tóc nhân tạo. Cô gái 19 tuổi nói những lúc buồn chán, đau đớn nhất lại nhìn vào đó, thầm ước một ngày mình sẽ khỏi bệnh ung thư, để được trở về nhà, phụ giúp cha mẹ và tiếp tục việc học.
Và giờ đây khi bị bệnh tật giày vò, mái tóc thiếu nữ cũng không còn, động lực sống của cô gái bé nhỏ có gương mặt phúc hậu này là người mẹ già ở quê. Mái tóc giả giúp cô tự tin hơn nhiều, cô bảo "đó là khoảnh khắc xinh đẹp nhất" của mình...
Có lẽ khi rơi vào hoàn cảnh oái ăm, người ta mới thấy trân trọng những gì mình đang có. Với những người phụ nữ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ước mơ lớn nhất cuộc đời họ là luôn thấy mình thật đẹp.