Có nên cúng rằm tháng Giêng trước một vài ngày?
Rằm tháng Giêng có nên cúng trước một vài ngày hay không là thắc mắc của không ít người có công việc bận rộn vào đúng 15 tháng 1 Âm lịch.
Rằm tháng Giêng, còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu, là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đây là dịp để các gia đình tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, cầu mong bình an, may mắn.
Tuy nhiên, không ít người đặt ra câu hỏi liệu việc cúng rằm tháng Giêng có nên tiến hành trước một vài ngày hay không nếu gia chủ không có điều kiện cúng đúng ngày Nguyên tiêu?
Rằm tháng Giêng có nên cúng trước?
Theo tài liệu lịch sử và tín ngưỡng dân gian, lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ, tức là từ 11h đến 13h vào đúng ngày 15/1 Âm lịch. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, thời gian và cách thức thực hiện cũng đã có những biến đổi linh hoạt để phù hợp hơn với nhịp sống bận rộn của con người.
Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Tư, ngày 12 tháng 2 Dương lịch. Vì đây là ngày giữa tuần nên nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian làm lễ cúng chu đáo. Trong trường hợp này, gia chủ có thể thực hiện lễ cúng rằm tháng Giêng trước một vài ngày, vào 13 hoặc 14 tháng Giêng. Thậm chí, có những gia đình chuẩn bị lễ cúng từ ngày 11, 12 tháng Giêng. Không nên cúng quá sớm vì sẽ làm mất đi ý nghĩa của ngày lễ.
Điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành, ý nghĩa và thái độ mà người cúng dành cho nghi lễ. Sự linh hoạt về ngày giờ cúng giúp nhiều gia đình chuẩn bị lễ trang trọng, đầy đủ mà không quá áp lực về thời gian.
![](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/8/avatar1738985728940-17389857290521945065193.jpg)
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng. (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Trong cuốn Tìm hiểu văn hóa phương Đông 365 ngày (Nhà xuất bản Thanh Hóa), tác giả Thiên Nhân cho biết thông tin chi tiết về một số khung giờ tốt trong các ngày để cúng rằm tháng Giêng năm 2025.
Ngày 15/01 Âm lịch (Rằm tháng Giêng) - những giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: Giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h)
Ngày 14/01 Âm lịch - những giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: giờ Thìn (7h-9h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13h-15h), giờ Tuất (19h-21h)
Ngày 13/01 Âm lịch - những giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
Những kiêng kỵ khi cúng rằm tháng Giêng
Để lễ cúng rằm tháng Giêng diễn ra trọn vẹn và đúng truyền thống, cần lưu ý những điều kiêng kỵ sau đây.
Không dùng đồ chay giả mặn
Cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể là cỗ chay hoặc mặn tùy vào tín ngưỡng từng gia đình. Tuy nhiên nếu làm cỗ chay thì khoonng nên chuẩn bị các món chay giả mặn vì có thể làm mất đi ý nghĩa thuần khiết cần thiết của nó. Thay vào đó, hãy chuẩn bị những món ăn chay đơn giản, thanh đạm như xôi, chè, trái cây, các món cơm canh, rau củ quả xào, các món đậu và nấm...
Không dùng hoa giả, trái cây giả
Hoa và trái cây là những lễ vật không thể thiếu trên ban thờ trong ngày rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, cần chú ý không sử dụng hoa giả hay trái cây giả. Những vật phẩm này không có sinh khí, có thể làm giảm sự linh thiêng của mâm cúng. Thay vào đó, hãy lựa chọn hoa tươi, trái cây theo mùa, không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc.
Không đốt nhiều vàng mã
Đốt vàng mã là một phần của nghi thức cúng rằm tháng Giêng nhưng không nên lạm dụng. Việc đốt quá nhiều vàng mã không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thay vì tập trung vào số lượng, hãy chú trọng vào tấm lòng thành kính và sự trang nghiêm khi tiến hành nghi lễ.
Thời hiện đại, ngày càng có nhiều gia đình bỏ tục đốt vàng mã.